Ảnh minh họa
Không chỉ lo giá tôm đang giảm mạnh hay thời tiết thất thường, vật tư đầu vào tăng cao, mà người nuôi tôm ở khu vực ĐBSCL luôn canh cánh bên mình nỗi lo dịch bệnh gây thiệt hại, nhất là bệnh phân trắng và chậm lớn do EHP.
Nhiều diện tích nuôi bị thiệt hại
Theo các hộ nuôi tôm, ngoài việc giá vật tư đầu vào tiếp tục tăng, giá tôm đang giảm mạnh thì vụ tôm đầu năm nay cũng rất khó nuôi so với năm ngoái. Anh Thái Sứ Cơ, ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Năm nay tuy dịch bệnh không gây thiệt hại rõ ràng như đầu năm ngoái, nhưng nhìn chung tôm nuôi vẫn rất chậm lớn. Ngoài nguyên nhân độ mặn lên chậm và thấp ra, hầu hết người nuôi chúng tôi đều có cảm nhận là bệnh EHP trên tôm vẫn còn nên tôm mới chậm lớn”. Tuy có khó nuôi, nhưng trước sức hấp dẫn của giá tôm trong quý I, các mô hình nuôi TTCT lót bạt đáy vẫn được người nuôi tiến hành thả nuôi theo đúng khung lịch thời vụ. Do đó, hiện tại các vùng nuôi trong khu vực ĐBSCL, lượng tôm thu hoạch mỗi ngày cũng tương đối đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Sự xuất hiện của EHP ngay từ đầu vụ nuôi năm nay được minh chứng qua một số ao nuôi chỉ sau 15 ngày thả giống đã bắt đầu phát hiện có sự hiện diện của EHP, kể cả ao nuôi lót bạt có hệ thống xử lý nước rất hoàn chỉnh. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, 3 năm qua, bệnh vi bào tử trùng (EHP) nối tiếp bệnh phân trắng đã gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi tôm ở tất cả vùng nuôi, khiến người nuôi luôn đau đáu lo âu; làm sao hạn chế sự thâm nhập của EHP vào ao nuôi vì các thuốc diệt khuẩn không tiêu diệt được tận gốc loại khuẩn này. Giải pháp căn cơ phổ biến hiện là nước nuôi phải lắng lọc thật tốt, vì EHP rất nhỏ, dịch chuyển phải nhờ giá thể, là chất rắn lơ lửng trong nước. Nước lắng trong, sẽ giảm thiểu sự hiện diện của EHP, chấp nhận sống chung với EHP, cầm cự qua mỗi mùa vụ.
Tôm bị nhiễm EHP. Ảnh: Biogency
Tại Cà Mau, bước vào tháng 5, dù diện tích thiệt hại tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến đã giảm mạnh, nhưng theo ghi nhận của ngành chức năng vẫn có gần 130 ha bị thiệt hại. Như vậy, chỉ hơn 4 tháng đầu năm, số diện tích nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến bị thiệt hại ở Cà Mau đã lên đến gần 7.000 ha. Không chỉ có mô hình nuôi cấp thấp này bị thiệt hại, ngay cả mô hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh cũng bị thiệt hại chủ yếu do bệnh đốm trắng, gan tụy và một số dịch bệnh khác. Còn tại tỉnh Trà Vinh, do thời tiết thất thường làm cho môi trường ao nuôi biến động mạnh làm phát sinh một số bệnh gây hại tôm nuôi, như: đốm trắng, gan tụy, đường ruột, chậm lớn… trên diện tích 263 ha tôm sú và 338 ha TTCT giai đoạn 25 – 55 ngày tuổi.
Chưa hết quan ngại về dịch bệnh
Theo chia sẻ của người nuôi tôm, trong số các dịch bệnh thường xuất hiện và gây hại tôm nuôi hiện nay thì bệnh phân trắng và EHP là đáng lo ngại nhất, vì các biện pháp phòng, trị bệnh này đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Điều quan trọng hơn là tôm giống nhiễm EHP với tỷ lệ thấp (<5%) rất khó phát hiện, nhưng khi đưa về nuôi khoảng 15 – 20 ngày là sẽ thấy tác hại. Hiện nay, các vùng nuôi tôm khu vực ĐBSCL đang bước vào mùa mưa và cùng với đó là số diện tích tôm nuôi cũng ngày một tăng lên, nên khả năng bệnh do EHP gây ra sẽ vẫn là một trong những mối nguy lớn đối với vụ tôm năm 2023.
Ảnh: Jove
Trong lần trò chuyện trước đây về bệnh do EHP, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam cho biết, mùa mưa là thời điểm EHP dễ bùng phát và gây thiệt hại nhiều nhất. Nguyên nhân là do các vùng nuôi tôm đa phần tập trung tại các cửa sông, cũng là nơi tiếp nhận nguồn nước mưa từ các khu dân cư, trại chăn nuôi, khu công nghiệp… đổ về mang theo cả EHP. Trong khi đó, mùa mưa, môi trường ao nuôi dễ biến động làm giảm sức đề kháng tôm nuôi, nên khi bị nhiễm bệnh tôm rất dễ thiệt hại.
Có một điều đáng quan ngại hơn là số diện tích tôm nuôi nhiễm EHP rất khó được thống kê đầy đủ, chính xác, mà chủ yếu chỉ được thể hiện qua những ao tôm thiệt hại giai đoạn trước 45 ngày tuổi. Theo một chủ trang trại nuôi tôm lớn ở Sóc Trăng, bệnh do EHP xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của tôm nuôi, nhưng thường khi tôm từ 60 ngày tuổi trở lên đã đạt kích cỡ thương phẩm, một số đã đạt điểm hòa vốn nên người nuôi không khai báo mà tiến hành thu hoạch, sau đó xử lý lại ao nuôi rồi tiếp tục thả nuôi vụ mới. Mặt khác, thiệt hại do EHP gây ra thường nằm ở giá thành tôm nuôi (do tôm chậm lớn, hệ số FCR cao) chứ ít khi làm tôm chết hoàn toàn như một số loại bệnh khác trên tôm.
Hiện nay, hầu hết người nuôi tôm đều biết cách xử lý nước thật tốt để hạn chế EHP, nhưng theo họ vẫn chưa đủ để ngăn ngừa tình trạng dịch bệnh tái phát mà cần có sự kiểm tra nghiêm ngặt hơn nữa chất lượng nguồn giống. Vì đây cũng là một nguồn lây lan EHP quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả của vụ nuôi.
An Xuyên
Nguồn: Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết