Kỹ thuật sản xuất giống cá dìa

Adv thuysan247
Nhằm giúp người dân chủ động được nguồn giống cá dìa Siganus guttatus (Bloch, 1787) trong tương lai; PGS.TS Nguyễn Quang Linh (Giám đốc Đại học Huế) và các cộng sự đã tiến hành thử nghiệm thành công quy trình sản xuất giống cá dìa với tỷ lệ đẻ của cá bố mẹ đạt 100%, tỷ lệ thụ tinh đạt 95%, tỷ lệ nở đạt 90%. Đáng chú ý, cá dìa giống khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển nhanh.

Nhằm giúp người dân chủ động được nguồn giống cá dìa Siganus guttatus (Bloch, 1787) trong tương lai; PGS.TS Nguyễn Quang Linh (Giám đốc Đại học Huế) và các cộng sự đã tiến hành thử nghiệm thành công quy trình sản xuất giống cá dìa với tỷ lệ đẻ của cá bố mẹ đạt 100%, tỷ lệ thụ tinh đạt 95%, tỷ lệ nở đạt 90%. Đáng chú ý, cá dìa giống khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển nhanh.

thuysan247.com

Lựa chọn và nuôi vỗ cá bố mẹ

Cá bố mẹ có nguồn gốc từ tự nhiên và từ các hộ dân nuôi thương phẩm, đã được thuần dưỡng, tuyển chọn những cá thể khỏe mạnh, cân đối, màu sắc tự nhiên và không có dấu hiệu bệnh lý, không dị tật, bơi lội nhanh nhẹn. Khối lượng từ 400 – 600 g/con, cá có độ tuổi từ 2 tuổi trở lên. Với những tiêu chí này, nhóm đã lựa được 30 con cá, với tỷ lệ cá đực: cá cái là 1:1.

Thức ăn được sử dụng để nuôi vỗ cá bố mẹ: khẩu phần ăn 50% mực tươi + 50% thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein >40% và bổ sung từ 2 – 3 kg rong câu/lồng/ngày, mỗi ngày cho ăn 2 lần vào lúc 7h và 17h với lượng thức ăn mực tươi và thức ăn công nghiệp bằng 5% trọng lượng thân. Hằng ngày tiến hành kiểm tra và vệ sinh lồng, loại bỏ thức ăn dư thừa, quét các vật bám quanh lồng. Các yếu tố môi trường như nhiệt độ nước, pH, hàm lượng ôxy hòa tan, độ mặn, độ kiềm được kiểm tra 2 lần/tuần. Định kỳ 15 ngày/lần hàng tháng kiểm tra thành thục.

Khi cá đã đáp ứng được những chỉ tiêu để chọn tham gia sinh sản, các nhà khoa học sẽ đưa cá đực và cái với tỷ lệ bằng nhau vào một bể bằng composite/xi măng với điều kiện tối ưu: độ mặn của nước là 28 – 30‰ nước biển được lắng lọc qua bể cát, được sục khí liên tục, che phủ bởi lưới đen hoặc bạt để giảm thiểu ánh sáng chiếu vào bể.

Tuyển chọn cá bố mẹ thành thục và kích thích sinh sản: Cá bố mẹ thành thục được tuyển chọn và kích thích sinh sản theo kỹ thuật kích thích sinh sản tự nhiên của NVQG-2014/19.

Cho đẻ

Sau khi đưa cá vào bể đẻ khoảng 1 – 2 giờ, nhóm tiến hành kích thích cá đẻ một cách tự nhiên bằng cách tiến hành thay 50% lượng nước, nếu sau một ngày mà cá chưa đẻ thì giảm độ mặn của nước.

Thu và ấp trứng

Sau khi trứng thụ tinh, tiếp tục dùng vợt vớt hết trứng trong bể, trứng sau khi vớt phải thả ngay vào thùng đựng trứng có sục khí chứa nước có độ mặn 30‰. Đây là bước để phân biệt trứng có đủ chất lượng hay không – trứng nổi trên bề mặt nước thì sẽ được chuyển sang bể ấp, trứng lắng đáy thì sẽ bị loại bỏ.

Cá dìa là loài cá đẻ trứng dính vì vậy sau khi đẻ trứng được bám vào các giá thể được đặt sẵn trong bể đẻ, tiến hành theo dõi thường xuyên khi cá đẻ xong tiến hành bắt cá bố mẹ ra ngoài. Trứng cá dìa sau khi thụ tinh được xử lý với Iodine với nồng độ và thời gian lựa chọn tối ưu nhất từ các thí nghiệm xác định nồng độ, thời gian xử lý trứng cá dìa thụ tinh bằng Iodine. Sau đó tiến hành ấp trứng trong bể.

Trong quá trình ấp trứng duy trì độ mặn 28 – 30‰ và sục khí nhẹ, liên tục, duy trì nhiệt độ 28 – 310C, sau khi đẻ từ 19 – 20 giờ trứng bắt đầu nở thành cá bột, chuyển cá bột ra bể ương. Lúc này, tiến hành thả cá bột vào các bể ương nuôi với các thông số về độ mặn, ôxy hòa tan, nhiệt độ… phù hợp đã được chuẩn bị sẵn.

Ương nuôi từ cá bột lên cá hương

Hệ thống ao hoặc bể ương nuôi được cải tạo và vệ sinh, xử lý nước và gây màu nước tạo nguồn thức ăn tươi sống trong bể, ao ương nuôi trước trước khi thả cá bột tiến hành ương nuôi. Sau khi ao/bể được gây màu tạo nguồn thức ăn tự nhiên đạt đến mật độ tối ưu sinh vật phù du (theo kết quả thí nghiệm xác định mật độ sinh vật phù du phù phù hợp cho cá dìa từ 3 – 7 ngày tuổi) tiến hành thả cá dìa bột để ương theo mật độ ương nuôi. Nước cấp vào bể ương có độ mặn 28 – 30‰, được bơm từ biển lên hệ thống bể lắng, lọc cơ học. Cá bột sau 7 – 14 ngày tuổi được bổ sung ấu trùng Artemia và copepoda với mật độ 5 – 10 ấu trùng/mL nước. Hằng ngày cho cá ăn loại thức ăn phù hợp với lượng cho ăn thay đổi theo thời gian. Sau 10 ngày trở lên, cá dìa được chọn lọc, phân đàn thành nhiều kích cỡ để bố trí ương riêng.  Cá sau 20 ngày bắt đầu tập cho ăn thức ăn công nghiệp dành cho tôm, thức ăn dạng bột có hàm lượng protein > 40%.

Chế độ chăm sóc, quản lý: Cho ăn 2 – 3 lần, tùy vào điều kiện thực tế. Các yếu tố môi trường trong bể ương nuôi cá bột luôn ổn định: nhiệt độ nước 28 – 300C, độ mặn 25 – 30 ‰, pH 7,5 – 8,5, hàm lượng ôxy >4 – 6 mg/L.

Ương nuôi cá hương lên cá giống

Cá dìa 30 ngày tuổi được chuyển sang bể ương lên giống. Chọn cá thả ương khỏe mạnh, màu sắc tự nhiên, phân cỡ đồng đều (1 – 2 cm), mật độ ương 1.000 con/m2. Khi chuyển sang ương giống vẫn tiếp tục cho cá ăn Artemia, copepoda đến ngày tuổi 40 để đảm bảo cho cá tăng trưởng tốt, sau đó sử dụng thức ăn tổng hợp dành cho tôm chủ yếu Lansy Post và N0 phù hợp với cỡ miệng và sự tăng trưởng của cá.

Chế độ chăm sóc, quản lý: Trong giai đoạn ương giống, cường độ thay nước tăng lên, hầu như phải thay hàng ngày, lượng nước thay tùy thuộc vào mức độ dơ của nước trong bể. Các yếu tố môi trường trong bể ương luôn ổn định: nhiệt độ nước dao động từ 28 – 300C; độ pH 7,5 – 8,5; độ mặn 25 – 30‰; hàm lượng ôxy hòa tan trên 4 mg/L. Sau thời gian ương nuôi 60 ngày cá đạt cỡ 4 – 6 cm/con, thu hoạch.

Hoàng Ngân

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết