Nuôi trồng thủy sản bền vững - Nền tảng của thịnh vượng

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Sự biến đổi khí hậu toàn cầu và nạn khai thác thủy sản quá mức, đã và đang khiến nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị suy giảm nghiêm trọng. Việc xây dựng, triển khai các mô hình NTTS bền vững là hết sức cấp thiết, không những góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, mà còn hỗ trợ nền kinh tế, đời sống xã hội phát triển ổn định, bền vững.

Sự biến đổi khí hậu toàn cầu và nạn khai thác thủy sản quá mức, đã và đang khiến nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị suy giảm nghiêm trọng. Việc xây dựng, triển khai các mô hình NTTS bền vững là hết sức cấp thiết, không những góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, mà còn hỗ trợ nền kinh tế, đời sống xã hội phát triển ổn định, bền vững.

thuysan247.com

Một số lực cản vô hình 

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) là một thành phần quan trọng của ngành thủy sản, nó góp phần đảm bảo an ninh quốc gia thực phẩm, tăng thu nhập và tạo nhiều việc làm và gia tăng ngoại hối – từ việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản. Hiện, NTTS đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của ĐBSCL và cả nước 

Tuy nhiên, hiện nay NTTS đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Việc phát triển quá nóng và tự phát, dẫn đến rất khó kiểm soát các yếu tố đầu vào của sản xuất như: Chất lượng con giống, thức ăn, vật tư thủy sản, nguồn nước… 

Nói riêng con tôm, một diện tích lớn nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, thu nhập của các hộ dân. Hiện nay, 90% sản lượng tôm nuôi của Việt Nam là từ các cơ sở nhỏ lẻ. Đa số người dân NTTS quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết chuỗi trong sản xuất. Sự manh mún này dẫn đến việc khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm không đồng đều; khó áp dụng các quy trình nuôi quốc tế, khó ứng dụng công nghệ hiện đại, để giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh cho con tôm Việt. Phần lớn người nuôi thiếu vốn và thiếu kiến thức khoa học – kỹ thuật cần thiết…, dẫn đến năng suất và chất lượng thủy sản thấp, thiếu tính cạnh tranh… 

Ngoài ra, nguồn nước ngày càng ô nhiễm làm tăng nguy cơ rủi ro, khiến nhiều doanh nghiệp và hầu hết người NTTS luôn trong tình trạng thấp thỏm lo lắng. Bên cạnh đó, người nuôi tôm còn đối mặt với nhiều trở ngại khác như khó vay vốn ngân hàng, nguồn điện không ổn định, bị thương lái ép giá, thủy sản bị nhiễm bệnh… Những vướng mắc, thách thức đó, chính là lực cản vô hình, kìm hãm hoạt động NTTS Việt Nam, trong hành trình tăng tốc, vươn tầm ra thế giới. 

Xu hướng tất yếu 

Trong ba thập kỷ qua, sự tăng trưởng của ngành thủy sản, chủ yếu được thúc đẩy bởi lĩnh vực NTTS, đặc biệt là ở châu Á. Nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản trên toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng, trong hoàn cảnh dân số thế giới không ngừng phát triển. 

Hiện nay, nguồn lợi hải sản tự nhiên không thể gia tăng (trừ khi việc khai thác quá mức được chấm dứt), thì hoạt động NTTS chính là nguồn cung chủ yếu cho tương lai. Tuy nhiên, đối với tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, việc mở rộng và thâm canh sản xuất, đều tiềm ẩn những rủi ro đối với môi trường. Do vậy, điều thiết yếu nhất của quá trình tăng trưởng NTTS là phải hướng đến sự bền vững. 

NTTS bền vững là một hệ thống NTTS đảm bảo các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường đều được bảo vệ và tối ưu hóa. Sự phát triển bền vững đó nhằm bảo tồn đất, nước, nguồn gen động thực vật, không làm suy thoái môi trường, phù hợp về kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế và được xã hội chấp nhận (FAO, 2001). Chưa kể, NTTS bền vững còn giúp người dân có thêm nguồn thu nhập về kinh tế, tăng cường đời sống và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng các địa phương. 

Thời gian qua, hoạt động phát triển NTTS bền vững ở nước ta, đã nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. 5 năm trở lại đây (2017 – 2022), liên tục có những chính sách, chương trình nổi bật nhằm hỗ trợ, cũng như định hướng cho ngành thủy sản phát triển bền vững. Trong số đó có thể kể đến: Nghị quyết 120/2017 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với sự biến đổi khí hậu; Quyết định 885/2020 phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030; Quyết định 79/2018 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển bền vững ngành tôm đến năm 2025… 

Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình NTTS thân thiện với môi trường, đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững của ngành thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. 

Chẳng hạn như Aquaponics, mô hình nuôi thủy sản kết hợp, mang tính hiệu quả và bền vững, giúp tiết kiệm nước và giảm thiểu chất thải, không có sự can thiệp của phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Hệ thống này cũng cho phép kiểm soát chất lượng nước và môi trường nuôi, đảm bảo sức khỏe của cá và cây trồng. Hay hệ thống NTTS tuần hoàn (RAS), phục vụ các trại sản xuất giống và nuôi thâm canh các loài thủy sản nước ngọt, lợ, mặn. Ưu điểm của hệ thống là tiết kiệm nước, tỷ lệ sống cao, năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường (khoảng 100 kg/m3), chất lượng cá nuôi được đảm bảo và không gây ô nhiễm môi trường. 

Điểm khác biệt cơ bản của RAS, so với phương pháp nuôi truyền thống trong ao mở ngoài trời là tạo hệ sinh thái trong các bể (bồn) trong nhà, với việc môi trường được kiểm soát. Từ đó quá trình nuôi được thực hiện theo mô hình tuần hoàn lọc và làm sạch nước để đưa về các bể nuôi. 

Một số tỉnh ở ĐBSCL đang đẩy mạnh hệ thống nuôi cá – lúa, tôm – lúa, tôm – rừng tích hợp, góp phần tăng thu nhập cho người dân, cải thiện năng suất lương thực và dinh dưỡng, giảm thiểu sử dụng hóa chất bổ sung vào hệ sinh thái, tăng khả năng chống chịu với những thay đổi của môi trường. 

Lựa chọn các mô hình NTTS bền vững? 

Khi người tiêu dùng trở nên giàu có hơn, họ sẽ đòi hỏi sự đa dạng cao hơn trong chế độ ăn uống. Sản lượng NTTS vì thế cần theo kịp nhu cầu ngày càng tăng này, đồng thời bảo đảm tính bền vững của sự tăng trưởng. Để làm được điều này, trước hết, người nuôi cần tuân thủ các quy định do cơ quan chức năng đề ra, đồng thời tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số. 

Có nhiều yếu tố quan trọng đối với quy trình NTTS bền vững. Ví dụ như chất lượng nước và sức khỏe thủy sản, có thể được xác định bằng các công nghệ tiên tiến, giúp người nuôi đưa ra quyết định canh tác phù hợp. Đặc biệt, công nghệ số giúp bảo đảm truy xuất thông tin rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn. 

Tuy nhiên, hiện phần lớn người dân NTTS còn từ chối sử dụng công nghệ cao do vốn đầu tư lớn. Vì vậy, thời gian tới, cần tăng cường các hoạt động khuyến khích, tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp lẫn người nuôi, để họ thay đổi cách sản xuất, tích cực áp dụng kỹ thuật – công nghệ cao, giảm thiểu thất thoát trong quá trình nuôi, cũng như gia tăng chất lượng ngày càng tốt hơn. 

Đặc biệt, ngành thủy sản Việt Nam cần lựa chọn các mô hình canh tác bền vững như: Mô hình sinh thái, hữu cơ, mô hình nuôi sử dụng vi sinh, mô hình nuôi sử dụng năng lượng điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện biogas…), để giảm thiểu các tác động đối với môi trường. Hay là các mô hình thích ứng với sự biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường. Làm được vậy, chúng ta sẽ đáp ứng các tiêu chí quốc tế về phát triển bền vững của những quốc gia nhập khẩu. 

Nhân rộng mô hình NTTS và chăm sóc quản lý NTTS theo hướng thâm canh, siêu thâm canh; ứng dụng RAS trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm; nuôi quảng canh, nuôi sinh thái (tôm – rừng, tôm – lúa) và nuôi bán thâm canh tôm nước lợ an toàn sinh học, bảo đảm chất lượng sản phẩm. 

Chúng ta có thể nuôi kết hợp với hải sâm hoặc với một số loài cá ăn thực vật và mùn bã hữu cơ như cá măng, cá đối, cá rô phi. Như thế sẽ có tác dụng tích cực, trong việc hạn chế lượng chất thải hữu cơ tích tụ trong ao nuôi. Hoặc nuôi kết hợp với một số loài rong biển có giá trị kinh tế, có khả năng làm giảm hàm lượng các chất hữu cơ và khí độc hòa tan trong nước. 

Ngoài ra, chúng ta cần đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho đông đảo ngư dân, giúp bà con mạnh dạn chuyển từ khai thác thủy sản vùng ven bờ sang NTTS trên biển, gắn với việc giao quyền đồng quản lý các diện tích mặt biển cho các tổ chức, cộng đồng. Bên cạnh đó, cần nhân rộng quy mô sản xuất, vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái vùng biển, đảo. 

>> NTTS là hoạt động canh tác hoặc nuôi cá, động vật có vỏ và thực vật thủy sinh có kiểm soát. NTTS đóng góp đáng kể vào nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta, vì vậy nó phải được thực hiện theo cách bền vững. 

Lê Loan

Nguồn: Theo Tạp Chí Thủy Sản
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết