Ảnh hưởng của oxy hòa tan lên sử dụng thức ăn và tăng trưởng của tôm càng xanh

Adv thuysan247
Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) là loài nuôi quan trọng ở vùng nước ngọt. Nghiên cứu này nhằm xác định sự ảnh hưởng của các mức oxy hòa tan (30, 60 và 100% oxy bão hòa) lên sự tiêu hóa thức ăn, tỉ lệ sống, chu kỳ lột xác và sự tăng trưởng của tôm càng xanh.

Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) là loài nuôi quan trọng ở vùng nước ngọt. Nghiên cứu này nhằm xác định sự ảnh hưởng của các mức oxy hòa tan (30, 60 và 100% oxy bão hòa) lên sự tiêu hóa thức ăn, tỉ lệ sống, chu kỳ lột xác và sự tăng trưởng của tôm càng xanh.

thuysan247.com

Phương pháp nghiên cứu

1. Thí nghiệm ảnh hưởng của oxy hòa tan lên thời gian tiêu hóa thức ăn của tôm càng xanh

- Bố trí thí nghiệm: Thí nghiệm gồm 3 nghiệm thức (30, 60 và 100% oxy bão hòa) được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trong bể composite 1 m3, mực nước trong bể 70-80 cm. Tôm được bố trí vào trong các sọt nhựa có vách ngăn bằng lưới thành 2 ô và mỗi ô chứa 1 con tôm. Mỗi bể composite 1 m3 đặt 8 sọt (tương ứng với 16 con tôm). Tôm trước khi bố trí thí nghiệm được cân khối lượng. Hàm lượng oxy hòa tan trong nước ở các nghiệm thức được điều khiển bởi hệ thống máy oxy Guard.

- Phương pháp thu mẫu: Sau khi cho tôm ăn đến khi tôm ngừng ăn tiến hành thu mẫu dạ dày theo nhịp thời gian để xác định sự hiện diện của thức ăn trong dạ dày tôm và lượng thức ăn có trong dạ dày. Mẫu tôm và dạ dày sẽ được thu sau khi cho tôm ăn 20 phút, 40 phút, 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ,… cho đến khi dạ dày hết thức ăn. Mỗi nhịp thu 5 dạ dày tôm của mỗi nghiệm thức. Mẫu tôm và dạ dày sau khi thu được xác định khối lượng tươi và khối lượng khô (mẫu được sấy trong tủ sấy 105oC trong 24 giờ để xác định trọng lượng khô).

2. Thí nghiệm ảnh hưởng của oxy hòa tan lên tăng trưởng của tôm

Bố trí thí nghiệm: Thí nghiệm gồm 3 nghiệm thức là 30, 60 và 100% oxy bão hòa, tương tự như thí nghiệm theo dõi thời gian tiêu hóa thức ăn. Tôm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trong bể composite 1 m3, mực nước trong bể 70-80 cm. Tôm được nuôi trong các sọt nhựa có vách ngăn bằng lưới thành 2 ô và mỗi ô chứa 1 con tôm. Mỗi bể composite 1 m3 đặt 8 sọt nhựa (tương ứng với 16 con tôm), lặp lại 4 lần mỗi nghiệm thức và thí nghiệm được tiến hành trong 90 ngày. Hàm lượng oxy hòa tan trong các nghiệm thức được điều khiển bởi hệ thống máy oxy Guard. Mỗi bể được thả thêm 3 con cá lau kiếng nhằm góp phần làm sạch đáy bể và giảm một phần oxy hòa tan trong nước ở 2 nghiệm thức 30 và 60% oxy bão hòa.

Chăm sóc: Khối lượng tôm được cân trước khi bố trí vào từng nghiệm thức. Tôm được cho ăn theo nhu cầu 2 lần/ngày vào lúc 8 giờ và 16 giờ, thu thức ăn thừa sau 1-2 giờ. Hàng ngày trước khi cho tôm ăn thì làm vệ sinh bể để loại phân và thức ăn thừa. Thay nước các bể sau mỗi 3-5 ngày và mỗi lần thay không quá 30% thể tích bể.

- Chỉ tiêu theo dõi: Hàng ngày theo dõi và ghi nhận nhiệt độ, hàm lượng oxy hòa tan trên màn hình máy oxy Guard vào lúc 8 giờ và 16 giờ. Các chỉ tiêu môi trường như pH, NH3, NO2 và NO3 được đo một lần mỗi tuần. Ghi nhận số tôm chết và tôm lột xác hàng ngày. Mỗi tháng và sau khi kết thúc thí nghiệm tôm được thu để cân khối lượng từng cá thể.

- Các chỉ tiêu tính toán
+ Hàm lượng oxy hòa tan (mg/L)=(% bão hòa x A)/100 (A: giá trị độ hòa tan của oxy ở nhiệt độ và độ mặn tương ứng (Colt, 1984)
+ Chu kỳ lột xác: chu kỳ lột xác của tôm là khoảng thời gian được tính từ lần lột xác này cho đến lần lột xác kế tiếp.
+ Tỉ lệ sống (%)=(số cá thể cuối thí nghiệm/số cá thể đầu)x100
+ Tăng trưởng: Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối (g/ngày): DWG=(Wt–W0)/t; Tốc độ tăng trưởng tương đối (%/ngày): SGR=[(LnWt–LnW0)/t]x100. Trong đó: W0: khối lượng tôm ở thời điểm ban đầu (g); Wt: Khối lượng tôm ở thời điểm kết thúc thí nghiệm (g), t: thời gian nuôi (ngày)

Kết quả nghiên cứu

1. Ảnh hưởng của oxy hòa tan lên thời gian tiêu hóa thức ăn của tôm càng xanh

- Các chỉ tiêu môi trường trong quá trình thí nghiệm

Các yếu tố môi trường như nhiệt độ trung bình của các thí nghiệm là 27,3±0,2oC và pH trung bình là 8,1±0,2. Hàm lượng oxy hòa tan của các nghiệm thức 30, 60, và 100% oxy bão hòa lần lượt là 30,1±0,32; 61,6±0,4; và 97,3±0,21%.

- Thời gian sử dụng và tiêu hóa thức ăn của tôm

Khối lượng thức ăn trong dạ dày tôm thay đổi theo thời gian (Hình 1). Ở nghiệm thức 30% bão hòa thời gian tiêu hóa của tôm kéo dài đến 7 giờ, trong khi đó ở nghiệm thức 60 và 100% oxy bão hòa thì thời gian tiêu hóa của tôm lần lượt là 6 giờ và 5 giờ. Ở nghiệm thức 30% oxy bão hòa thì khối lượng thức ăn trong dạ dày tôm đạt cao nhất sau 1 giờ. Khối lượng thức ăn trong dạ dày tôm trung bình 0,156±0,007 g và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với khối lượng thức ăn trong dạ dày tôm ở thời điểm 20 phút (0,085±0,010 g) và 40 phút (0,108±0,013 g). Sau 1 giờ thì thức ăn trong dạ dày tôm giảm dần và đến khoảng 7 giờ thì trong dạ dày tôm hết thức ăn.

image

Hình 1: Khối lượng thức ăn trong dạ dày tôm ở các nghiệm thức theo thời gian thu mẫu

Ở nghiệm thức 60% oxy bão hòa thì tôm có hiện tượng bắt mồi rất nhanh và sau khoảng 20 phút từ lúc cho ăn thì khối lượng thức ăn trong dạ dày tôm đạt cao nhất 0,194±0,013 g và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với khối lượng thức ăn trong dạ dày tôm ở các thời điểm thu mẫu sau đó. Khối lượng thức ăn trong dạ dày tôm giảm dần theo thời gian và đến khoảng 6 giờ sau khi cho ăn thì dạ dày tôm hết thức ăn.

Khác với hai nghiệm thức 30 và 60% oxy bão hòa, ở nghiệm thức 100% oxy bão hòa khối lượng thức ăn trong dạ dày tôm tăng và giảm dần đều theo thời gian. Khối lượng thức ăn trong dạ dày tôm đạt giá trị cao nhất là 0,166±0,007 g sau 2 giờ cho tôm ăn và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với khối lượng thức ăn trong dạ dày tôm ở thời điểm 20 phút. Tuy nhiên, khối lượng thức ăn trong dạ dày tôm tại thời điểm 2 giờ sau khi cho ăn khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05) so với khối lượng thức ăn trong dạ dày tôm ở thời điểm 40 phút và 1 giờ. Tôm ở nghiệm thức 100% oxy bão hòa bắt mồi khá chậm, nhưng thời gian tiêu hóa thức ăn thì khá nhanh và sau khoảng 5 giờ tính từ lúc cho ăn thì dạ dày tôm hoàn toàn hết thức ăn.

2. Ảnh hưởng của oxy hòa tan lên tăng trưởng của tôm càng xanh

- Các chỉ tiêu môi trường trong quá trình thí nghiệm

Trong thời gian thí nghiệm thì các yếu tố môi trường như nhiệt độ trung bình trong ngày vào khoảng 27,6oC, cao nhất là 28,8oC và thấp nhất 25,8oC. Hàm lượng oxy hòa tan trung bình tính theo phần trăm bão hòa ở các nghiệm thức 30, 60 và 100% theo thứ tự là 31,8±0,44; 61,4±0,41; và 93,5±1,28%; pH trung bình của các nghiệm thức là 8,1±0,21; NH3 trung bình là 0,11±0,041 mg/L; NO2- trung bình là 0,17±0,072 mg/L; và NO3 là 0,28±0,131 mg/L. Các chỉ tiêu môi trường trong suốt quá trình thí nghiệm tương đối ổn định và nằm trong giới hạn thích hợp cho sự phát triển bình thường của tôm.

image

Hình 2: Tỉ lệ sống của tôm ở các tháng thí nghiệm

- Tỉ lệ sống của tôm

Tỉ lệ sống của tôm có xu hướng giảm dần qua các tháng thí nghiệm. Tỉ lệ sống trung bình của tôm ở tháng thứ nhất và hai ở tất cả các nghiệm đều đạt hơn 90%. Tuy nhiên, sang tháng thứ ba thì tỉ lệ sống của tôm giảm nhanh, tôm ở nghiệm thức 30% có tỉ lệ sống là 79,7%, nghiệm thức 60% và 100% đều có tỉ lệ sống là 90,6% (Hình 2).

Bảng 1: Chu kỳ lột xác của tôm ở các nghiệm thức

image

- Chu kỳ lột xác của tôm

Ở nghiệm thức 30% oxy bão hòa tôm, lột xác đến lần thứ tư so với tôm ở hai nghiệm thức 60 và 100% lột xác đến lần thứ năm. Ở lần lột xác thứ nhất thì chu kỳ lột xác của tôm ở các nghiệm thức 30, 60 và 100% oxy bão hòa lần lượt là 13,7±0,57 ngày, 12,4±0,72 ngày và 11,9±0,51 ngày và khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) giữa các nghiệm thức. Tương tự, ở lần lột xác thứ hai và thứ ba thì chu kỳ lột xác của tôm cũng khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) giữa các nghiệm thức. Song, ở lần lột xác thứ tư thì chu kỳ lột xác của tôm ở 30% oxy bão hòa dài nhất là 31,4±0,41 ngày và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với hai nghiệm thức còn lại. Tôm ở các nghiệm thức 60 và 100% oxy bão hòa có chu kỳ lột xác trung bình lần lượt là 26,7±1,43 ngày và 23,6±0,7 ngày và khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Tỉ lệ tôm lột xác ở lần thứ năm khá thấp, chỉ có ở 2 nghiệm thức 60 và 100% oxy bão hòa là có tôm lột xác đến lần thứ năm. Chu kỳ lột xác của tôm ở lần lột xác thứ năm của nghiệm thức 60 và 100% oxy bão hòa lần lượt là 27,7±0,6 và 28,7±1,34 ngày và khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05).

Bảng 2: Khối lượng tôm ở các nghiệm thức có hàm lượng oxy bão hòa khác nhau sau 90 ngày nuôi

image

- Ảnh hưởng của hàm lượng oxy hòa tan lên tăng trưởng của tôm

Khối lượng ban đầu của tôm tương đối đồng đều và khối lượng tôm trung bình giữa các nghiệm thức khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Sau 30 ngày nuôi thì khối lượng tôm bắt đầu có khác biệt giữa các nghiệm thức. Khối lượng tôm trung bình ở nghiệm thức 30% là 9,78 g nhỏ hơn có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức 60% (12,9 g) và nghiệm thức 100% (14,2g) (p<0,05). Tuy nhiên, khối lượng trung bình tôm khác biệt không có ý nghĩa giữa nghiệm thức 60 và 100% (p>0,05). Sau 60 ngày thì khối lượng tôm trung bình ở các nghiệm thức đều khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05), khối lượng tôm trung bình ở các nghiệm thức 30, 60 và 100% lần lượt là 12,1; 15,1 và 17,3 g. Sau 90 ngày nuôi thì khối lượng tôm trung bình của nghiệm thức 30% là 13,7 g và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với hai nghiệm thức còn lại (p<0,05). Trong khi đó, khối lượng tôm đạt cao nhất là ở nghiệm thức 100% (19,1 g) nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức 60% (17,3 g) (p>0,05) (Bảng 2).

Bảng 3: Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối và tương đối của tôm ở các nghiệm thức

image

Tăng trưởng tuyệt đối (DWG) trung bình của tôm có sự khác nhau giữa các nghiệm thức. Ở nghiệm thức 30% thì tốc độ tăng trưởng tuyệt đối của tôm là 0,05 g/ngày và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với hai nghiệm thức 60% và 100% oxy bão hòa (p<0,05) (Bảng 3). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tuyệt đối của tôm ở nghiệm thức 60% là 0,09 g/ngày và nghiệm thức 100% là 0,11 g/ngày khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Tốc độ tăng trưởng tương đối của tôm ở nghiệm thức 30% khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với hai nghiệm thức còn lại (Bảng 3). Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tương đối của tôm ở hai nghiệm thức 60% và 100% oxy bão hòa khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). 

Nguồn: Theo © Triệu Tuấn, www.aquanetviet.com
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết