Năm 2023 được ngành thủy sản xác định là sẽ cực kỳ khó khăn và nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý III/2023, thay vì phục hồi từ quý II như những dự báo trước đây.
Để duy trì tính ổn định, giữ “phong độ” trong xuất khẩu, nhà sản xuất lẫn nhà quản lý cần thiết phải có chiến lược dài hạn.
Xuất khẩu chưa hết khó
Theo thông tin từ Hội nghị toàn thể hội viên năm 2023 của VASEP, cuối năm 2022, VASEP và các doanh nghiệp đã xác định ngành thủy sản sẽ có một năm 2023 cực kỳ khó khăn khi tình hình lạm phát thế giới ngày một trầm trọng, nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều, xuất khẩu thủy sản khó có thể tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,38 tỷ USD, tiếp tục giảm mạnh gần 27,9% so cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 – 50% tại tất cả các thị xuất khẩu chính. Giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ hơn 50%, thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam đều giảm 2 con số, cụ thể tôm giảm gần 34%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.
Tôm là mặt hàng bị sụt giảm mạnh nhất, giảm 34% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,2 tỷ USD; trong đó TTCT chiếm 74% đạt khoảng 900 triệu USD, giảm 36%, tôm sú chiếm 15% đạt 180 triệu USD, giảm 29%. Xuất khẩu tôm hùm và các loài tôm biển khác chiếm 11%, đạt 134 triệu USD, giảm 41%. Xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều giảm từ 28 – 50%; trong đó Mỹ và EU là 2 thị trường giảm sâu nhất, lần lượt 44% và 49%, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 25%.
Xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm nay cũng giảm 30% so cùng kỳ, đạt 841 triệu USD. Các thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ đều giảm mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam.
Xuất khẩu cá ngừ 5 tháng đầu năm nay cũng giảm 31% chỉ đạt 317 triệu USD; trong đó cá ngừ loin, fillet đông lạnh chiếm 52% với 165 triệu USD, giảm 50% so cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu chế biến (cá hộp và cá chế biến khác) chiếm 47% đạt khoảng 150 triệu USD, tăng nhẹ 7%.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc có mức giảm nhẹ nhất cũng giảm 13% so cùng kỳ năm 2022, đạt 239 triệu USD.
Xung đột giữa Nga và Ukraina chưa có dấu hiệu kết thúc mặc dù kéo dài hơn 1 năm, khủng hoảng khí hậu diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao và các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế thế giới trong thời gian tới và gây ra nhiều rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu cùng những biến động về giá lương thực thực phẩm. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các dự báo về cung cầu thủy sản thế giới của các chuyên gia đều nghiêng về hướng tiếp tục suy giảm nhu cầu tiêu thụ trong quý III và khả năng phục hồi chỉ có thể bắt đầu trong quý IV của năm 2023 này.
5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt gần 3,38 tỷ USD, giảm 27,9% – tức hụt thu hơn 1,3 tỷ USD so cùng kỳ năm ngoái
Kỳ vọng 6 tháng cuối năm
Là mặt hàng thiết yếu, thủy sản vẫn có nhu cầu nhất định ở các thị trường; tuy nhiên, bối cảnh lạm phát cao đã khiến nhu cầu các sản phẩm thủy sản thay đổi. Các sản phẩm thủy sản phân khúc giá cao đã và sẽ tiếp tục bị giảm nhu cầu trong ngắn hạn. Các mặt hàng giá phải chăng như cá khô, cá hộp, nước mắm, cá tra, chả cá có thể vẫn có cơ hội tốt hơn ở nhiều thị trường. Với khả năng phục hồi trong những tháng cuối năm, VASEP ước tính xuất khẩu thủy sản năm 2023 cố gắng duy trì mức xấp xỉ 9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt 3,5 tỷ USD, xuất khẩu cá tra đạt 1,9 tỷ USD và xuất khẩu hải sản đạt 3,6 tỷ USD.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam về tình hình thị trường tôm trong 6 tháng còn lại của năm 2023, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam cho biết, tình hình tiêu thụ tôm hiện vẫn chưa có gì cải thiện trong khi tôm các nước lại đang vào vụ thu hoạch khiến nguồn cung tiếp tục vượt cầu, nên gần như chắc chắn là giá tôm sẽ còn duy trì ở mức thấp (kể cả trong nước lẫn xuất khẩu) trong một thời gian ngắn nữa. Ông Phục chia sẻ: “Mọi năm, giai đoạn này đang là cao điểm chế biến cung ứng cho thị trường Mỹ nhưng lượng hợp đồng hiện không có nhiều, do các nước bán giá quá thấp. Đó là lý do vì sao giá tôm trong nước loại từ 30 con/kg xuống size nhỏ hơn hiện đang ở mức dưới giá thành, người nuôi phải thua lỗ, không dám nuôi tiếp”.
Qua tìm hiểu từ một số doanh nghiệp ngành tôm trong khu vực, người viết được biết, vẫn có một số đơn vị có điều kiện ký được hợp đồng bán hàng khá tốt, nên đến giờ này, họ vẫn đề ra mục tiêu lợi nhuận không thua gì năm rồi. Tuy nhiên, do mặt bằng giá tôm trong nước đang chạm đáy nên các doanh nghiệp này vẫn chưa vội nâng mức giá thu mua tôm nguyên liệu lên mức cao hơn, bởi 2 lý do: Thứ nhất là nếu nâng giá mua cao hơn mặt bằng chung họ sẽ bị mang tiếng là mua phá giá, gây tổn hại đến mối quan hệ với các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Thứ hai và cũng là lý do quan trọng nhất chính là do họ đã phải chịu bán giá thấp, chấp nhận thua lỗ để giữ chân khách hàng trong suốt 5 tháng qua, nên giờ họ cần có lợi nhuận để bù đắp lại.
Liên quan đến tình hình xuất khẩu tôm trong 6 tháng tới, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta nhận định, trong quý III này, mức suy giảm xuất khẩu tôm so cùng kỳ sẽ nhẹ hơn, nhờ thị trường sẽ phục hồi nhẹ và chắc chắn nửa cuối quý III sẽ tăng mạnh trở lại.
Còn theo ông Phục, sắp tới TTCT size trung bình trở về nhỏ (50 con về nhỏ) sẽ có cơ hội hơn do size này xuất qua các nước Nhật, EU, Mỹ ở phân khúc giá trị gia tăng. Tuy nhiên, do giá hợp đồng không được tốt, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng sẽ không được cao, nên giá thu mua tôm nguyên liệu dù có tăng cũng không thể tăng mạnh như 3 tháng đầu năm được.
Điểm chung của các doanh nghiệp trong việc nhận định thị trường tôm trong 6 tháng tới hầu hết đều cho thấy có sự lạc quan nhất định cả về sức tiêu thụ lẫn giá bán. Điều này cũng dễ hiểu khi hiện hầu hết các doanh nghiệp đều có trong tay hợp đồng giao hàng đến hết quý III, thậm chí là cả quý IV. Do đó, vấn đề hiện đang được doanh nghiệp quan tâm là liệu tiến độ thả tôm có được cải thiện hay không và tình hình phát triển tôm nuôi tại các vùng nuôi tôm trọng điểm trong khu vực ĐBSCL từ nay đến cuối năm có khả quan hay không.
Bên cạnh đó, ông Hồ Quốc Lực cũng nhận định, bây giờ các doanh nghiệp tôm đứng trước bài toán hơn chục năm trước doanh nghiệp cá gặp phải, như hàng tồn kho, nợ ngân hàng và nhất là sức tiêu thụ thấp, giá thị trường đang ở đáy. Các doanh nhân ngành tôm đang tất bật hơn bao giờ hết, chen chân các hội chợ thủy sản lớn trên thế giới, tìm cơ hội kinh doanh, dù nhỏ nhất. Ông Lực cho biết: “Sách lược cạnh tranh không chỉ chăm lo giảm giá thành, mà còn phải tập trung đáp ứng đòi hỏi xu thế người tiêu dùng, còn nỗ lực tạo ra những mặt hàng mới ngon thơm hơn, phối chế tiện ích hơn… Và hơn tất cả, về lâu dài, trông chờ vào tầm nhìn và chiến lược đồng thời trước mắt trông chờ những giải pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ Chính phủ và cơ quan liên quan. Riêng các mắt xích trong chuỗi giá trị con tôm nên chung tay, chia sẻ ngọt bùi và hết lòng nỗ lực vượt qua thử thách khắc nghiệt này”.
Từ nay đến cuối năm 2023, điều mà ngành thủy sản cần phải tập trung làm là thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp; tăng cường sự hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường. Khi có các vướng mắc trong xuất khẩu, VASEP kịp thời thông tin bộ, ngành để có giải pháp xử lý kịp thời; tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất; đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Nửa cuối năm nay, dự báo tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn, đơn hàng tăng dần phục vụ cho các kỳ hè và lễ cuối năm. Tuy nhiên, dự báo xuất khẩu cả năm 2023 chỉ dừng ở mức 9 – 10 tỷ USD do nhiều yếu tố khó lường. Tại thị trường Mỹ, xét về lượng hàng nhập khẩu đã có dấu hiệu phục hồi. Còn xét về giá trị vẫn tăng trưởng âm vì đơn giá giảm. Tuy vậy, đáy của thị trường đã qua nên doanh nghiệp cũng đỡ vất vả hơn. Trong những tháng khó khăn, cái được nhất của các doanh nghiệp thủy sản là bảo đảm được việc làm cho người lao động. Đó là cơ sở để 6 tháng cuối năm các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, xuất khẩu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep
>>Công ty CP Chứng khoán SSI đưa ra dự báo, tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành thủy sản sẽ giảm vào năm 2023. Với lãi suất dự kiến sẽ ở mức cao trong cả năm, chi phí tài chính tăng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ròng, đặc biệt là đối với những công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao. Nhìn chung, các công ty sẽ công bố mức tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2023.
Xuân Trường – Ngọc Anh
Nguồn: Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết