Sau khi hoàn thành việc góp vốn, tổng vốn góp của Vĩnh Hoàn tại Thực phẩm Vĩnh Phước sẽ tăng lên 800 tỷ đồng, chiếm 100% vốn điều lệ.
Mới đây, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) vừa công bố quyết định về việc góp thêm vốn vào Công ty TNHH MTV Thực phẩm Vĩnh Phước.
Cụ thể, Vĩnh Hoàn chấp thuận góp thêm 350 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Thực phẩm Vĩnh Phước theo hình thức chuyển khoản. Sau thực hiện giao dịch, tổng vốn góp của Vĩnh Hoàn tại Công ty TNHH MTV Thực phẩm Vĩnh Phước là 800 tỷ đồng, chiếm 100% vốn điều lệ của Thực phẩm Vĩnh Phước.
Ngoài ra, Vĩnh Hoàn ủy quyền cho bà Trương Thị Lệ Khanh là đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đồng thời làm đại diện tổng số vốn góp 800 tỷ đồng của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn tại Công ty TNHH MTV Thực phẩm Vĩnh Phước.
Diễn viến thị giá cổ phiếu VHC.
Thông tin thêm về Công ty TNHH MTV Thực phẩm Vĩnh Phước, công ty được thành lập vào năm 2018 chuyên về chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
Tại một diễn biến khác, trong năm 2024, Vĩnh Hoàn dự kiến sẽ đầu tư 930 tỷ đồng mở rộng nâng cấp tăng công suất sản xuất collagen và cải tạo nhà máy tại Công ty Vĩnh Hoàn Collagen.
Ngoài ra, công ty còn muốn đầu tư kho và đầu tư bổ sung máy móc thiết bị cho giai đoạn 1 nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc, đầu tư mở rộng kho và nâng cấp tăng công suất sản xuất của nhà máy thức ăn thủy sản Feedone, nhà máy Sa Giang.
Công ty cũng dự kiến có các khoản đầu tư mở rộng vùng nuôi, đồng thời, đầu tư mới, cải tạo nhà máy Vĩnh Phước, Thanh Bình và Vĩnh Hoàn.
Bên cạnh đó, Vĩnh Hoàn đặt ra 2 kịch bản kinh doanh trong năm 2024. Ở kịch bản cơ bản, doanh thu hợp nhất mục tiêu đạt 10.700 tỷ đồng, tăng gần 7%. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ dừng ở mức 800 tỷ đồng, giảm 13% so với thực hiện năm trước.
Ở kịch bản cao, Vĩnh Hoàn kỳ vọng doanh thu hợp nhất và lãi ròng kỳ vọng đạt 11.500 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 9% so với thực hiện năm 2023.
Về tình hình kinh doanh của công ty, Vĩnh Hoàn ghi nhận tổng doanh thu 801 tỷ đồng trong tháng 2/2024, tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả trên lại giảm 13% so với doanh thu 921 tỷ đồng của tháng 1/2022.
Về cơ cấu sản phẩm, doanh thu xuất khẩu cá tra trong tháng 2 vừa rồi đi ngang với 417 tỷ đồng. Các mảng còn lại đều ghi nhận tăng trưởng như bún và bánh gạo tăng 137%, sản phẩm khác tăng 50%, bánh phồng tôm tăng 14% và sản phẩm phụ tăng 8%. Trái lại, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sản phẩm giá trị gia tăng lại giảm lần lượt 30% và 15% so với tháng 2/2023.
Trong đó, thị trường Trung Quốc tăng 91%, lên 134 tỷ đồng; thị trường trong nước tăng 11%, lên 210 tỷ đồng; thị trường Mỹ tăng 13%, lên 222 tỷ đồng. Ngược lại, thị trường châu Âu giảm 29%, về 138 tỷ đồng và các thị trường khác giảm 10%, về 97 tỷ đồng.
Nguyễn Phương Anh
Nguồn: Theo TẠP CHÍ NGƯỜI ĐƯA TIN Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết