Ảnh minh họa
Tổng vốn thực hiện kế hoạch trên là hơn 2.730 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương chiếm 34,71%; vốn địa phương chiếm 1,54%; nguồn vốn khác (ODA, doanh nghiệp) chiếm 63,74%.
Tỉnh Cà Mau sẽ thực hiện khai thác hợp lý tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững phù hợp với đặc thù của tỉnh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, đến năm 2025, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 470.000 tấn, tốc độ tăng trưởng đạt mức trung bình là 2,15%/năm. Đồng thời, tỉnh chủ động sản xuất, cung ứng được trên 60% nhu cầu tôm giống (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), 90% nhu cầu cua giống; sản xuất đủ giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn.
Tỉnh Cà Mau sẽ đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất trên 70% các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trên 40% sản phẩm nuôi trồng thủy sản. Tỉnh phấn đấu khoảng 30.000 ha tôm - rừng, tôm - lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ, sinh thái và các tiêu chuẩn quốc tế khác.
Bên cạnh đó, Cà Mau đặt mục tiêu phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh khoảng 5.000 ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 200.000 ha. Sắp xếp lại các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển phù hợp với điều kiện tự nhiên nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển. Tỉnh sẽ thực hiện thí điểm nuôi một số đối tượng có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thực tế.
Đến năm 2030, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 570.000 tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 3,93%/năm. Tỉnh chủ động sản xuất, cung ứng được trên 75% nhu cầu tôm giống (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), 100% nhu cầu cua giống đảm bảo chất lượng; sản xuất đủ giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất trên 80% các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trên 60% sản phẩm nuôi trồng thủy sản. Diện tích tôm - rừng, tôm lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ, sinh thái và các tiêu chuẩn quốc tế khác đạt khoảng 50.000 ha.
Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đến năm 2030 của tỉnh đạt khoảng 8.000 ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 250.000 ha. Tỉnh sẽ tiến hành đầu tư kết cấu hạ tầng để mở rộng nuôi thương phẩm trên biển các đối tượng có giá trị kinh tế quy mô lớn theo hướng tập trung; nghiên cứu phát triển sản xuất giống một số loài hải sản mới có giá trị cao, phù hợp với điều kiện vùng biển của tỉnh.
Lê Hồng Nhung
Nguồn: Theo Tạp chí Mekong Asean Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết