Bệnh “đỏ thân” là bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng có tình mùa vụ rõ rệt đó là mùa có nhiệt độ thấp (mùa mưa), đặc biệt bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa (T8- T10) ở Khánh Hòa. Bệnh thường xảy ra vào giai đoạn sau khi thả nuôi được 30-60 ngày, gây chết cao, tỷ lệ chết có thể đạt 100% sau 3 đến 7 ngày.
Tuy nhiên, đến nay chưa có nhưng nghiên cứu sâu về tác nhân gây bệnh và biện pháp phòng trị hiệu quả đối với bệnh này tại Việt Nam [Hà, 2007]. Vì vậy, đề tài được thưc hiện với mục tiêu tìm hiểu biến đổi mô bệnh học của tôm he chân trắng bị bệnh đỏ thân bước đầu góp phần xác định nguyên nhân gây bệnh, là cơ sở cho các nghiên cứu sâu hơn.
Từ 16 mẫu (5-10con/mẫu) tôm he chân trắng (Penaeus vannamei) có dấu hiệu đỏ thân được thu từ 16 ao tôm thương phẩm tại Khánh Hòa đang có hiện tượng chết. Kết quả phân tích biến đổi mô bệnh học cho thấy 13/16 mẫu có biến đổi mô bệnh học đặc thù của hội chứng đốm trắng (WSSV), 2/16 mẫu có biến đổi mô bệnh học giống với hội chứng Taura, 1/16 mẫu mô học không có biến đổi lạ. Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện thấy 6/13 mẫu bị đốm trắng ngoài thể vùi đặc thù của virus hội chứng đốm trắng (WSSV) luôn kèm theo một dạng thể vùi nhỏ, nằm ngoài nhân, ưa kiềm, bắt màu tím của hematoxylin giống với thể vùi của GAV (GAV-like). Trong khi đó 18 mẫu được thu từ các ao tôm khỏe mạnh kết quả phân tích mô học hoàn toàn không gặp các dạng biến đổi mô như trên.
VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Phương pháp thu mẫu
Tại những ao tôm đang bị bệnh thu 10-15 con/ao (1 mẫu) với dấu hiệu bệnh lý đặc trưng. Mẫu được cố định bằng dung dịch Davidson cho nghiên cứu mô bệnh học.
Mẫu đối chứng được thu ngẫu nhiên ở ao tôm khỏe mạnh 10-15 con/ao.
Phương pháp mô bệnh học
Áp dụng phương pháp mô bệnh truyền thống được mô tả bởi D. V Lightner, 1996.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
Trong thời gian từ tháng 4/2007-11/2007, 16 mẫu tôm bị đỏ thân (10-15 con/mẫu) được thu từ 16 ao tôm thương phẩm đang bị bệnh, tất cả các mẫu này được đưa vào nghiên cứu mô bệnh học. Kết quả phân tích chúng tôi đã phát hiện được thể vùi của 3 dạng virus là: thể vùi dạng virus đốm trắng (WSSV inclusion); thể vùi dạng Taura (TSV inclusion) và thể vùi dạng GAV (GAV-inclusion).
Bảng 1: Các loại virus phát hiện trên tôm chân trắng bị bệnh đỏ thân nuôi tại Vạn Ninh-Khánh Hòa
Hoàn toàn không gặp các dạng biến đổi mô bệnh học như trên ở 18 mẫu tôm thu từ các ao tôm khỏe mạnh.
Biến đổi mô bệnh học của tôm bị hội chứng đốm trắng (WSSV)
Chúng tôi phát hiện 13/16 mẫu tôm bị đỏ thân có biến đổi mô bệnh học đặc thù của hội chứng đốm trắng, trong 13 mẫu này chỉ có 1/13 có xuất hiện các đốm trắng trên vỏ kitin phần đầu ngực (hinh 1A, 1B )
Hình 1: Tôm chân trắng bị cảm nhiễm virus WSSV thể hiện dấu hiệu bệnh lý đỏ thân (A), xuất hiện các đốm trắng trên giáp đầu ngực (B). Tiêu bản mô bệnh học phát hiện các thể vùi dạng Cowdry type A ở mô mang, đặc trưng cho giai đoạn sớm của cảm nhiễm, thể vùi chưa chiếm hết thể tích của nhân và nhuộm màu hồng của eosin do tính ưa acid (C); giai đoạn muộn các thể vùi phì đại chiếm hết thể tích của nhân và nhuộm màu tím hồng do tính ưa kiềm, được phát hiện ở biểu mô thành dạ dày (D), biểu mô dưới vỏ (E), cơ quan tạo máu (F)
Trên những lát cắt mô học có thể tìm thấy thể vùi của đốm trắng ở nhiều cơ quan khác nhau như: biểu mô thành dạ dày, mô mang, biểu mô dưới vỏ, cơ quan lympho, cơ quan tạo máu… Trong nhân của mỗi tế bào phình to chứa duy nhất một thể vùi nằm ở trung tâm, giai đoạn sớm và muộn của cảm nhiễm có sự khác biệt nhau rất rõ. Giai đoạn sớm thể vùi thường nhỏ và bắt màu hồng của eosin do tính ưa acid, bao quanh thể vùi là một vùng sáng không bắt màu thuốc nhuộm, ngoài cùng là vành nhân bắt màu tím của hematoxylin, hạch nhân thường kết đặc bị đẩy sát vào màng nhân (hình 1C ). Giai đoạn muộn hơn, thể vùi phì đại và chiếm hết thể tích của nhân thường có hình cầu hoặc hình trứng và chuyển dần sang tính kiềm nên có thể có màu tím của hematoxylin. Số lượng thể vùi cũng phản ánh mức độ nặng nhẹ của bệnh (hình 1D, 1E, 1F).
Biến đổi mô bệnh học của tôm bị hội chứng Taura -TSV
2/16 mẫu tôm bị đỏ thân có biến đổi mô bệnh học giống với biến đổi mô bệnh học của hội chứng Taura (TSV). Khi tôm hấp hối toàn thân chuyển sang màu hồng đỏ rõ rệt, kèm theo những dấu hiệu của nhiễm khuẩn như mòn cụt phần phụ, tại vị trí bị mòn cụt xuất hiện các sắc tố đen. Bệnh gây chết dữ dội, tỷ lệ chết đạt 100% trong vòng 1 tuần. (hình 2A)
Hình 2: Tôm he chân trắng bị hội chứng Taura thể hiên dấu hiệu đỏ thân, đặc biệt là phần quạt đuôi, kèm theo theo dấu hiệu mòn cụt phần phụ do bội nhiễm vi khuẩn (A); Những biến đổi mô bệnh học thể hiện sự thương tổn dữ dội hình thành nên những ổ viêm với nhân tế bào bị phân tán hay kết đặc và các thể vùi ngoài nhân bắt màu tím của hematoxyline được phát hiện ở một số tổ chức như: mô mang (B), biểu mô dưới vỏ (C, D), phần phụ chân bơi (E), biểu mô thành dạ dày (F).
Trên lát cắt mô học những cơ quan bị tổn thương nghiêm trọng như: Biểu mô dưới vỏ của toàn bộ cơ thể hay các phần phụ, mô mang, biểu mô thành dạ dày, ……Tại những mô bị tổn thương có hiện tượng nhân tế bào bị thoái hoá phân tán hoặc kết đặc, tồn tại nhiều thể vùi hình cầu thường bắt màu tím của Hematoxylin. (hình 2B, 2C, 2D, 2E, 2F).
Biến đổi mô bệnh học của GAV-like
Thể vùi dạng GAV có thể được tìm thấy ở mô mang, cơ quan lymphoid, biểu mô dưới vỏ của tôm he chân trắng bị đỏ thân và luôn được phát hiện cùng với thể vùi của virus hội chứng đốm trắng (hình 3)
Hình 3: Mô mang (ảnh trái) và cơ quan lymphoid của tôm he chân trắng bị đỏ thân tồn tại hai dạng thể vùi của WSSV và GAV like.
KẾT LUẬN
Có 3 dạng virus được phát hiện trên 16 mẫu tôm he chân trắng bị đỏ thân thu tại Vạn Ninh – Khánh Hòa bao gồm thể vùi của virus đốm trắng (WSSV), thể vùi dạng Taura (TSV) và thể vùi dạng GAV. Trong đó, của virus đốm trắng bắt gặp với tỷ lệ cao nhất (81.25%); sau đó là GAV-like (37.50%); TSV-like 12.50%. Hoàn toàn không gặp các biến đổi mô bệnh học như trên ở 18 mẫu tôm khỏe mạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Thị Hòa, Bùi Quang Tề, Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Thị Muội, 2004. Bệnh học Thuỷ Sản. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, 2004.
2. Đỗ Thị Hòa, 1996. Nghiên cứu một số bệnh chủ yếu trên tôm sú (P. monodon) nuôi ở khu vực Nam Trung Bộ. Luận án phó tiến sĩ khoa học Nông Nghiệp.
3. Đỗ Thị Hòa và CTV, 1994 Nghiên cứu một số bệnh chủ yếu trên tôm sú P.monodon nuôi ở khu vực miền Trung Việt Nam và đề ra biện pháp phòng bệnh thích hợp. Tạp chí KHCN Thuỷ Sản số I /1996, tr 16-19.
4. Đồng Thanh Hà, 2007 Bước đầu nghiên cứu sự cảm nhiễm của virus Taura (TSV), virus đốm trắng (WSSV) và virus gan tụy ( BP, HPV, MBV) trên tôm he chân trắng (Penaeus vannamei Boone, 1993) nuôi ở khu vực Vạn Ninh – Khánh Hòa bằng phương pháp mô bệnh học”. Báo cáo đề tài NCKH sinh viên trường đại học Nha Trang 2007.
5. Bùi Quang Tề, 2003. Bệnh của tôm nuôi và biện pháp phòng trị. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, 184 tr.
6.Lý Thị Thanh Loan, 2001. Nghiên cứu một số bệnh thường gặp do vi sinh vật gây ra trên tôm sú (P.monodon) nuôi thương phẩm ở ĐBSCL. Luận án tiến sĩ sinh học.
7. Nguyễn Hữu Dũng, 2007. Bài giảng bệnh do virus ở ĐVTS. Tài liệu lưu hành nội bộ.
8. Lightner, D.V, 1996. A handbook of shrimp pathology and diagnostic procedures for diseases of cultured penaeid shrimp.
9. OIE, 2000. White spot disease. OIE Aquatic animal disease cards, September 2000
10. OIE, 2000. Taura syndrome. OIE Aquatic animal disease cards, September 2000. 11.OIE, 2000. Gill- associated virus disease. OIE Aquatic animal disease cards, September 2000.
Nguồn: Theo Đồng Thanh Hà, Đỗ Thị Hòa Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết