Ngành nuôi biển có thể xuất khẩu 10 - 15 tỷ USD mỗi năm

Adv thuysan247
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, cho biết ngành nuôi trồng thủy sản trên biển có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển.

Nuôi biển có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển

PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, cho biết ngành nuôi trồng thủy sản trên biển có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển.

thuysan247.com

Nếu có chiến lược phát triển tốt, xuất khẩu 10 - 15 tỷ USD mỗi năm là mục tiêu trong tầm tay.

Nuôi cá biển giá trị gấp 4 - 5 lần cá tra

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của ngành nuôi biển trong phát triển kinh tế biển?

- Nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.Nuôi cá biển giá trị gấp 4 - 5 lần cá tra. Ví dụ 1 triệu tấn cá nuôi biển xuất khẩu sẽ thu về khoảng 10 tỷ USD, trong khi tiềm năng biển Việt Nam có thể nuôi được 10 triệu tấn. Nếu phát triển tốt tiềm năng của nuôi biển thì mục tiêu xuất khẩu 10 - 15 tỷ USD mỗi năm là chuyện trong tầm tay.Vậy nhưng đến nay, ngành nuôi biển vẫn còn nhiều vướng mắc làm hạn chế sự phát triển dù có nhiều tiềm năng.

Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng

Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng

- Những khó khăn đó là gì, thưa ông?

- Đầu tiên là về quy hoạch. Theo Luật Thủy sản, các dự án nuôi trồng thủy sản phải nằm trong vùng được quy hoạch. Luật Quy hoạch 2017 có hiệu lực từ 1.1.2019 yêu cầu phải điều chỉnh và tích hợp các quy hoạch đã được phê duyệt trước đó vào hệ thống quy hoạch mới, trong khi đa số các quy hoạch mới có liên quan đến phát triển nuôi thủy sản đều chưa được xây dựng và phê duyệt, gây khó khăn cho việc thực hiện Luật Thủy sản.

Ở cấp quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia vẫn chưa được phê duyệt. Ở cấp tỉnh, quy hoạch tỉnh phần lớn đều đang được xây dựng và chưa được phê duyệt. Không có quy hoạch thì không giao được các khu vực biển cụ thể cho dân nuôi.

Bên cạnh đó, thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, ngư dân còn rắc rối.Còn thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thực tế ngành nông nghiệp chưa ban hành được các tiêu chuẩn, quy chuẩn cần thiết, đặc biệt là về lĩnh vực bảo đảm an toàn thiên tai cho cơ sở nuôi, an toàn sinh học cho vật nuôi và vùng nuôi, hoạt động bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển…

Hiện cũng chưa có thủ tục đăng kiểm cho cơ sở và phương tiện nuôi biển; chưa có bảo hiểm cho cơ sở nuôi biển do các công ty bảo hiểm không thể chấp nhận rủi ro khi chưa có được các cơ sở pháp chế kỹ thuật để thực hiện.

Ngoài ra, còn thiếu chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển. Chưa có chương trình đào tạo nhân lực trong nước cho ngành công nghiệp nuôi biển, cả ở trình độ công nhân, trung cấp, cao đẳng, lẫn đại học…

Mục tiêu đến năm 2030, nghề nuôi biển Việt Nam sẽ đạt sản lượng 1,45 triệu tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD. Tuy vậy, trước những khó khăn nêu trên, ngành nuôi biển phải cố gắng rất nhiều.

Sớm quy hoạch, giao khu vực biển lâu dài cho dân

- Theo ông, ngành nuôi biển cần chuyển đổi như thế nào để phát triển bền vững?

- Phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại là xu hướng tất yếu, đem lại giá trị cao cho ngành thủy sản và cũng góp thêm giá trị để thu hút khách du lịch. Cả nước có khoảng 50 nghìn cơ sở nuôi biển, phần lớn hoạt động nuôi biển ở quy mô gia đình manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu và không bền vững. Trong nước chưa có cơ sở nuôi biển xa bờ.

Muốn doanh nghiệp, người dân đầu tư một cách bài bản thì cần giao khu vực biển nuôi trồng lâu dài, ít nhất 20 năm, 30 năm nếu không người dân sẽ mãi nuôi lồng thủ công. Luật Thủy sản 2017 quy định thời hạn giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng hải sản đến 30 năm, gia hạn đến 20 năm. Luật có rồi nhưng đến nay chưa được thực hiện. Các chính sách phát triển nuôi biển có gần như đầy đủ nhưng chưa được thực thi đồng bộ ở các địa phương.

Bên cạnh đó, phải định hướng di chuyển từ vùng biển kín, ven bờ ra các vùng biển mở, xa bờ. Đồng thời, sẽ phát triển các hệ nuôi kín ở trên bờ với công nghệ tuần hoàn trong thu gom và xử lý chất thải môi trường. Doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ thể để thúc đẩy sự phát triển, tạo chuỗi liên kết trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm.

Nuôi biển có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển

Nuôi biển có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển

Cần đáp ứng những điều kiện gì để không lo sợ vấn đề khó tiêu thụ đầu ra cho nuôi biển công nghiệp, thưa ông?

Muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước và thế giới, ngành nuôi biển cần có ít nhất 3 điều kiện: tạo ra sản lượng hàng hóa đủ lớn so với nhu cầu; sản phẩm phải đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ; được sản xuất, chế biến, phân phối trong những điều kiện đạt các tiêu chuẩn quốc tế và được chứng nhận. Việc xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị những nhóm sản phẩm nuôi biển chiến lược là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành.

Về mặt chính sách, ông có đề xuất gì?

- Cần sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 11/2021/NĐ-CP và Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Sớm xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển. Ban hành cơ chế phối hợp quản lý liên ngành kinh tế biển. Xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp tại mỗi địa phương.

Riêng về vấn đề thiếu quy hoạch không gian biển, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành quy hoạch không gian biển quốc gia trình Chính phủ thẩm định và Quốc hội thông qua trong năm nay. Các địa phương cũng cần chủ động trong việc tích hợp quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã có vào quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng phê duyệt sớm.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung

Nguồn: Theo ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết