Hàu được được ngư dân cạo, đập cho sạch vỏ rồi cho tôm hùm ăn giúp giảm chi phí thức ăn. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Do ảnh hưởng dịch Covid–19, hơn 1 tháng nay tôm hùm bị “tắt” đường xuất khẩu, người nuôi đang cầm cự bằng cách làm giảm chi phí để kéo dài thời gian nuôi.
Trước thực trạng này, người nuôi tôm hùm ở vùng nuôi lớn nhất nước là tỉnh Phú Yên đang cố cầm cự bằng cách làm giảm chi phí để kéo dài thời gian nuôi, chờ qua dịch thị trường thu mua trở lại.
Một trong những cách làm giảm chi phí đầu vào của người nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) hiện nay là cho tôm hùm ăn xen hàu để giảm bớt tiền mua thức ăn. Nhiều hộ nuôi chủ động nuôi hàu trên những chiếc bè tre.
Những chiếc bè nuôi hàu có diện tích khoảng 100m2 với những cây tre ghép sát lại với nhau và đặt trên những thùng phuy nhựa để bè nổi lên mặt nước. Hàu được thả cho chúng bám vào bè tre mà sống. Mỗi sáng, người nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài thu hoạch hàu, cạo vỏ sạch sẽ rồi thả vào lồng cho tôm ăn.
Theo ngư dân Phạm Văn Đô, chủ hộ nuôi 40 lồng tôm hùm trong vịnh Xuân Đài, hàu thay thế được 50% lượng thức ăn cho tôm hùm mỗi ngày.
“Hiện tôm hùm chỉ được tiêu thụ nội địa nên chẳng bán được bao nhiêu. Để cầm cự chờ thị trường ăn mạnh trở lại, tôi nuôi 1 bè hàu rộng chừng 100m2, số lượng hàu thu hoạch được mỗi ngày giúp tôi tiết kiệm được 500.000đ chi phí thức ăn cho 40 lồng nuôi”, ông Đô cho hay.
Ngư dân dùng thuyền thúng chở thức ăn ra bè thả vào lồng cho tôm ăn. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Ngoài ra, người nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài hiện còn đang áp dụng 1 giải pháp khác nhằm làm giảm chi phí tiền thức ăn. Đó là cách không cho tôm ăn đều bữa mỗi ngày, mà cách 1 ngày mới cho ăn 1 lần.
Ngoài cách cho tôm ăn “cách nhật”, người nuôi còn giảm khẩu phần thức ăn cho tôm từ 40 – 60% so với trước đây. Ngư dân Lê Đàm Thảo đang nuôi 50 lồng tôm hùm trong vịnh Xuân Đài, 1 tháng qua ông vừa cho tôm ăn xen hàu, vừa cho ăn “cách nhật” và giảm khẩu phần ăn nên đã tiết kiệm được 15 triệu đồng tiền mua thức ăn.
“Để có thể kéo dài thời gian nuôi, đợi thị trường Trung Quốc nhập khẩu tôm hùm trở lại, bằng mọi cách chúng tôi phải làm giảm chi phí trong nuôi tôm mới có thể cầm cự, chứ cho tôm ăn đều như trước đây thì không tiền nào chịu nổi.
Trong thời gian này, lâu lâu mới có 1 vài thương lái ở TP.HCM ra mua tôm hùm để cung ứng cho nhà hàng, số lượng mua rất ít và chỉ mua tôm to, nên chúng tôi chỉ thu tỉa để bán, số còn lại phải tiếp tục nuôi.
Do vậy, 1 tháng nay tôi vừa cho tôm ăn “cách nhật”, vừa giảm khẩu phần ăn và cho ăn xen thêm hàu để giảm chi phí”, ông Thảo chia sẻ.
Người nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) giờ phải kéo dài thời gian nuôi để chờ qua dịch Covid–19 thị trường Trung Quốc thu mua tôm hùm trở lại. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Trong nghề nuôi tôm hùm, chi phí cho thức ăn chiếm rất lớn, tôm trong mỗi lồng nuôi “ngốn” mất khoảng 70.000đ tiền thức ăn/ngày.
Ở vịnh Xuân Đài đang có khoảng 70.000 lồng nuôi, hộ nuôi ít nhất cũng 20 lồng, hộ nuôi nhiều cả 100 lồng. Riêng khoản chi phí thức ăn cho tôm hùm nuôi trong vùng nuôi vịnh Xuân Đài, mỗi ngày người nuôi phải tiêu tốn đến hàng tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, tôm hùm nuôi kéo dài cả nửa năm là chuyện bình thường. Nếu không có gì xảy ra thì tôm nuôi 12 tháng là xuất bán, nếu thị trường tiêu thụ bị “tắt” như hiện nay thì nuôi kéo dài 14 tháng. Trong thời gian này cho chúng ăn cắt bữa tôm vẫn sống bình thường, chỉ ảnh hưởng đến tăng trọng.
Nguồn: Theo Nông nghiệp Việt Nam Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết