Thu hoạch tôm tại ĐBSCL
Nhiều địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong vùng ĐBSCL đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt được kế hoạch đề ra và tìm hướng đi bền vững hơn.
Nhiều thách thức cho nuôi trồng và xuất khẩu tôm vùng ĐBSCL
Tại Cà Mau, mặc dù diện tích nuôi trồng có tăng những tháng đầu năm nay, nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau chỉ đạt 383,35 triệu USD, bằng 31,95% kế hoạch, giảm 24,45% so với cùng kỳ. Kim ngạch và giá xuất khẩu sang các thị trường lớn đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Riêng giá tôm xuất khẩu bình quân khoảng 10,6 USD/kg, giảm 4,85%.
Theo ghi nhận tại các điểm thu mua, so với cùng kỳ năm 2022, giá tôm nguyên liệu trong vùng đang giảm sâu, nhất là loại tôm sú 40 con/kg giảm 45.000 đồng, tôm sú loại 30 con/kg giảm 35.000 đồng; tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg giảm 32.000 đồng, đối với các cỡ từ 100-25 con/kg giảm từ 15.000- 31.000/kg. Nguyên do chính đẩy giá tôm nguyên liệu giảm là do xuất khẩu bị ảnh hưởng đầu ra, hàng tồn kho tại các nhà máy còn rất nhiều… Hiện xuất khẩu giảm 29,39% so với cùng kỳ, các thị trường lớn đều giảm, như: Mỹ giảm 56,61%, EU giảm 19,3%, Nhật Bản giảm 47,68%, Australia giảm 56,83%.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, Cà Mau là địa phương có nhiều lợi thế cho phát triển nuôi tôm, với ba mặt giáp biển, chiều dài bờ biển trên 254 km, có trên 80 cửa sông thông ra biển chịu ảnh hưởng bởi hai chế độ triều đặc trưng của vùng Biển Đông và Biển Tây. Phần lớn diện tích đất tỉnh Cà Mau đều có nguồn nước với chất lượng khá tốt đáp ứng cho nhu cầu phát triển nuôi tôm.
Tôm Cà Mau đến nay đã được nhiều Tổ chức chứng nhận trong và ngoài nước cấp 9 loại chứng nhận quốc tế như: ASC, B.A.P, EU Organic, Canada Organic, Bio Suisse, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Naturland, Seafood Watch. Diện tích được chứng nhận đạt 19.590 ha. Nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư nuôi tôm siêu thâm công nghệ cao, là cơ hội để chuyển giao giao quy trình công nghệ nuôi hiện đại với năng suất và hiệu quả cao, tạo tiền đề cho người dân mạnh dạn đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, khó khăn chính trong hoạt động xuất khẩu thủy sản hiện nay là tình hình lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu vẫn đang ở mức cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hàng hóa giảm, cùng với tình hình thị trường thế giới biến động không ngừng, đã ảnh hưởng lớn đến giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất chế biến thời gian qua tăng cao, đặc biệt thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỉ lệ cao trong giá thành sản xuất; nguyên liệu trong nước ít, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất chế biến tăng cao, đặc biệt thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất, dẫn đến giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực (khoảng 30% so với Ấn Độ và cao hơn gấp đôi so với Ecuador…) nên giảm sức cạnh tranh so với các quốc gia khác từ khâu nuôi tôm đến đàm phán giá cả các đơn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; thời tiết diễn biến bất lợi; dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra thường xuyên; môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm; hạn hán xâm nhập mặn; thị trường tiêu thụ chưa ổn định; kết cấu hạ tầng thủy lợi trong vùng ĐBSCL phục vụ cho phát triển ngành tôm chưa đáp ứng; đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa, nhiều cơ sở chế biến thủy sản gặp khó khăn, dẫn đến sức mua giảm… làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thủy sản của người dân và doanh nghiệp.
Theo ghi nhận của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong ngành, khó khăn đầu tiên là tôm nhiễm bệnh sớm. Qua phân tích thực trạng cho thấy tình hình khác trước đây, tôm có thể nhiễm bệnh từ tôm bố mẹ, từ đó làm giảm tỷ lệ nuôi thành công. Liền ngay sau đó, giá tôm thương phẩm giảm giá mạnh liên tục, có thể đã tới mức 30%, nghĩa là vượt qua mức lãi nếu nuôi trúng khá, còn nuôi tôm thu hoạch trung bình là cầm chắc lỗ, đại lý không dám đầu tư cho hộ nuôi, khiến người nuôi nhỏ lẻ sợ lỗ do giá giảm càng thêm dao động.
Tình hình khó khăn kéo theo chuỗi sản xuất, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng lớn: trại giống đã nhập tôm bố mẹ, nay hạn chế đẻ vì sức cầu tôm giống thấp. Còn các nhà máy cung thức ăn đã nhập nguyên liệu, mà nguyên liệu này có thời hạn sử dụng. Các cơ sở cung ứng chế phẩm nuôi tôm dự báo cũng sẽ giảm mạnh doanh số. Người nuôi treo ao vì có lý do chính đáng, nhưng người nuôi sẽ sinh sống bằng cách nào, với bao lo âu, trăn trở.
Vài tháng nữa tôm thương phẩm sẽ không nhiều, các doanh nghiệp chế biến sẽ không đủ nguyên liệu cho chế biến, trả nợ đơn hàng. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay của vùng sẽ giảm không nhỏ so với kim ngạch 4 tỷ USD năm 2022, cũng là bài toán khó cần có giải pháp tháo gỡ.
Chung tay tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng xuất khẩu chiến lược của vùng
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn ra vào cuối tháng 4/2023 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã chỉ rõ, trong định hướng phát triển thời gian tới, Cà Mau xác định thủy sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện tỉnh đang quyết liệt các các giải nhằm tăng năng suất, giảm rủi ro từng loại hình nuôi, đồng thời tiếp tục phát huy lợi thế các loại hình nuôi tôm thân thiện với môi trường nhằm cung ứng mặt hàng tôm chất lượng cao.
Cà Mau định hướng tập trung khai thác thị trường nội địa và đa dạng các mặt hàng sản phẩm bằng cách tiếp cận sâu những thành phố lớn, những địa phương không có mặt hàng thủy sản. Ðối với từng thị trường cụ thể, cần có những giải pháp riêng, tháo gỡ khó khăn cả trước mắt và lâu dài. Ví như thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa và luôn có nhu cầu nhập khẩu rất lớn thủy sản cho cả tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, cần có sự quan tâm, đánh giá và phối hợp giữa các ngành, địa phương để xây dựng một chiến lược dài hạn nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu thủy sản.
VASEP đã kiến nghị Bộ Công thương có ý kiến với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; rà soát các thủ tục và xem xét các gói tín dụng có ý nghĩa cho các doanh nghiệp trong giai đoạn này như gói 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp phục vụ thu mua nguyên liệu tôm cá, hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất; đồng thời, cho phép các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng với các khoản vay đến lịch phải trả trong quý I và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu đầu năm.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ tôm của thế giới trong thời gian tới sẽ tiếp tục ở mức cao; tình hình tôm nuôi ở Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… hồi phục chậm, đây là cơ hội tốt cho tôm Cà Mau phát triển; Khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, các công nghệ tiên tiến sẽ được áp dụng trong nuôi tôm, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Trong giai đoạn 2023 - 2025, nhập khẩu thủy sản của Việt Nam cũng sẽ tăng về sản lượng do tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước và cần nguyên liệu để chế biến tái xuất phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu. Dự báo nhập khẩu thủy sản của Việt Nam phần lớn từ các nước châu Á sẽ tăng từ 8 - 10% mỗi năm trong giai đoạn 2023 - 2025 và tăng lên 12 - 15% vào năm 2030.
Do vậy, cần có giải pháp trước mắt và sách lược lâu dài cần đồng bộ, có sự phối hợp giữa các bên liên quan. Vấn đề hết sức cơ bản là nâng cao tỷ lệ nuôi thành công. Con giống trở thành yếu tố nóng bỏng. Các trại cung ứng giống phải bảo đảm con giống sạch bệnh và cơ quan chức năng phải kiểm soát tôm giống chất lượng thấp không “trôi nổi” trên thị trường. Không phải dồn cái khó cho mắt xích cung ứng con giống, nhưng bây giờ vai trò con giống trở thành quá quan trọng.
Hiện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất con giống trong vùng đang đẩy mạnh việc nghiên cứu sản xuất tôm giống chất lượng, sạch bệnh, gia cố tôm giống bố mẹ, áp dụng kỹ thuật công nghệ mới. Đi liền là các mắt xích liên quan khác như thức ăn tôm, chế phẩm nuôi tôm… xem xét chính sách giá cả chia sẻ lúc khó nhằm thu hút người nuôi tôm, nhà đầu tư.
Tiếp theo là doanh nghiệp chế biến phải tính toán tiết kiệm mọi mặt nhằm giảm giá thành, tăng giá mua tôm thương phẩm, chia sẻ khó khăn với người nuôi. Song song là cố gắng tìm các mặt hàng mới có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn nhằm tăng sức cạnh tranh tôm các nước khác, cố gắng duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm thu hút người tiêu dùng…
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN chia sẻ, về lâu dài, các doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược hoạt động nhằm xây dựng hình ảnh của mình và qua đó sẽ từng bước hình thành hình ảnh chung tôm Việt. Đó là biết coi trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, coi trọng đạo đức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, theo đuổi phát triển bền vững… Nếu doanh nghiệp đã thực thi thì cố gắng nỗ lực hơn, nếu chưa thực thi thì cố gắng tham gia. Thời buổi này doanh nghiệp nào giao hàng không bảo đảm quy cách, chất lượng theo hợp đồng hoặc đơn phương hủy hợp đồng không phải để có lợi (trước mắt) cho mình mà là tự “giết” mình. Thế giới phẳng, một chuyện không tốt, dù nhỏ, nhưng sức “lan tỏa” sẽ nhanh và lớn hơn - ông Lực nhấn mạnh
Hiện nhiều địa phương trong vùng tìm giải pháp hỗ trợ các bên, ngày 24/6/2023 tới đây, Cục Thủy sản - Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn, tỉnh Bạc Liêu và một số tổ chức quan tâm mở hội nghị bàn giải pháp nuôi tôm công nghệ cao hướng đến bền vững và hiệu quả. Trước đó, tháng 5 này VASEP và Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận ký kết hợp tác, liên minh với nội dung nêu trên. Tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại; tham gia chuỗi sự kiện quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu quốc gia, đặc biệt năm 2023, sẽ tổ chức Festival Tôm Cà Mau để thúc đẩy phát triển ngành hàng thủy sản của tỉnh. Khuyến khích nuôi tôm chất lượng cao và đầu tư kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách để giảm và bình ổn giá con giống, thức ăn, các loại hóa chất, vật tư để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tại cuộc họp khẩn diễn ra vào ngày 22/5 vừa qua của lãnh đạo tỉnh Cà Mau với Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, các HTX nuôi tôm siêu thâm canh, các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào nuôi trồng thủy sản…, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho rằng, không để đứt gãy chuỗi sản xuất ngành hàng tôm, càng khó khăn thì quyết tâm càng lớn, ông Việt mong muốn hơn lúc nào hết, chính trong thời điểm khó khăn này cần thể hiện tinh thần trách nhiệm, vai trò xã hội, để có được lợi ích mang tính hài hòa trong các khâu liên quan tạo nên thương hiệu con tôm Cà Mau.
Trong hoàn cảnh đầy khó khăn hiện nay, việc tìm giải pháp vượt qua các trở ngại trước mắt là việc tập trung mọi nguồn lực để sớm vãn hồi tình hình, nhưng để phát triển lâu dài trên nền tảng bền vững, ngành nuôi tôm vùng ĐBSCL nhất thiết phải phát triển bền vững và hiệu quả chất lượng theo tiêu chuẩn Chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council – Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản)- là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm. Trong thử thách sẽ xuất hiện cơ hội, dĩ nhiên việc này cũng đòi hỏi sự thống nhất, đồng lòng của các mắt xích chuỗi giá trị con tôm, nhất là tại các cơ sở cung ứng tôm giống, người nuôi tôm và nhà chế biến với sự đồng hành hỗ trợ của chính quyền và ngành hữu quan các cấp.
Huy Tự
Nguồn: Theo BÁO ĐẦU TƯ Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết