Tàu khai thác thủy sản xa bờ cập cảng Hòn Rớ
Vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị đối thoại với ngư dân, doanh nghiệp để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).
Theo ông Nguyễn Như Đào - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có 3.365 tàu cá, trong đó nhóm tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 708 tàu, chủ yếu khai thác cá ngừ đại dương. Thời gian qua, tỉnh đã vào cuộc quyết liệt chống khai thác IUU nhằm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Nhờ vậy, từ năm 2018 đến 2020, không có tàu cá trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 4 tàu bị nước ngoài bắt giữ khi đang đánh bắt tại vùng biển Việt Nam. Phía Chi cục Thủy sản có bằng chứng rõ ràng chứng minh vị trí tọa độ tàu cá đánh bắt bị bắt giữ. Về vấn đề này, Chính phủ, bộ, ngành liên quan cần sớm làm rõ ranh giới vùng biển chồng lấn giữa các nước để ngư dân yên tâm bám biển. Mặt khác, đến nay, toàn tỉnh có hơn 90% tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chỉ còn 20 tàu chưa lắp đặt. Nguyên nhân là do các tàu này thường xuyên đánh bắt thua lỗ nên không có khả năng lắp đặt thiết bị. Trong khi đó, theo quy định, những tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình không đủ điều kiện để ra khơi, buộc phải nằm bờ.
Bên cạnh đó, công tác chứng nhận và xác nhận thủy sản vẫn còn một số khó khăn. Chi cục Thủy sản luôn tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu khai thác thủy sản (SC) và giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (CC). Trước đây, việc cấp giấy chứng nhận và xác nhận là một, nhưng nay tách ra thành hai thủ tục. Theo đó, các ban quản lý cảng cá thực hiện xác nhận SC; sau đó, Chi cục Thủy sản thực hiện chứng nhận CC. Tuy nhiên, thực tế, ban quản lý cảng cá thường xác nhận thiếu sót một số dữ liệu, nhất là việc xác nhận SC từ ban quản lý cảng cá tỉnh ngoài về. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh chỉ có cảng cá Hòn Rớ thực hiện việc xác nhận nguyên liệu khai thác thủy sản nhưng cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng quy mô lượng lớn tàu cập cảng, lên cá.
Một số ngư dân ở Hòn Rớ (TP. Nha Trang) phản ánh nhiều bất cập trong việc lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình hiện nay như: Thiết bị hoạt động không ổn định, hư hỏng đột xuất trên biển; ngư dân đang hoạt động trên biển chưa kịp đóng phí nên bị phía đơn vị cung cấp dịch vụ ngắt kết nối…
Ngư dân đưa cá ngừ vào cảng Hòn Rớ.
Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ hàng đầu Việt Nam đã nêu khó khăn hiện nay trong việc xuất khẩu cá ngừ sang thị trường châu Âu. Từ khi EC phạt “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, nhiều thị trường thành viên như thị trường Tây Ban Nha kiểm soát rất chặt việc xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Vì vậy, những lô hàng xuất khẩu đánh bắt trên 20 ngày đều bị nước này trả về. Do đó, cơ quan chức năng cần chứng minh, tàu đánh bắt cá ngừ của Việt Nam đi hơn 20 ngày trở về nhưng sản phẩm vẫn được bảo quản tốt.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch VASEP cho biết, hiệp hội ghi nhận, tổng hợp để báo cáo Chính phủ, bộ, ngành Trung ương những khó khăn, vướng mắc trong chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngư dân Khánh Hòa nhằm từng bước tháo gỡ. Tuy nhiên, địa phương cần lưu ý quản lý chặt chẽ để không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, bởi chỉ cần 1 tàu vi phạm thì việc gỡ “thẻ vàng” là rất khó. Sắp tới đây, đoàn thanh tra của EC sẽ đến Việt Nam, trong đó có khả năng đến Khánh Hòa. Do đó, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của EC, từ đó góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
HẢI LĂNG
Nguồn: Theo https://baokhanhhoa.vn/ Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết