Phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên cá nước ngọt

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Nghề nuôi cá nước ngọt ở nước ta hình thành từ rất lâu và ngày càng phát triển cả quy mô, hình thức lẫn đối tượng nuôi. Tuy nhiên, cùng với đó, dịch bệnh cũng xảy ra thường xuyên hơn, từ các cơ sở lớn đến hộ nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, việc quản lý dịch bệnh là một trong những khâu quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của nghề nuôi cá nước ngọt.

Nghề nuôi cá nước ngọt ở nước ta hình thành từ rất lâu và ngày càng phát triển cả quy mô, hình thức lẫn đối tượng nuôi. Tuy nhiên, cùng với đó, dịch bệnh cũng xảy ra thường xuyên hơn, từ các cơ sở lớn đến hộ nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, việc quản lý dịch bệnh là một trong những khâu quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của nghề nuôi cá nước ngọt.

thuysan247.com

Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (RIA I), Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 – 2030”, một số bệnh nguy hiểm ở cá nước ngọt được chỉ ra bao gồm bệnh TiLV, bệnh nhiễm khuẩn do Streptococcus ở cá rô phi; bệnh xuất huyết mùa xuân (SVC) ở cá chép; bệnh do Herpes virus (KHV) và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu (IHNV) ở cá hồi.

Cá rô phi/điêu hồng: Trong giai đoạn 2022 – 2024, kết quả giám sát tác nhân gây bệnh ở khu vực phía Bắc trên đối tượng cá rô phi, điêu hồng cho thấy có lưu hành các tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Trong đó, bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydrophila có tỷ lệ nhiễm cao nhất qua các năm.

Đối với kết quả quan trắc định kỳ, tỷ lệ mẫu nhiễm bệnh thấp lần lượt tương ứng vi khuẩn (3,2%), ký sinh trùng (1,6%), TiLV (1,5%) và nấm là 0,5%.

Trong khi đó với các mẫu biểu có biểu hiện bệnh lý điển hình như xuất huyết, lồi mắt, giảm ăn, ruột tích dịch… tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất là vi khuẩn (51%), tiếp đến ký sinh trùng (23%), TiLV (18%) và thấp nhất là nấm 8%. Cá chết xuất hiện rải rác trong năm, tập trung vào tháng 6 – 9.
Trong giai đoạn 2022 – 2024, phát hiện cá rô phi nhiễm TiLV tại Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Yên Bái, Vĩnh Phúc trong thời gian từ tháng 3 – 8. Tuy nhiên, không ghi nhận dịch bệnh hay tỷ lệ chết xảy ra khi cá nhiễm TiLV.

Cá truyền thống: Các đối tượng các truyền thống như cá chép, cá trắm cỏ, cá mè, cá trôi… được nuôi trong các mô hình lồng trên sông, hồ chứa, trong ao. Theo đó, kết quả giám sát trong giai đoạn 2022 – 2024, cá chép và trắm nhiễm tác nhân vi khuẩn có lưu hành tác nhân vi khuẩn Aeromonas hydrophila và Aeromonas sobria với tỷ lệ nhiễm lần lượt từ 18,56 – 21,94% và 3,23 – 6,59 %. Tác nhân KHV phát hiện trên cá chép với tỷ lệ 2,73%. Không phát hiện mẫu cá chép và trắm nhiễm SVC.

Một số đối tượng nuôi nước ngọt phát hiện nhiễm các bệnh nguy hiểm. Ảnh: RIA I

Cá nước lạnh: Cá nước lạnh bao gồm 2 đối tượng nuôi chính là cá hồi và cá tầm. Ở khu vực phía Bắc cá được nuôi chủ yếu ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu. Ngoài ra, ở cá nước lạnh còn được nuôi ở Tây Nguyên.

Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên cá nước lạnh giai đoạn 2023 – 2024 cho thấy, cá tầm và cá hồi nhiễm cả 3 giống vi khuẩn Aeromonas spp, Streptococcus spp và Edwardsiella spp với tỷ lệ nhiễm từ 2 – 36%. Tác nhân vi khuẩn Aeromonas spp có tỷ lệ nhiễm cao nhất trên cá hồi và cá tầm với tỷ lệ nhiễm lần lượt là 36% và 31,3%. Kết quả giám sát cũng cho thấy có lưu hành virus IHNV trên cá hồi với tỷ lệ nhiễm 5,6%.

Các đối tượng khác: Các đối tượng nuôi khác như cá lăng, ngạnh, nheo mỹ, chiên, chẽm, bỗng,… được nuôi trên các mô hình lồng, nuôi ao,…

Kết quả giám sát trong giai đoạn 2022 – 2024 (Bảng 1) cho thấy cá nhiễm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm với tỷ lệ nhiễm từ 0,98 – 14,85%.

Loài tác nhânSố mẫu phân tíchSố mẫu nhiễmTỷ lệ nhiễm (%)
Aeromonas hydrophila2293414,85
Aeromonas sobria22952,18
Streptococcus agalactiae10210,98
Edwardsiella tarda7645,26
Vi khuẩn khác (Aeromonas spp)22993,93

Bảng 1: Tỷ lệ nhiễm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên các loài các nước ngọt khác trong năm 2022 – 2024

Ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, lũ lụt: Nuôi cá nước ngọt ở khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng của các yếu tố khác liên quan đến thời tiết, như: Hiện tượng thiếu nước ở khu vực nuôi cá nước lạnh, cá lồng vào thời gian tháng 3 – 5 hàng năm; ô nhiễm môi trường và lũ lụt gây khó khăn cho người nuôi, làm gia tăng nguy cơ cá nhiễm bệnh, cá chết hàng nếu không được kiểm soát tốt.

Khó khăn, tồn tại

Cũng theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, việc kiểm soát dịch bệnh còn gặp một số khó khăn, tồn tại, như:

– Bộ số liệu chưa thể hiện đầy đủ dịch tễ học của bệnh nguy hiểm theo không gian và thời gian (chủ yếu từ các hoạt động đột xuất, dịch vụ).
– Hệ thống nuôi ao cá nước ngọt chưa có hệ thống xử lý nước đầu vào cho ao nuôi, nuôi kết hợp nên khó kiểm soát bệnh.
– Vùng nuôi lồng, hồ chứa phần lớn chưa thực hiện đánh giá tác động/sức tải môi trường.
– Giải pháp phòng bệnh chủ động bằng vaccine chưa được quan tâm và phát huy hiệu quả ở vùng nuôi.
– Tác động của thiên tai, lũ lụt.

Giải pháp

– Kiểm dịch chặt chẽ chất lượng con giống (đặc biệt chú trọng việc kiểm soát nguồn giống nhập khẩu như trứng cá tầm, cá hồi và nguồn giống nhập tiểu ngạch, kiểm soát nhập khẩu cá cảnh,…).
– Tăng cường quan trắc, giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường vùng nuôi, giám sát tác nhân gây bệnh. Hướng dẫn tuân thủ các quy định điều kiện cơ sở nuôi (nước vào, nước thải, chất thải theo quy định, mùa vụ thả giống,…).
– Tuyên truyền người dân áp dụng các quy trình chăm sóc quản lý tốt ao nuôi (VietGAP, GlobalGAP).
– Tiếp tục chú trọng các nghiên cứu sản xuất vaccine, chế phẩm có nguồn gốc thảo dược để chủ động phòng bệnh, giảm thiểu kháng sinh.
– Đối với vùng nuôi cá nước lạnh: Cần tăng cường nghiên cứu áp dụng hệ thống nuôi tuần hoàn để hạn chế ảnh hưởng của hiện tượng thiếu nước (miền Bắc vào thời điểm tháng 2 – 5 hàng năm). Nghiên cứu chế tạo chế phẩm sinh học phục vụ nuôi cá nước lạnh, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh nhằm hạn chế hiện tượng kháng kháng sinh.

Lê Loan

Nguồn: Theo Thủy Sản Việt Nam
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết