Thống kê từ Hải quan Hàn Quốc, 4 tháng đầu năm 2023, quốc gia này nhập khẩu 923.000 tấn thủy sản, trị giá gần 3,9 tỷ USD. Giá trung bình nhập khẩu thủy sản vào thị trường này khoảng 4,21 USD/kg, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện Việt Nam là nguồn cung thủy sản lớn thứ ba của Hàn Quốc, chiếm 11% thị phần (sau Nga, Trung Quốc) với 46.000 tấn trong 4 tháng đầu 2023, giá trung bình đạt khoảng 5,4 USD/kg.
Về sản phẩm, tôm, cua và giáp xác khác đông lạnh chiếm 10% giá trị nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc và Việt Nam đang là nhà cung cấp lớn thứ hai với gần 9.500 tấn (sau Nga).
Các sản phẩm cá phi lê/cắt khúc đông lạnh chiếm khoảng 9% giá trị nhập khẩu, trong đó Việt Nam nằm trong top 6 nguồn cung cho nước này. Đồng thời, Việt Nam cũng là nguồn cung lớn thứ hai đối với mặt hàng cá khô/ướp muối và mực, bạch tuộc.
Theo VASEP, mỗi năm Hàn Quốc cũng nhập khẩu hơn 100.000 tấn tôm với kim ngạch từ 800 triệu USD – 1 tỷ USD.
Hiện Việt Nam được hưởng hạn ngạch nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc với 15.000 tấn ở mức thuế 0% nhờ ưu đãi cam kết tại hiệp định VKFTA (Hiệp định song phương Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2015).
Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc đang yêu cầu đấu giá mua hạn ngạch nhập khẩu tôm từ Việt Nam với giá 14 – 16% giá trị nhập khẩu. Nếu ngoài hạn ngạch, mức thuế nhập khẩu tôm từ Việt Nam sẽ là 20%.
Như vậy, nhập khẩu tôm Việt vào thị trường Hàn Quốc thực tế sẽ phải chịu mức thuế từ 14 – 20%, điều này khiến các nhà nhập khẩu không còn động lực tăng mua tôm Việt để hưởng thuế ưu đãi theo VKFTA.
Mặt khác, các nhà nhập khẩu cũng đang xem xét mua tôm từ các quốc gia khác như Peru. Hiện tôm từ Peru vào Hàn Quốc được hưởng thuế nhập khẩu 0% và không có hạn ngạch nhập khẩu.
Trước tình hình trên, phía VASEP đã gửi công văn đến Bộ Công Thương đề nghị xem xét vấn đề phí hạn ngạch có thể ảnh hưởng đến việc gia tăng xuất khẩu tôm vào Hàn Quốc nếu tiếp tục áp hạn ngạch (TRQ) đối với các sản phẩm tôm Việt Nam và có các giải pháp liên quan đến việc điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam trong VKFTA (giống như Peru).
Lê Hồng Nhung
Nguồn: Theo Tạp chí Mekong Asean Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết