Doanh số cá mú tăng mạnh tại các thị trường chính, trong khi cá tráp được tiêu thụ chậm hơn. Trong năm 2022, mặc dù người nuôi tiếp tục phải đối mặt với chi phí đầu vào cao nhưng hai loài này vẫn được nuôi nhiều, sản lượng tăng đáng kể và giá cá bán ra của cả hai loài đều cao.
Sản xuất
Giá cá mú tăng cao trong năm 2021 đã hấp dẫn những nông dân nuôi cá ở khu vực Địa Trung Hải. Sản lượng toàn cầu được ước tính tăng lên đáng kể trong năm 2022, lên tới 15.000 tấn (tăng 6% so với năm trước).
Hy Lạp đang kỳ vọng một vụ mùa bội thu cả cá mú và cá tráp vào năm 2022. Nhu cầu mạnh mẽ tại các thị trường trọng điểm như Ý, nơi Hy Lạp đang chiếm lần lượt 40% và 50% thị phần cá mú và cá tráp, đã thúc đẩy các nhà sản xuất. Sản lượng của hai loài này dự kiến sẽ đạt gần 150.000 tấn vào năm 2022, tăng 12% so với năm 2021.
Croatia đã liên tục tăng trữ lượng cá mú và hiện sản xuất nhiều ngang với Ý, một kỳ tích ấn tượng đối với một quốc gia này.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Liên minh châu Âu đã tăng lên gần 10%, là mức chưa từng thấy kể từ những năm 1980. Điều này đã ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị thủy sản, với tất cả mọi người từ người tiêu dùng đến nhà bán lẻ đang phải vật lộn để tái cân bằng giá cả. Chi phí thức ăn thủy sản chiếm trung bình 70% chi phí của nông dân nuôi cá mú và cá tráp, và với giá ngũ cốc và dầu cá tăng vọt trong những tháng gần đây thì người nông dân phải vật lộn với vấn đề chi phí.
Thổ Nhĩ Kỳ - nhà sản xuất cá mú và cá tráp hàng đầu thế giới, giờ đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn hơn nữa. Tỷ lệ lạm phát hàng năm đã ở mức gần 80% trong tháng 7/2022 so với 20% vào thời điểm này năm 2021, đã làm tăng thêm sự bất ổn của nền kinh tế quốc gia này, mặc dù đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ liên tục suy yếu đã hỗ trợ phần nào hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Liên minh châu Âu.
Thương mại
Các thị trường trọng điểm ở châu Âu đã chứng kiến sự gia tăng nhập khẩu cá mú, cá tráp, vượt hơn mức nhập khẩu trước đại dịch Covid-19. Ý là nhà nhập khẩu cá mú và cá tráp chính trên thị trường thế giới, vẫn duy trì nhu cầu nhập khẩu mạnh trong nửa đầu năm 2022, với việc gia tăng nhập khẩu từ Hy Lạp và Croatia. Thương mại đạt đỉnh vào tháng 5/2022 với khối lượng cá mú tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại các thị trường nhỏ hơn như Tây Ban Nha và Pháp, nhập khẩu cả hai loài cá này cũng tăng lên. Tổng nguồn cung cho hai thị trường này tăng lên 19.900 tấn trong nửa đầu năm 2022, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; nguồn cung lớn từ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ quyết định phần lớn sự tăng trưởng này.
Giá cả
Nhu cầu mạnh đã đẩy giá cá mú tăng trong suốt nửa đầu năm 2022. Tại Mercamadrid, giá cá đạt mức cao kỷ lục, cá cỡ trung bình được bán với giá 6,8 EUR/kg vào giữa tháng 7/2022, tăng so với mức 5,6 EUR/kg vào tháng 7 năm 2021.
Nửa đầu năm 2022, do nhu cầu tăng cao khiến giá cá tráp đã tăng lên ở hầu hết các kích cỡ, cá cỡ trung bình được bán với giá 5,6 EUR, tăng so với 4,8 EUR vào cùng thời điểm năm trước. Cá cỡ lớn có giá biến động khi đã giảm từ 7,10 EUR/kg vào tháng 1 năm 2022 xuống còn 5,50 EUR vào đầu tháng 5 trước khi tăng trở lại 7,20 EUR vào giữa tháng 7.
Dự báo
Nguồn cung cá mú dự kiến sẽ khan hiếm ít nhất là cho đến năm sau, trong khi cá tráp sẽ luôn sẵn có. Mặc dù sức sản xuất đã tăng lên kể từ năm 2020, nhưng thị trường vẫn tiếp tục cảm nhận được sự thiếu hụt nguồn cung của Thổ Nhĩ Kỳ, với nguồn cung được dự đoán sẽ giảm. Việc giá cá tăng cao sẽ đem lại lợi nhuận tốt cho những người nông dân vốn đang rất eo hẹp nguồn lực tài chính.
Ngọc Thúy (theo FAO)
Nguồn: Theo Tổng cục Thủy sản Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết