Doanh nghiệp tôm làm gì để khôi phục sản xuất?

Adv thuysan247
Sau khi Nghị quyết số 128/NQ-CP (NQ 128) có hiệu lực (từ ngày 11/10/2021), tình hình phòng chống dịch cả nước bước qua một giai đoạn mới. Đó là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Sự nhìn nhận và cách ứng xử về dịch bệnh có khác biệt so trước đây, không còn tập trung cho zero covid.

Sau khi Nghị quyết số 128/NQ-CP (NQ 128) có hiệu lực (từ ngày 11/10/2021), tình hình phòng chống dịch cả nước bước qua một giai đoạn mới. Đó là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Sự nhìn nhận và cách ứng xử về dịch bệnh có khác biệt so trước đây, không còn tập trung cho zero covid.

thuysan247.com

NQ 128 ra đời trong bối cảnh có những điểm lưu ý:

(1) Vaccine trong tháng 10 có rất nhiều so với các tháng trước đó. Đến nay một số tỉnh thành lớn đã hoàn tất tiêm mũi 1 số dân trong độ tuổi cần tiêm. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở các tỉnh miền Tây thấp hơn tỷ lệ chung.

(2) Từ đầu tháng 10/2021, người lao động từ các tỉnh thành công nghiệp đã hồi hương về miền Tây khá đông, hàng trăm ngàn người, có thời điểm vượt khả năng đón nhận, sắp xếp của chính quyền địa phương. Trong đó, có không ít lao động trốn tránh không khai báo, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn rủi ro lây nhiễm dịch bệnh

(3) Số lao động này về quá nhiều, các cơ sở cách ly quá tải, ít nhiều dẫn đến không kiểm soát chặt chẽ tạo ra mối nguy chuyển từ F1 qua F0 không ít, dẫn đến áp lực lớn cho ngành y tế các địa phương.

Sau khi có NQ 128, các doanh nghiệp (DN) nói chung, DN tôm được phép hoạt động. Cách thức hoạt động tùy địa bàn có cấp độ dịch, nhưng tổng quát các DN chính thức chuyển sang giai đoạn mới, phục hồi và tăng tốc. Cái khó là các DN liệu có đáp ứng quy định của địa phương về điều kiện tổ chức sản xuất trên nền tảng vận dụng các nội dung từ NQ1 28 của chính quyền địa phương đó. Tuy trở lại bình thường mới, thực tình có điểm khác biệt là các DN có mối lo âu thường trực đi kèm. Nguyên nhân mối âu lo đã nêu trên, trong nửa tháng qua các ca nhiễm và ổ dịch mới tăng khá nhanh ở các tỉnh miền Tây, gây áp lực quá lớn cho tuyến đầu phòng chống dịch nói chung, cho các DN nói riêng. Từ đó, đưa đến các DN muốn hoạt động an toàn, ổn định trong tình hình này, các việc nên làm là:

+ Cho đến nay tỷ lệ tiêm mũi 1 vaccine ở miền Tây còn khá thấp. Chỉ khi dịch không còn lây lan mất kiểm soát, DN mới an tâm tập trung cho công việc chính, khôi phục sản xuất. Do đó, điều khẩn thiết lúc này là cần kiến nghị thêm vaccine để người lao động trong toàn chuỗi sản xuất tôm được tiêm đủ 2 mũi.

+ Các DN luôn coi công tác phòng chống dịch là công việc trọng điểm, thường xuyên, lâu dài. Lý do, quan điểm mới sẽ sống chung với dịch, các ca F0 sẽ gần hàng rào DN hơn và sẵn sàng thâm nhập vào bên trong. Điều này minh chứng là trong mấy ngày qua liên tục các DN chế biến tôm từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… có ca F0 trong quá trình tầm soát của mình. Các DN không thể chủ quan, bởi thực tế cho thấy có lao động đã tiêm hai mũi hơn hai tháng vẫn mắc bệnh. Có lao động kiểm hôm trước âm tính, hôm sau lại có kết quả ngược lại. Cho nên, các DN phải chứng tỏ cái nhìn thực chất vấn đề khá cốt lõi này thông qua việc phải có đủ phương tiện, điều kiện kiểm tra xét nghiệm, tầm soát y tế cho tất cả người lao động của mình chặt chẽ và chu đáo. Và theo diễn biến tình hình, có thể phải tăng tầng suất tầm soát, giữ vững độ an toàn. Thậm chí nên trang bị cho mình máy xét nghiệm Realtime PCR, vì chỉ kiểm qua thiết bị này độ chính xác mới bảo đảm. Nội dung này quá cấp bách, cần thiết cho nên không thể quá phân vân về chi phí.

+ Từ cách nhìn nhận trên, tốt hơn DN phải có bộ phận thường xuyên phân tích các mối nguy mà dịch bệnh có thể lẻn vào DN, tương tự phân tích mối nguy trong HACCP mà các DN đều biết. Trong đó, cần chú ý tới đội ngũ lái xe đường dài của doanh nghiệp. Việc cung ứng nguyên liệu, vật tư, thực phẩm… vào bên trong DN, tốt nhất, phải qua vùng đệm để hạn chế tối đa tiếp xúc, hạn chế lây lan.

Qua phân tích trên, ta thấy rõ ràng rằng, trong bối cảnh hiện nay việc bảo đảm an toàn là hàng đầu. An toàn mới sản xuất. Quan điểm này là xuyên suốt, lâu dài đến khi có chuyển biến mới về tác động của covid-19.

Song song chăm lo phục hồi sản xuất, việc xem xét đánh giá tiêu thụ trong bối cảnh mới cũng không thể coi nhẹ. Cần quan sát diễn biến tình hình thị trường; suy nghĩ, thói quen mới người tiêu dùng để định ra sách lược thị trường, khách hàng, sản phẩm cho từng giai đoạn nhằm tranh thủ tốt cơ hội. Quan điểm mới nhìn nhận dịch bệnh nay đã khác. Các quốc gia là thị trường lớn đã lần lượt mở cửa, tiến tới bình thường trong hoạt động các mặt đời sống, tuy vẫn phải bảo đảm thực thi các giải pháp nhằm giữ an toàn, hạn chế lây lan dịch bệnh. Từ đó, có những nét cần quan tâm:

+ Mảng nhu cầu dịch vụ sẽ tăng mạnh, ngay cuối năm nay. Bởi các nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi… sẽ từng bước phục hồi. Nhu cầu thực phẩm nói chung, con tôm nói riêng cho mảng thị trường này sẽ tăng mạnh trở lại. Các DN chắc chắn sẽ biết tính toán phối hợp với khách hàng của mình nhằm tận dụng cơ hội này.

+ Người tiêu dùng có xu thế chuộng thực phẩm chế biến sâu, tích hợp nhiều tiện ích, thuận lợi trong việc chế biến món ăn nhanh nhất. Đây là xu thế chung và tác động từ covid-19 hai năm qua đã đẩy mạnh thêm xu thế này. Dĩ nhiên việc nghiên cứu kịp thời các sản phẩm mới sẽ là lợi thế cạnh tranh của DN biết toan tính.

Phần trên là nhấn mạnh yếu tố cầu với các ngõ ngách bên trong. Thực tế, chúng ta cần phải tìm hiểu thêm cán cân còn lại, khả năng cung ứng. Song song sự phục hồi ngành tôm nước ta, các cường quốc tôm khác cũng có chiến lược hồi phục của họ. Sự cạnh tranh sắp tới là không nhỏ. Mở rộng chỗ này, có điểm các DN tôm hết sức lưu ý. Nếu từ năm 2018 đến nay tôm tươi PTO của Ấn Độ chiếm lĩnh thị phần ở Hoa Kỳ, nhờ vào họ trang bị hàng ngàn bộ thiết bị cấp đông IQF có xuất xứ từ Việt Nam. Trong khi Ecuador chiếm lĩnh khúc thị trường tôm thô block nguyên con…

Từ năm 2020, Ecuador có rất nhiều lao động nhập cư để tăng lực lượng cho mảng chế biến tôm, cho nên tôm tươi PTO đang cạnh tranh khá mạnh với tôm Ấn Độ ở Hoa Kỳ các các nước khác. Lợi thế tôm hai nước này là giá rất rẻ. Các DN tôm ta biết “né” họ thông qua nâng cao trình độ chế biến, tiến tới các sản phẩm chế biến sâu hơn, mới có thể giữ vững thị trường, thị phần của mình.  Trở lại vấn đề nêu ra ở trên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, một giải pháp căn cơ là làm sao giá mua bán phải mềm, bởi trong khó khăn, thu nhập của người tiêu dùng có hạn và có xu thế tiêu dùng dè sẻn một chút. Do vậy, các DN cần rà soát lại mình, tổ chức lại lao động, dây chuyền chế biến làm sao tăng năng suất, giảm phụ phẩm, tiết kiệm mọi mặt… nhằm giảm chi phí, giảm giá thành. Lúc đó mới tăng sức cạnh tranh của tôm Việt mạnh mẽ hơn.

Tóm lại, trong bối cảnh dịch bệnh còn nguy cơ bùng phát, trong lúc vaccine chưa phủ khắp, các DN nói chung, DN tôm nói riêng cần hết sức khẩn trương, coi trọng việc giữ vững sự an toàn cho sản xuất. Việc này tốn nhiều công sức, tiền của nhưng vô cùng cần thiết, không thể lơi tay, coi nhẹ. Song song, phải theo dõi diễn biến tình hình nhu cầu, năng lực các quốc gia là đối thủ để chúng ta biết người, biết ta mà có chiến lược, bước đi phù hợp cho hoàn cảnh mình làm sao đẩy nhanh nhất việc phục hồi sản xuất an toàn và tiến tới ổn định, phát triển cho lâu dài.

Lời phi lộ: Bài viết  này có nhiều thông tin đã cũ, chỉ là trong thực tế có nhiều điểm liên quan cần cập nhật thông tin kịp thời, giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, qua đây chuyển lời cám ơn một số lãnh đạo doanh nghiệp đã cung ứng thông tin để hình thành bài viết này.

TS Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Nguồn: Theo VASEP
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết