Năm 2025, xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn có thể vượt mốc 10 tỷ USD trở lại mốc 11 tỷ USD của năm 2022.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2025 sẽ mang đến nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản. Theo đó, kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản có chiều hướng tích cực hơn. Nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã ghi nhận sự phục hồi trong năm 2024, dù mức độ tăng trưởng có sự phân hóa rõ rệt giữa các quốc gia.
Thị trường thủy sản toàn cầu, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, sẽ tiếp tục duy trì nhu cầu cao. Các thị trường như châu Phi, Đông Nam Á và Trung Đông cũng có thể mở rộng, tạo cơ hội cho các sản phẩm thủy sản chất lượng cao từ Việt Nam.
Ngoài ra, theo đánh giá của VASEP, phát triển các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng không chỉ là xu hướng mà còn là chiến lược quan trọng để ngành thủy sản Việt Nam mở rộng và giữ vững vị thế trên các thị trường. Đặc biệt là xu hướng sản xuất phụ phẩm từ các nguồn nguyên liệu thủy sản mang lại cơ hội để gia tăng giá trị cho ngành thủy sản, thực hiện tiêu chí kinh tế tuần hoàn, giảm ảnh hưởng môi trường.
Liên quan đến chính sách của Mỹ, VASEP cho rằng nếu Mỹ tăng thuế đối với các sản phẩm thủy sản từ các quốc gia đối thủ như Trung Quốc, điều này có thể tạo cơ hội cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam để thay thế, nhất là khi chất lượng của chúng ta được đánh giá cao và giá cả cạnh tranh hơn. Thị trường Mỹ có thể tìm đến Việt Nam như một nguồn cung thay thế khi các sản phẩm từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thuế cao hơn.
Cùng với những cơ hội thì năm 2025 được đánh giá cũng sẽ có không ít thách thức với toàn ngành. Trong đó phải kể đến sự cạnh tranh từ các quốc gia khác. Các quốc gia sản xuất thủy sản lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Ecuador cũng đang nỗ lực gia tăng sản lượng và chất lượng thủy sản xuất khẩu.
Điều này tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về giá cả và chất lượng sản phẩm cho thủy sản Việt Nam. Các yếu tố như giá thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu, và chi phí vận chuyển tăng cao có thể ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thủy sản. Điều này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cùng với đó, chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể gây ra những xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến thay đổi trong giá cả nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển, từ đó tác động đến giá xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thẻ vàng IUU, các biện pháp bảo vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc các quy định khắt khe về chất lượng và môi trường có thể làm tăng chi phí, giảm nguồn cung, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Thanh Lâm
Nguồn: Theo BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết