Bột mực và bột sò điệp tổ hợp thay thế bột cá trong thức ăn tôm thẻ

Adv thuysan247
Tin vui khi có rất nhiều dấu hiệu tích cực trong việc dùng bột mực và bột sò điệp thay thế bột cá trong thành phần thức ăn của tôm thẻ.

Bột mực và bột sò điệp có thể thay thế bột cá trong thành phần thức ăn của tôm thẻ.

Tin vui khi có rất nhiều dấu hiệu tích cực trong việc dùng bột mực và bột sò điệp thay thế bột cá trong thành phần thức ăn của tôm thẻ.

thuysan247.com

Thức ăn cho tôm thẻ chân trắng hiện nay đều chứa dầu cá, bột cá. Đây là những nguyên liệu không thể thiếu và làm cho giá thức ăn tăng cao, chiếm đến hơn 50% tổng chi phí sản xuất. Cũng dễ hiểu là vì sao bột cá, dầu cá lại không thể thiếu trong thức ăn. Là do chúng chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao và dễ tiêu hóa, nhiều amino acid thiết yếu, khoáng chất và các acid béo không thể thiếu cho hoạt động sống của tôm. Tuy nhiên nguồn bột cá, dầu cá hiện nay đang bị cạn kiệt do sự hà khắc của thiên nhiên và sự đánh bắt không giới hạn của con người. Cũng do ngày càng thiếu hụt mà giá bột cá, dầu cá thì ngày càng tăng lên một cách chóng mặt. 

Rất nhiều nguồn thay thế bột cá đã được nghiên cứu và thử nghiệm, nhưng các nguồn thay thế từ thực vật sống trên cạn như bột đậu nành, cám gạo,…lại thiếu khá nhiều acid amin và acid béo cần thiết cho tôm. Nghiêm trọng hơn là những nguồn thay thế này có thể tồn tại các chất phi dinh dưỡng như phytates hay saponin ảnh hưởng tới việc hấp thu của tôm khi được sử dụng. Trong khi đó, phụ phẩm của ngành chế biến thủy sản ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Đó có thể là tuyến tiêu hóa, tuyến sinh dục, xương, vây, da của những sinh vật 2 mảnh vỏ, những động vật biển nhỏ và đương nhiên khác với các nguồn thực vật  là chúng chứa một lượng acid amin, acid béo thiết yếu và chất chống oxy hóa vô cùng lớn cho sự phát triển của tôm. 

Cũng có rất nhiều nghiên cứu được tiến hành để thử nghiệm việc thay thế bột cá bằng các phụ phẩm của ngành chế biến thủy sản vào trong quá trình sản xuất thức ăn. Đơn cử như thay thế bột cá bằng 10% bột mực ống hay 30% bột từ nội tạng cá ngừ cũng đã cho thấy sự tăng trưởng tốt hơn, FCR giảm và tỷ lệ sống của tôm thì không bị ảnh hưởng đáng kể. Hoặc sự hiệu quả khi sử dụng tổ hợp từ bột mực và bột sò với hàm lượng lipid được nghiên cứu vào năm 2017 để thay thế nguồn bột cá trong thức ăn.

Tôm thẻ chân trắng rất dễ bị oxy hóa do những hoạt động mạnh, nhất là trong quá trình thu hoạch. Một lượng lớn tôm được cho chung vào một thùng chứa không có nước, và chỉ sau một thời gian ngắn do tiếp xúc trực tiếp với không khí, hiện tượng trắng bụng và đốm đen sẽ xuất hiện làm chất lượng tôm khi tới tay người tiêu dùng, bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong quá trình nuôi, việc thay đổi mật độ ao nuôi, san ao cũng làm cho tôm xuất hiện các hiện tượng oxy hóa, làm hỏng DNA và các thành phần dinh dưỡng trong cơ thể đến cuối cùng làm tôm chết hàng loạt. Tuy nhiên chiết xuất từ các sản phẩm bổ sung hoàn toàn có thể giải quyết tình trạng này, đó có thể là các enzyme (superoxide dismutase, catalase…) hoặc carotenoid, vitamin, phenol,… nhưng cho kết quả thì rất khả quan trong quá trình chống oxy hóa cho tôm.

Chế độ cho ăn bột mực và bột sò điệp sau thử nghiệm đều cho thấy tôm tăng trọng đáng kể, đều làm tôm giảm các phản ứng do căng thẳng trong quá trình nuôi. Cholesterol ở mức thấp nhất trong chế độ ăn với thức ăn có chứa bột sò điệp và cũng không quá cao ở chế độ ăn bột mực. Điều này chứng minh rằng việc thay thế này đều cho hiệu suất tốt khi đổi chỗ cho bột cá. Cộng thêm vào đó là bổ sung một lượng lớn protein, acid béo, carotenoid, cholesterol và đặc biệt là thu hút sự bắt mồi của tôm. Và bột mực cũng được khẳng định là thành phần làm tăng cao lượng phospholipid, chứa nhiều lipid tốt và acid béo thiết yếu cho cơ thể tôm. Khi chế độ ăn có một lượng dư protein, lipid thì sẽ được bài tiết và tích lũy trong gan tụy tôm hoặc được sử dụng để sản xuất tế bào mới, thúc đẩy sự phát triển.

Tôm sống sót khi tiếp xúc trực tiếp với không khí nhiều nhất chỉ trong 20 phút, do các enzyme chống oxy hóa đều sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Theo nghiên cứu, các gen chống oxy hóa đã được chứng minh là hoạt động tốt hơn khi tôm được cho ăn với chế độ bổ sung bột sò điệp. Những điều này thật sự đáng ghi nhận khi mà hàm lượng bột cá ngày càng cạn kiệt. Thay thế chúng bằng bột mực và bột sò điệp sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng tốt hơn, kiểm soát tốt hơn mật độ nuôi, rút ngắn được thời gian nuôi.

Bột mực và bột sò điệp ngoài việc chứa nhiều acid béo thiết yếu, cải thiện khả năng tăng trưởng của tôm, còn giàu sắc tố tự nhiên, có khả năng thay thế cholesterol bằng phytosterol tích cực hơn, cộng thêm việc chống oxy hóa vượt trội. Hứa hẹn tổ hợp này có thể thay thế được bột cá trong thức ăn để giảm bớt gánh nặng trong chi phí sản xuất.

Nguồn: Theo tepbac.com
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết