Chế phẩm từ lá bàng thay kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Adv thuysan247
Trong dân gian, lá bàng khô được sử dụng để tạo màu, ngăn ngừa một số vi khuẩn, nấm trên cá rồng và các loài cá ưa nước mềm như cá dĩa, cá xiêm.

Nhóm nghiên cứu với chế phẩm sinh học từ lá bàng khô thay thế kháng sinh.

Trong dân gian, lá bàng khô được sử dụng để tạo màu, ngăn ngừa một số vi khuẩn, nấm trên cá rồng và các loài cá ưa nước mềm như cá dĩa, cá xiêm.

thuysan247.com

Chế phẩm sinh học thiên nhiên từ lá bàng khô chứa nhiều dược chất, đặc biệt là violaxanthin, góp phần tiêu diệt các loại vi khuẩn, nấm trong nước và trên cơ thể tôm, cá.

Tận dụng hoạt chất diệt khuẩn trong lá bàng

Với mục tiêu tạo ra sản phẩm thay thế thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã sản xuất thành công chế phẩm sinh học từ lá bàng.

TS Trần Văn Nguyên, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, ở Việt Nam, cây bàng phân bố từ Quảng Ninh tới Vũng Tàu - Côn Đảo và các đảo ngoài khơi từ Bắc vào Nam. Lá bàng rụng sớm về mùa khô, trước khi rụng chúng chuyển thành màu đỏ ánh hồng hay nâu vàng, do các sắc tố như lutein, violaxanthin hay zeaxathin.

Do chứa nhiều vitamin và khoáng chất, trong lĩnh vực y học, lá bàng có nhiều công dụng, giúp giảm các triệu chứng như đau đầu, ho, stress và cải thiện sức khỏe.

Đặc biệt, lá bàng chứa nhiều hoạt chất hữu cơ và chất chống oxy hóa như polyphenols và flavonoids giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại virus; depresion và anxiety giúp giảm các triệu chứng liên quan đến rối loạn tâm thần. Ngoài ra, lá bàng khô còn được sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp nhờ tác dụng làm sáng da và giảm các dấu hiệu lão hóa.

Trong dân gian, lá bàng khô được sử dụng để tạo màu, ngăn ngừa một số vi khuẩn, nấm trên cá rồng và các loài cá ưa nước mềm như cá dĩa, cá xiêm… Với liều lượng phù hợp, hoạt chất từ lá bàng còn có khả năng tiêu diệt các loại côn trùng, vi khuẩn có hại… giúp tạo môi trường nuôi trong sạch. Nhóm nghiên cứu đã nghĩ đến tận dụng hoạt chất này để thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

TS Nguyễn Hữu Tiến, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, vấn đề lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đã được đề cập từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp tháo gỡ hiệu quả.

Nhiều người nuôi dùng các kháng sinh không rõ nguồn gốc, thành phần, tác dụng, việc lựa chọn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, sự tư vấn của của những người đi trước hoặc người bán thuốc…

Chỉ có thể ngăn chặn tình trạng này bằng cách cho ra đời chế phẩm từ thiên nhiên an toàn cho sức khỏe và môi trường. Nhóm đã sử dụng lá bàng để điều chế thành chế phẩm dạng lỏng thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Giá rẻ hơn thuốc kháng sinh

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, nếu diện tích xử lý là 1.000 m2 thì sẽ sử dụng 30 lít trong 2 tuần (1 tháng sẽ dùng 60 lít). Dự kiến mỗi chai chế phẩm 500 ml có giá khoảng 11.000 đồng, rẻ hơn so với các sản phẩm thuốc kháng sinh phổ biến trên thị trường như Aqua Clean (310.000 đồng/kg), Antibio (360.000 đồng/kg).

Ngoài ra, khi sử dụng chế phẩm từ lá bàng, nước thải ra môi trường có chỉ số tốt hơn nước sử dụng kháng sinh. Bên cạnh đó, chế phẩm còn góp phần phát triển năng suất sinh sản của cá, đặc biệt là với cá tra, cá basa, cá ngừ.

Để đánh giá hiệu quả của sản phẩm, nhóm nghiên cứu đã sử dụng thử nghiệm trên các bể và ao nuôi khác nhau. Tại bể nuôi cá cảnh trong phòng nghiên cứu, trước khi cho dung dịch vào bể nuôi, cá cảnh có hiện tượng bị nấm toàn phần, sức khỏe yếu.

Sau khi tiến hành nhỏ dung dịch với nhiều nồng độ khác nhau, sau 2 tuần, nấm trên cơ thể cá hết hoàn toàn, màu sắc cá đẹp trở lại và tăng khả năng sinh sản.

Để đánh giá hiệu quả ở quy mô lớn hơn, nhóm nghiên cứu thử nghiệm trên một ao nuôi cá tra rộng 2 ha ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Trong ao nuôi có 48% cá bị nấm đuôi và 13% sưng bóng hơi.

Sau một tháng sử dụng chế phẩm sinh học, kết quả ao nuôi sạch hơn, nồng độ nitơ, photpho trong nước giảm, da cá tra đẹp, hết bị nấm và phát triển khỏe mạnh.

TS Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ, trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục cải tiến chế phẩm sinh học như bổ sung một số vi sinh giúp cá tăng sản lượng, đầu ra của nước thân thiện với môi trường tự nhiên hơn…

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu mong muốn cải tiến để sản phẩm không chỉ dùng cho thủy sản mà còn có thể phục vụ cho con người như dùng làm chất tẩy rửa, vệ sinh cơ thể. Hiện tại, nhóm đang tiến hành đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho chế phẩm và tiến tới thương mại hóa ở các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhật Phong

Nguồn: Theo BÁO GIÁO DỤC & THỜI ĐẠI
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết