Cửa biển bồi lấp, ngư dân gặp khó

Adv thuysan247
Các cửa biển Lộc An (huyện Đất Đỏ) và Bến Lội (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) đang bị bồi lấp nghiêm trọng, khiến tàu cá công suất lớn không thể ra vào. Ngư dân buộc phải đưa tàu sang cảng khác để vận chuyển hải sản lên bờ.

tàu cá lộc an Cửa biển bị bồi lấp, cộng với giá xăng dầu tăng nên nhiều ghe của ngư dân xã Lộc An, huyện Đất Đỏ phải nằm bờ hoặc chuyển sang

Các cửa biển Lộc An (huyện Đất Đỏ) và Bến Lội (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) đang bị bồi lấp nghiêm trọng, khiến tàu cá công suất lớn không thể ra vào. Ngư dân buộc phải đưa tàu sang cảng khác để vận chuyển hải sản lên bờ.

thuysan247.com

Ông Trần Văn Thông là ngư dân sinh sống trên địa bàn xã Lộc An (huyện Đất Đỏ). Gia đình ông có 2 chiếc tàu cá (chiều dài 20m/chiếc), tổng công suất 500CV nhưng không thể đưa vào neo đậu tại Cảng Lộc An do khu vực này bị bồi lấp. Ông buộc phải đưa tàu về Bình Thuận để bán hải sản sau chuyến đánh bắt, khiến chi phí tăng lên.

“Chi phí đầu vào tăng thêm 10 triệu đồng và lợi nhuận thu về cũng giảm một nửa, chỉ còn khoảng 100 triệu đồng/chuyến biển. Lý do là tôi phải bù thêm tiền xăng dầu, vận chuyển hải sản, bạn ghe, ngư cụ từ Bình Thuận về Vũng Tàu và ngược lại. Mong chính quyền địa phương sớm nạo vét luồng thông thoáng tạo điều kiện cho bà con ngư dân yên tâm bám biển”, ông Thông bày tỏ.

Theo ông Đồng Thanh Điền, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ khai thác thủy sản Lộc An, từ Tết Nguyên đán 2022 đến nay, 90% tàu của HTX phải nằm bờ, chỉ 10% tàu đi biển. Sở dĩ có tình trạng này do chi phí chuyến biển cao, thêm vào đó luồng bị cạn nên thành viên HTX không dám đi vì sợ lỗ và khó ra vào cửa biển làm hàng.

Ông Điền thông tin thêm, khu vực Lộc An có 2 mùa Nam và Bắc. Mùa Bắc (từ tháng 8 năm nay đến tháng 4 năm sau) là thời điểm con nước và sóng chảy nhiều, dễ bị bồi lấp nhất. Đến nay, cửa biển chưa được nạo vét nên cồn cát tích tụ lại chắn ngay ở giữa, khiến tàu thuyền ra vào khó khăn. Thêm vào đó, 2 đầu kè Nam và Bắc thiết kế gần như song song nên luồng vốn hẹp lại càng hẹp hơn. Tàu lớn khó thể ra vào, còn muốn vào phải dò đường và nhờ ghe lai dắt, nhưng tiềm ẩn nguy cơ va chạm với kè đá.

Theo ông Trần Đức Huy, thành viên Tổ hợp tác thủy sản Lộc An, do cửa biển Lộc An bị bồi lấp, chiều rộng cửa chỉ còn khoảng 5-6m, lại sát kè đá thay vì 40-50m như trước đây nên các tàu ra vào rất khó khăn, nguy hiểm.

“Tôi có 2 chiếc đò, mỗi ngày lai dắt 1-2 cặp ghe vào cảng. Không chỉ chủ tàu mà ngay những người làm nghề lai dắt như tôi cũng rất sợ. Nếu không có kinh nghiệm, ghe lớn rất dễ mất lái, va vào kè đá. Nhiều chủ tàu đành chuyển sang cảng khác làm hàng để bảo đảm an toàn”, ông Huy nói.

Cùng với cửa biển Lộc An, cửa biển Bến Lội cũng trong tình trạng tương tự. Theo ông Lê Hồng Liêm, Phó Giám đốc BQL cảng cá tỉnh, 2 cửa biển Bến Lội và Lộc An không chỉ là điểm lên xuống hàng hóa và lấy nhiên liệu cho ghe, tàu của ngư dân địa phương mà còn là nơi các phương tiện đánh bắt xa bờ của các tỉnh khác đến tránh trú bão.

Tình trạng bồi lấp làm thu hẹp luồng khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Thời điểm này việc bồi lấp tuy đã giảm, nhưng để vào được cảng ghe thuyền phải chờ con nước lên. Hiện nguyên liệu tăng, chi phí chuyến biển tăng thêm, trong khi nguồn thủy hải sản đánh bắt được giảm nên lượng tàu bè ra vào cảng Lộc An đã giảm khoảng 20-30%.

“Chúng tôi đã báo cáo tình trạng này với Sở NN-PTNT. Đồng thời, đang triển khai nạo vét khơi thông luồng, bảo đảm cho tàu bè ra vào an toàn, nhất là khi vào mùa mưa bão”, ông Liêm nói.

Đông Hiếu

Nguồn: Theo https://tepbac.com/
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết