Phối hợp kháng sinh thế nào cho hiệu quả? Bài viết này chúng tôi tổng hợp từ nhiều nguồn, làm sao cho người nuôi thủy sản có cái nhìn chính xác về kháng sinh và sử dụng nó hiệu quả.
Mục đích phối hợp kháng sinh:
- Tăng khả năng diệt khuẩn.
- Điều trị trường hợp nhiễm nhiều loại vi khuẩn.
- Giảm khả năng xuất hiện chủng vi khuẩn đề kháng.
Tuy nhiên, kháng sinh có nhiều nhóm, nhiều loại nên việc nhớ để phối hợp đúng là điều không dễ dàng. Để đơn giản và thuận tiện cho người nuôi, có thể chia kháng sinh làm 2 nhóm lớn:
Nhóm A:
- Beta-lactam: Penicillin, Ampicillin, Amoxcillin, Cephalosporin, Cephalexin, Cephalothin, Cephalor…
- Aminosid: Streptomycin, Gentamycin, Neomycin, Kanamycin, Apramycin, Spectinomycin…
Nhóm B:
- Phenicol: Chloramphenicol (đã cấm sử dụng), Thiamphenicol, Florphenicol
- Cyclin: Tetracyclin, Oxytetracyclin (OTC), Chlortetracyclin (CTC), Doxycycline
- Macrolid: Erythromycin, Spiramycin, Oleandomycin, Tylosin, Tiamulin
Nguyên tắc phối hợp :
- A+A (phối hợp 2 kháng sinh cùng trong nhóm A): tác dụng hiệp đồng (tăng tác dụng); Ví dụ: Peni + Strep
- B+B (phối hợp 2 kháng sinh cùng trong nhóm B): không hiệp đồng, không đối kháng, chỉ tác dụng đơn thuần (“việc ai nấy làm”)
- A+B (phối hợp 1 kháng sinh nhóm A & 1 kháng sinh nhóm B): tác dụng đối kháng (mất tác dụng)
- Dung môi hòa tan, tá dược… là những yếu tố không kém phần quan trọng khi phối hợp kháng sinh.
Hai kháng sinh phối hợp nên cùng loại tác dụng, hoặc cùng có tác dụng hãm khuẩn hoặc cùng có tác dụng diệt khuẩn.
Hãm khuẩn (còn được gọi kìm khuẩn, tĩnh khuẩn, trụ khuẩn hay "ngưng trùng", bacteriostatic) là đặc tính của loại kháng sinh chỉ ức chế sự phát triển của vi khuẩn chứ không tiêu diệt. Ta chỉ dùng kháng sinh hãm khuẩn trong trường hợp cơ thể tôm còn sức, vì thuốc chỉ làm vi khuẩn ngưng phát triển, yếu đi và hệ thống đề kháng của cơ thể sẽ làm nhiệm vụ tiêu diệt chúng.
Diệt khuẩn (bactericidal) là đặc tính của kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Nếu bị nhiễm khuẩn nặng, cơ thể tôm bị suy yếu, bắt buộc phải dùng kháng sinh diệt khuẩn.
Phổ tác dụng của kháng sinh
Vi khuẩn G+ | Vi khuẩn G- | Vi khuẩn G+- | Vi khuẩn G+ & Mycoplasma | Vi khuẩn G+- & Mycoplasma |
Peniciilin | Flumequine | Thiamphenicol | Lincomycin | Tetracyline |
Không phối hợp kháng sinh hãm khuẩn và kháng sinh diệt khuẩn vì sẽ đối kháng.
Ví dụ: kháng sinh nhóm beta-lactam (trong đó có cefalexin và amoxicillin) có tác dụng diệt khuẩn do ngăn chặn sự tổng hợp lớp vỏ bao bọc của vi khuẩn, vi khuẩn không có vỏ bọc cơ thể nó sẽ vỡ tung xem như bị tiêu diệt, và tác dụng diệt khuẩn này chỉ phát huy khi vi khuẩn còn có sự phát triển tốt, tổng hợp được lớp vỏ.
Nếu phối hợp kháng sinh beta-lactam với một kháng sinh có tác dụng hãm khuẩn như: tetracyclin, cloramphenicol… xem như beta-lactam bị đối kháng không còn tác dụng. Bởi vì kháng sinh hãm khuẩn thường tác động đến ribosom (một bộ phận trong cơ thể vi khuẩn giúp nó tổng hợp protein để phát triển, tăng trưởng) làm ribosom không hoạt động tức là làm cho vi khuẩn không còn phát triển, tuy không chết nhưng ngưng phát triển, không tiếp tục tổng hợp lớp vỏ bọc là đích tác dụng mà beta-lactam tác động vào.
Một số trường hợp đặc biệt
Kháng sinh nhóm aminosid (như streptomycin, gentamycin, kanamycin…) tuy tác động vào ribosom nhưng lại có tác dụng diệt khuẩn (chứ không có tác dụng hãm khuẩn như tetracyclin). Vì vậy, có thể phối hợp thuốc nhóm beta-lactam với nhóm aminosid.
Kháng sinh cotrim (còn gọi là cotrimoxazol, biệt dược thông dụng bactrim) thực ra là thuốc phối hợp hai kháng sinh: sulfamethoxazol là một sulfamid với một kháng sinh khác là trimethoprim. Sulfamethoxazol và trimethoprin là hai kháng sinh hãm khuẩn nhưng khi phối hợp trong cotrim thì lại đạt được tác dụng hiệp đồng (synergism) là diệt khuẩn.
Erythromycin được xem là kháng sinh hãm khuẩn vì tác động trên ribosom của vi khuẩn nhưng nếu khi dùng, đạt được nồng độ thuốc trong máu cao sẽ có tác dụng diệt khuẩn. Vì vậy, có khi erythromycin được phối hợp với kháng sinh diệt khuẩn.
Hai kháng sinh phối hợp không thuộc cùng một cơ chế tác dụng hoặc không gây độc trên cùng một cơ quan
Ví dụ: Không nên phối hợp hai beta-lactam vì cùng tác động trên vỏ của tế bào vi khuẩn hoặc không phối hợp hai kháng sinh cùng nhóm aminosid vì nhóm aminosid gây độc đối với gan tụy, nếu phối hợp hai kháng sinh cùng nhóm sẽ làm suy gan tụy trầm trọng trong khi hiệu quả trị bệnh lại không tăng.
Hai kháng sinh phối hợp không kích thích sự đề kháng
Ví dụ: Không phối hợp cefoxitin với penicillin vì cefoxitin kích thích vi khuẩn đề kháng với penicillin bằng cách tiết ra enzym phân hủy kháng sinh phối hợp với nó. Những điều này cho thấy lý do vì sao có khuyến cáo chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định và theo hướng dẫn.
Đối với thắc mắc về sự phối hợp cephalexin (hoặc amoxicillin) với cotrim, sự phối hợp này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc phối hợp hai kháng sinh cùng loại diệt khuẩn (chỉ có vấn đề cần xem xét là sự phối hợp này có thật sự cần thiết).
Còn vấn đề phối hợp penicillin và streptomycin, tuy không trái với nguyên tắc phối hợp kháng sinh nhưng được khuyến cáo không nên phối hợp bởi vì streptomycin là loại kháng sinh tồn lưu kéo dài nên hạn chế sử dụng.
Hiệu quả điều trị bệnh do nhiễm vi khuẩn phụ thuộc:
- Phát hiện bệnh kịp thời (sớm);
- Chẩn đoán chính xác (đúng bệnh);
- Sử dụng kháng sinh đúng nguyên tắc (lựa chọn kháng sinh phù hợp mầm bệnh, dùng đúng liều lượng & liệu trình)
Lưu ý: Chúng tôi KHÔNG KHUYẾN CÁO người nuôi thủy sản sử dụng kháng sinh. Sản phẩm không đăng ký chất lượng với cơ quan chức năng cho phép sử dụng trong thủy sản TUYỆT ĐỐI KHÔNG SỬ DỤNG.
Nguồn: Theo Tổng hợp - thuysan247.com Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết