Xuất khẩu thủy sản có thể phục hồi vào cuối năm

Adv thuysan247
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản có thể hồi phục trong nửa cuối năm nay nhờ tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ và nếu khó khăn tài chính của doanh nghiệp sớm được tháo gỡ.

Xuất khẩu thủy sản đang dần có sự phục hồi trở lại. Nguồn: ITN

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản có thể hồi phục trong nửa cuối năm nay nhờ tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ và nếu khó khăn tài chính của doanh nghiệp sớm được tháo gỡ.

thuysan247.com

Thị trường có tín hiệu tích cực

Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản thấp hơn 27% so cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên, theo VASEP, sự phục hồi đang xuất hiện khi kim ngạch tháng sau cao hơn tháng trước và trong tháng 6 đạt 800 triệu USD.

Xuất khẩu thủy sản đang dần có sự phục hồi trở lại. Nguồn: ITN

Xuất khẩu thủy sản đang dần có sự phục hồi trở lại. Nguồn: ITN

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… bị chi phối bởi hai yếu tố chính là lạm phát và tồn kho. Lượng tồn kho đang được giải tỏa dần ở các thị trường, nhu cầu dự báo sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm; lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đây sẽ là "cái phanh" kìm hãm sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu Mỹ, EU…

Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… vẫn được coi là "điểm đến lạc quan" cho sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, đó là các mặt hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Ở những thị trường này, chúng ta chưa bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán như ở Mỹ, EU hay Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số thị trường Đông Nam Á cũng được đánh giá là tiềm năng vì có nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn cộng với lợi thế vị trí địa lý và ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tổng Giám đốc Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang nhận định, xuất khẩu thủy sản từ tháng 8 trở đi sẽ tốt lên khi nguồn cung tôm nguyên liệu tại các nước xuất khẩu lớn là Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam đều giảm mạnh, trong khi nhu cầu trên thế giới dần phục hồi. Khả năng dịp cuối năm sẽ thiếu tôm nguyên liệu nên các đơn vị sẽ có cơ hội bán và giảm hàng tồn kho khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm.

Trung tâm phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI cũng dự báo, trong 6 tháng cuối năm, các công ty xuất khẩu cá tra có thể ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện hơn, nhờ chi phí sản xuất cũng như chi phí vận chuyển giảm. Tại một số doanh nghiệp, đơn đặt hàng trong quý III đang dần cải thiện so với quý II xét về sản lượng tiêu thụ.

Thúc đẩy gói tín dụng 10.000 tỷ đồng

Tín hiệu tích cực từ thị trường đã có, hiện doanh nghiệp thủy sản rất mong nhận được sự hỗ trợ, cùng đồng hành từ Chính phủ và các bộ, ban ngành để nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, nhất là nguồn tín dụng để thu mua nguyên liệu.

VASEP cho biết, doanh nghiệp thủy sản chủ yếu vay USD. Từ quý III.2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1 - 2,8% lên 3 - 3,3%, thậm chí đến 4,5%. Hiện tại đa phần khoản vay chịu mức lãi suất 4,1 - 4,9%, có những doanh nghiệp vay với lãi suất hơn 5%. Một vấn đề đáng quan ngại nữa là việc “xiết tín dụng”, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó.

Bên cạnh lãi suất cao, doanh nghiệp thủy sản đang phải gánh nhiều chi phí như: phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD)… Việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập, theo VASEP, cũng không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư.

Để có tiền thu mua nguyên liệu tích trữ, VASEP đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7% để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4 - 6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý II - III.2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức để có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm 2023.

Đồng thời, sửa đổi Điểm d Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đặc biệt, sớm triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho ngành gỗ và thủy sản…

Tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mới đây, Thủ tướng đã đề nghị ngành ngân hàng triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Trong đó, thúc đẩy gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp gỗ và thủy sản; các bộ ngành và địa phương chủ động tháo gỡ khó khăn, đối thoại cho doanh nghiệp, gỡ khó việc thiếu đơn hàng thông qua tăng cường xúc tiến thương mại, phát huy các FTA, đa dạng thị trường…

Cùng với những tín hiệu tích cực từ thị trường, nếu khó khăn dòng tiền của doanh nghiệp nhanh chóng được tháo gỡ thì xuất khẩu thủy sản có thể sớm phục hồi.

Trúc Oanh

Nguồn: Theo ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết