TP. Hồ Chí Minh: Để ngành cá cảnh vươn xa

Adv thuysan247
Nghề nuôi, kinh doanh và xuất khẩu cá cảnh ở TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua phát triển khá mạnh, bước đầu khẳng định được vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp Thành phố.

Nghề nuôi, kinh doanh và xuất khẩu cá cảnh ở TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua phát triển khá mạnh, bước đầu khẳng định được vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp Thành phố.

thuysan247.com

 Tuy nhiên, sản phẩm tiềm năng này vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, cần có những giải pháp phù hợp để tiếp sức…

TP. Hồ Chí Minh: Để ngành cá cảnh vươn xa

Cá Rồng rất được ưa chuộng tại Việt Nam

Mục tiêu xuất khẩu 100 triệu USD

Hồ Chí Minh là Thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Do đó, Thành phố đã xác định cần chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị có trọng điểm, tạo sản phẩm có giá trị cao, hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững. Theo đó, cá cảnh được xem là đối tượng giúp tạo ra giá trị, thu nhập cao.

Trong những năm gần đây, nghề nuôi cá cảnh ở TP. Hồ Chí Minh đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, đa dạng hơn. Hiện nay, tổng diện tích nuôi cá cảnh trên toàn Thành phố khoảng 90 ha với khoảng gần 300 cơ sở và hộ nuôi. Bà con chủ yếu nuôi theo các hình thức như nuôi trong hồ kính, nuôi hồ xi măng lót bạt, nuôi ao, nuôi trong keo/hũ/bình/thau/chậu/thùng xốp… Trong đó, chủ yếu là 3 hình thức chính: Thứ nhất, nuôi hồ kính với thể tích trung bình 100 - 200 lít/hồ, khoảng 100.000 hồ/4 ha, chủ yếu nuôi các loại cá dĩa, neon, mũi đỏ… Thứ hai, nuôi hồ xi măng, hồ bạt nhựa, diện tích trung bình 4 - 6 m2/hồ, khoảng 20.000 hồ/24 ha chủ yếu nuôi cá bảy màu, cá hòa lan, cá hồng kim… Thứ ba, nuôi ao, diện tích 200 - 500 - 1.000 - 2.000 m2/ao, khoảng 500 ao/60 ha, chủ yếu nuôi cá chép Nhật, ba đuôi, bảy màu, hòa lan, hồng kim… 

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2010 - 2019, tổng sản lượng cá cảnh của Thành phố mỗi năm đều tăng, trung bình 15%/năm. Năm 2010 là 60 triệu con, đến năm 2019 là 205 triệu con. Tuy nhiên, giai đoạn 2020 - 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả ngành nghề và lĩnh vực cá cảnh, nên sản lượng sản xuất cá cảnh đã giảm trên 50% vào năm 2021 (100 triệu con).

Trong những tháng đầu năm 2023, số lượng cá cảnh sản xuất trên địa bàn Thành phố là 37,4 triệu con; số lượng cá cảnh xuất khẩu là trên 4,1 triệu con, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022; giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 4,2 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đã xuất khẩu cá cảnh sang 50 quốc gia, trong đó châu Âu chiếm tỷ trọng cao nhất là 64,78%; tiếp đến là châu Á 28,49%; châu Mỹ 5,1%; Trung Đông, 1,28%; và Nam Phi 0,35%.

Theo Quyết định số 4310 năm 2021 của UBND TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố phấn đấu đạt sản lượng cá cảnh sản xuất 300 triệu con. Sản lượng cá cảnh xuất khẩu ước đạt 100 triệu con, giá trị xuất khẩu ước đạt 100 triệu USD.

Tạo sức bật tăng tốc

Trong sự phát triển chung của lĩnh vực nông nghiệp Thành phố, sự tăng trưởng của ngành nuôi, sản xuất và xuất khẩu cá cảnh thời gian qua là rất đáng kể, có thể xem đó là một cơ sở quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành này.

Chính vì vậy, trong thời gian qua TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường hoạt động các tổ chức nghề nghiệp, thành lập các hội, chi hội cá cảnh nhằm tập hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nghệ nhân thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề trên các địa bàn trọng điểm để tổ chức sản xuất và tiêu thụ cá cảnh. Song song đó, Thành phố cũng đầu tư nghiên cứu, phát triển các loài giống cá cảnh mới, thuần dưỡng các loài cá tự nhiên và khả năng làm cảnh…

Tuy nhiên trong thời gian tới, để hoạt động nuôi, sản xuất và xuất khẩu cá cảnh tiếp tục phát triển bền vững theo hướng nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm, TP. Hồ Chí Minh cần thực sự xem cá cảnh là một sản phẩm nông nghiệp đô thị có tính đặc thù, là một trong thế mạnh của Thành phố, tức xem đây là một ngành sản xuất có lợi thế so sánh. Vì vậy, cần tập trung cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, đủ điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng và hình thức của cá cảnh, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngành nông nghiệp và các địa phương cần khảo sát hiện trạng hoạt động nuôi, sản xuất cá cảnh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và có phương án phát triển phù hợp. Trong đó, cần duy trì, mở rộng phát triển mạnh sản xuất cá cảnh ở các khu vực có khả năng tập trung cao tại các huyện ngoại thành, đặc biệt là Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn cùng một số quận ven có điều kiện thuận lợi.

Chú trọng nghiên cứu lai tạo, chọn lọc, thuần chủng, sinh sản một số loài cá tự nhiên bản địa dùng làm cảnh và cá cảnh ngoại nhập có giá trị cao, phù hợp với điều kiện của TP. Hồ Chí Minh, được thị trường ưa chuộng. Trong đó, cần quan tâm nghiên cứu tạo ra những giống mới kháng bệnh tốt, có hình thức độc đáo, có thể thích nghi trong môi trường nuôi hẹp phù hợp không gian đô thị. Chú ý tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật, phương tiện và hỗ trợ việc chuyển giao kịp thời những kết quả nghiên cứu, lai tạo đến cơ sở sản xuất. Quá trình đó cũng cần quan tâm việc bảo tồn giống cá cảnh bản địa quý hiếm, giống cây thủy sinh đặc trưng và có giá trị kinh tế cao của Việt Nam để nhân giống và phát triển thành sản phẩm nổi bật, chủ lực….

Bên cạnh đó, phải có giải pháp bảo đảm các cơ sở nuôi, sản xuất và xuất khẩu cá cảnh thực hiện an toàn dịch bệnh cá cảnh. Việc ngăn ngừa dịch bệnh không chỉ bảo đảm năng suất, hiệu quả của sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn các giống cá cảnh tốt, có năng suất cao.

Các địa phương cần tổ chức, xây dựng, chỉnh trang các cửa hàng, điểm kinh doanh và chợ cá cảnh truyền thống bán sỉ, bán lẻ ở các quận nội thành, mở rộng thêm các chợ hoặc trung tâm giao dịch cá cảnh mới kết hợp du lịch. Trong đó, nghiên cứu xây dựng các chuỗi liên kết, các hợp tác xã, các cụm cửa hàng, tổ hợp các điểm nuôi, sản xuất và bán cá cảnh gắn với hoạt động tham quan của khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài, xem đó là một sản phẩm du lịch đặc trưng của TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu xây dựng phiên chợ hay siêu thị nông nghiệp kết hợp với trung tâm giới thiệu, giao dịch, tư vấn về hoa, cây kiểng, cá cảnh. Ngoài ra, kết hợp tổ chức hội thi cá cảnh đẹp, triển lãm cá cảnh tại các phiên chợ hoa, cây kiểng hàng năm vào dịp lễ, tết…

Đồng thời có thể nghiên cứu mở rộng phát triển ổn định kết hợp du lịch sinh thái các cơ sở hiện hữu sản xuất cá cảnh trong hồ kiếng và hồ xi măng, góp phần đưa hoạt động nuôi cá cảnh và tham quan điểm nuôi cá cảnh trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo…

Hải Đăng

Nguồn: Theo Tổng cục Thủy sản
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết