Tổ hội nghề bóng lồng truyền thống ở xã Đức Lợi (Mộ Đức) được thành lập giúp ngư dân yên tâm bám biển, ổn định cuộc sống.
Tham gia tổ đoàn kết sản xuất trên biển (TĐKSXTB) và tổ hội nghề nghiệp khai thác thủy sản giúp ngư dân đánh bắt hải sản hiệu quả, yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Cùng nhau bám biển
Toàn tỉnh hiện có trên 300 TĐKSXTB và tổ hội nghề nghiệp khai thác thủy sản, với sự tham gia của gần 4.500 chủ tàu thuyền. Sự liên kết này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, an toàn cho ngư dân khi ra khơi, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngư dân Phạm Xắt, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ, thời gian qua, khi ra khơi đánh bắt hải sản, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Thông qua TĐKSXTB, ngư dân đoàn kết, hỗ trợ nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn nên yên tâm bám biển. Các TĐKSXTB linh hoạt trong tìm kiếm ngư trường, khôi phục sản xuất. Một số tổ đội làm nhiệm vụ hậu cần vận chuyển sản phẩm vào bờ và các nhu yếu phẩm như dầu, đá lạnh, nước ngọt, ngư lưới cụ… từ bờ ra biển, giúp tăng thời gian và giảm chi phí chuyến biển.
Phường Phổ Quang hiện có 23 TĐKSXTB, với 147 phương tiện tham gia. Các tổ được chia theo từng nhóm nghề phù hợp để hỗ trợ nhau. Ủy viên Ban Thường vụ Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Quang Võ Xuân Cẩm cho hay, các tổ TĐKSXTB xây dựng và duy trì quỹ tương trợ. Từ nguồn quỹ này, tổ giúp cho những ngư dân gặp nạn trên biển cũng như trên bờ ổn định cuộc sống.Tổ trưởng TĐKSXTB ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) Ngô Thanh Phong cho biết, khi có chủ trương thành lập các TĐKSXTB, tôi và các chủ tàu trên địa bàn phường đã tích cực tham gia. Tổ thành lập cách đây 7 năm, hiện có 12 tàu chuyên nghề lưới vây rút chì và nghề lưới rê. Các tàu liên kết chặt chẽ với nhau, thường xuyên thông tin về ngư trường, luồng cá, tình hình hoạt động, thực hiện cứu hộ kịp thời khi có sự cố xảy ra. Nhờ đó, các tàu hoạt động hiệu quả.
Giữ nghề truyền thống
Không chỉ hỗ trợ các nghề đánh bắt xa bờ, các TĐKSXTB và tổ hội nghề nghiệp khai thác thủy sản còn giúp duy trì nhiều nghề đánh bắt thủy sản truyền thống gần bờ khỏi nguy cơ bị mai một. Nghề khai thác, đánh bắt mực bằng bóng lồng (bóng mực) là nghề truyền thống của ngư dân ở xã Đức Lợi (Mộ Đức). Vào thời điểm hưng thịnh, nơi đây có hơn 100 hộ dân hành nghề bóng lồng, nhưng hiện nay nghề này ngày càng bị mai một. Để duy trì nghề truyền thống, xã Đức Lợi đã thành lập Tổ hội nghề bóng lồng truyền thống, với 12 tàu tham gia. Ông Nguyễn Sớt, có thâm niên hơn 20 năm làm nghề bóng lồng chia sẻ, nguồn lợi thủy sản gần bờ dần cạn kiệt nên chỉ còn vài chục hộ ngư dân theo nghề bóng lồng. Tổ hội nghề bóng lồng được thành lập, hy vọng nghề truyền thống ở địa phương được duy trì và phát triển.
Nghề lưới vây rút chì khai thác gần bờ cũng là nghề truyền thống của ngư dân vùng bãi ngang ven biển trong tỉnh. Nghề này được khuyến khích hoạt động vì không tận diệt nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, số lượng các tàu hành nghề này cũng đang giảm dần vì nhiều nguyên nhân. Không để nghề lưới vây rút chì bị mai một, các TĐKSXTB nghề lưới vây rút chì ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), xã Bình Châu (Bình Sơn)… cũng được thành lập, nhằm kết nối, hỗ trợ nhau trong đánh bắt hải sản.
Thời gian qua, việc đánh bắt hải sản trên cả ba tuyến bờ, lộng, khơi của ngư dân trong tỉnh gặp không ít khó khăn do thiên tai, giá xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, nhờ có TĐKSXTB và tổ hội nghề nghiệp khai thác thủy sản, ngư dân gắn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, đánh bắt hải sản đạt hiệu quả, ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: VŨ YẾN
Nguồn: Theo https://baoquangngai.vn/ Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết