Tính đường xa cho ngành thủy sản

Adv thuysan247
Là tỉnh không giáp biển, tuy nhiên, bằng nhiều chiến lược, ngành thủy sản của Đồng Nai luôn đạt mức tăng trưởng tốp đầu so với các lĩnh vực nông nghiệp khác.

Đồng Nai đang chú trọng đến việc phát triển vùng nuôi thủy sản lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Lê Bình.

Là tỉnh không giáp biển, tuy nhiên, bằng nhiều chiến lược, ngành thủy sản của Đồng Nai luôn đạt mức tăng trưởng tốp đầu so với các lĩnh vực nông nghiệp khác.

thuysan247.com

Dư địa thủy sản còn lớn

Theo Chi cục Thủy sản Đồng Nai, tuy không có biển nhưng Đồng Nai được thiên nhiên ưu đãi với các sông lớn giàu tiềm năng nuôi trồng thủy sản như sông Đồng Nai, sông La Ngà, và khu vực rừng ngập mặn Long Thành, Nhơn Trạch.

Đồng Nai có khoảng 18 hồ chứa thủy lợi và thủy điện. Diện tích hồ chứa thủy lợi chủ yếu phục vụ cho tưới nước nông nghiệp, công nghiệp, một số phục vụ nước sinh hoạt. Tận dụng tiềm năng mặt nước chưa khai thác hết, các đơn vị quản lý hồ chứa cho các tổ chức, cá nhân thuê để nuôi trồng thủy sản. Nuôi thủy sản hồ chứa chủ yếu là phương thức nuôi quảng canh cải tiến, đánh tỉa thả bù.

Với diện tích mặt hồ lớn, ít chịu tác động của thiên tai, ngành thủy sản của Đồng Nai có nhiều thuận lợi để phát triển nuôi cá lồng hồ. Ảnh: Lê Bình.

Với diện tích mặt hồ lớn, ít chịu tác động của thiên tai, ngành thủy sản của Đồng Nai có nhiều thuận lợi để phát triển nuôi cá lồng hồ. Ảnh: Lê Bình.

Theo đó, với diện tích gần 70 ngàn ha mặt nước, hiện tổng diện tích nuôi thủy sản địa phương khoảng 8.735 ha; trong đó, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt là 7.067 ha, nuôi thủy sản nước lợ là 1.668 ha. Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt trên 69.000 tấn. 

Trong đó, nuôi nước lợ chủ yếu tập trung tại 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch, với đối tượng thủy sản có thế mạnh là tôm thẻ, tôm sú, hàu. Nuôi nước ngọt được trải đều trên địa bàn các huyện, nhưng phát triển mạnh chủ yếu tại các huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, các loài thủy sản nuôi như tôm càng xanh, cá lóc, rô đồng, chép, rô phi,…

Ngoài ra, nuôi thủy sản lồng bè tại làng cá bè Biên Hòa là 480 bè và 907 lồng, lòng hồ Trị An 638 bè và 2.914 lồng, khu vực sông thuộc địa bàn huyện Tân Phú, Định Quán có khoảng 1.187 lồng; các đối tượng nuôi gồm chép, diêu hồng, lăng, trắm, nàng hai,…

Đặc biệt, đối với vùng nuôi nước lợ, tại huyện Nhơn Trạch có hơn 600 ha được quy hoạch vùng nuôi tôm, với diện tích nuôi thâm canh hiện nay khoảng 330 ha, diện tích nuôi áp dụng công nghệ cao khoảng 180 ha. Khu vực này có tiềm năng phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và đang thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng này.

Chiến lược phát triển

Để phát huy tiềm năng mặt nước hiện có, lợi thế của từng địa phương, gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học, thời gian qua, Chi cục thủy sản tỉnh Đồng Nai đã tham mưu Sở NN-PTNT và UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách để phát triển ngành thủy sản.

Trong đó, tiêu biểu: dự án khu nuôi thủy sản tập trung tại huyện Nhơn Trạch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phát triển sản xuất tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Phối hợp các đơn vị, hỗ trợ địa phương thực hiện nuôi thủy sản VietGAP, liên kết chuỗi…

“Từ hỗ trợ của tỉnh, nhiều địa phương đã hình thành được những vùng chuyên canh nuôi thủy sản, trong đó có những vùng nuôi các loại đặc sản đã được thị trường biết tiếng, cho thu nhập cao. Cơ cấu ngành thủy sản đang có sự chuyển dịch khá rõ rệt theo hướng tăng nhanh tỉ trọng nuôi trồng, giảm tỉ trọng khai thác”, ông Châu Thanh An - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai, chia sẻ.

Đơn cử tại huyện Nhơn Trạch, là địa phương có diện tích nuôi thủy sản nước lợ lớn nhất tỉnh Đồng Nai, để hỗ trợ nông dân chuyển sang mô hình nuôi tôm thâm canh theo công nghệ CP, huyện Nhơn Trạch đầu tư đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi thủy sản; thành lập tổ hợp tác nuôi tôm tại các xã; phát triển vùng nuôi tôm VietGAP.

Cơ cấu ngành thủy sản Đồng Nai đang có sự chuyển dịch khá rõ rệt theo hướng tăng nhanh tỉ trọng nuôi trồng, giảm tỉ trọng khai thác. Ảnh: Lê Bình.

Cơ cấu ngành thủy sản Đồng Nai đang có sự chuyển dịch khá rõ rệt theo hướng tăng nhanh tỉ trọng nuôi trồng, giảm tỉ trọng khai thác. Ảnh: Lê Bình.

Cùng với đó, huyện kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật trong vùng nuôi tôm, đầu tư phát triển các dự án nuôi thủy sản bền vững trên địa bàn. Phối hợp với Sở KH-CN xây dựng thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm trên ao nuôi có sẵn ở xã Phước An, sau đó nhân rộng mô hình ra các vùng nuôi khác.

“Nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ CP giúp người nuôi kiểm soát được mật độ, tỷ lệ hao hụt giống, chất lượng nguồn nước, nguồn thức ăn, chất thải nên lợi nhuận cao. Theo đó, năng suất đạt 60-80 tấn/ha/vụ, lợi nhuận có thể đạt 3 tỷ đồng nếu thực hiện được 4 vụ. Huyện tiếp tục khuyến khích phát triển mô hình này nhằm giải quyết bài toán về kinh tế, dịch bệnh, môi trường”, đại diện Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch chia sẻ.

Ngoài tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh cũng được quy hoạch vào kế hoạch phát triển thủy sản chiến lược của tỉnh Đồng Nai. Hiện toàn tỉnh có 68 ha nuôi tôm càng xanh với tổng sản lượng thu hoạch đạt khoảng 130 tấn/vụ/năm, chủ yếu tập trung ở huyện Tân Phú. Đây là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao với lợi nhuận bình quân đạt từ 200-250 triệu/ha/vụ. Trong đó, huyện Tân Phú đã hình thành được vùng nuôi tôm càng xanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 27 ha.

Kế hoạch tỉnh Đồng Nai đặt ra đến năm 2030, tổng diện tích nuôi tôm càng xanh đạt 200 ha, tăng trưởng bình quân đạt trên 15,25%/năm. Trong đó, hình thành các vùng nuôi tôm càng xanh tập trung theo hướng hiện đại, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thân thiện môi trường, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng để tăng năng suất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao. Đầu tư phát triển tôm càng xanh theo tư duy có hệ thống và chuỗi giá trị; liên kết sản xuất để tạo vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với nhu cầu thị trường. Kế hoạch cũng đề ra các giải pháp thực hiện như: về tổ chức, quản lý sản xuất; về khoa học công nghệ; phát triển thị trường; về cơ chế chính sách…

Tỉnh cũng tạo bệ đỡ bằng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho ngành nuôi thủy sản tiếp tục đạt mức tăng trưởng, phát triển bền vững, quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng để phát triển các vùng nuôi thủy sản như: đường giao thông, điện…

Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 14 vùng nuôi thủy sản đạt chuẩn VietGAP với diện tích trên 408 ha và gần 81 ngàn m3 bè. Tổng sản lượng thủy sản VietGAP đạt gần 15,7 ngàn tấn. Ngoài ra, nhiều chương trình hỗ trợ HTX, các vùng nuôi thủy sản đạt chuẩn VietGAP đang được triển khai.

"Để hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung theo hướng hiện đại, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thân thiện môi trường, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, Đồng Nai tiếp tục đưa ra các nhóm giải pháp đồng bộ như: thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức; bảo tồn các loài hoang dã và các giống thủy sản nguy cấp quý hiếm; phát triển nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quản lý sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển thị trường, hội nhập quốc tế…", ông Châu Thanh An - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho biết.

Nguồn: Theo nongnghiep.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết