Văn hóa đánh bắt thủy sản của người S’tiêng

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Trong quá khứ, Bình Phước là vùng đất có nhiều rừng già, sông, suối, bưng, bàu với nhiều động vật phong phú, đa dạng, quý hiếm và nhiều cá ngon.

Người S’tiêng Bà Rá (Phước Long) dùng xuồng độc mộc đánh bắt cá trên sông Bé đầu thế kỷ XX (nguồn www.delcampe.net)

Trong quá khứ, Bình Phước là vùng đất có nhiều rừng già, sông, suối, bưng, bàu với nhiều động vật phong phú, đa dạng, quý hiếm và nhiều cá ngon.

thuysan247.com

Điều kiện tự nhiên giữa các vùng của Bình Phước khác nhau nên văn hóa mưu sinh của người S’tiêng giữa các vùng cũng khác nhau, trong đó phương thức đánh bắt thủy sản (xúc cá, tát cá, thuốc cá, phá bàu…).

Bài 1
NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA TỰ NHIÊN ĐẾN KHÔNG GIAN CƯ TRÚ VÀ VĂN HÓA MƯU SINH

Tác động đến nhận thức

Môi trường tự nhiên là yếu tố quan trọng tác động đến không gian cư trú và văn hóa mưu sinh của mỗi tộc người. Điều kiện tự nhiên vừa là nguyên liệu để phục vụ con người nhưng đồng thời là tác nhân hình thành đặc trưng văn hóa tộc người. Để thích ứng và sinh tồn, con người luôn tìm ra quy luật của tự nhiên để chọn phương thức mưu sinh thật phù hợp. Vì vậy, khi nghiên cứu giá trị văn hóa của tộc người, các nhà nghiên cứu luôn xác định chủ thể văn hóa (C), định vị không gian văn hóa (K) và xác định thời gian văn hóa (T) để tìm ra mối quan hệ biện chứng của chúng. Nghiên cứu sắc thái văn hóa địa phương và tộc người trong Chiến lược phát triển đất nước, Phan Hữu Dật và các tác giả khác nhận xét: “Văn hóa luôn gắn liền với điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử” (1998, tr.87).

Trong quá khứ, không gian cư trú của người S’tiêng tương đối rộng, từ các cao nguyên ở Nam Tây Nguyên trải dài xuống phía Tây và Tây Nam của Bình Phước. Điều kiện môi sinh là rừng già, thú dữ, nhiều sông, suối, bưng, bàu, hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có hai mùa rõ rệt với khí hậu của gió mùa Tây Nam. Mùa mưa và mùa khô kéo dài tạo cho người S’tiêng có nhiều cách lựa chọn cho cuộc sống của mình, từ khai thác các loại cây gỗ, lá để làm nhà, chọn rừng để canh tác, săn bắn, hái lượm, đánh bắt cá… hình thành những tri thức, kinh nghiệm, văn hóa mưu sinh mang đặc trưng riêng của người S’tiêng. 

Tác động đến văn hóa tổ chức

Không gian cư trú (poh/wăng: làng) và nhà ở (nhi/n’hi) giữa người S’tiêng Bu Lơ và Bu Dêh có những nét khác nhau. Không gian cư trú của người S’tiêng Bu Lơ (vùng trên) là vùng tiếp giáp giữa Tây Nguyên (vùng đồi núi) chuyển sang vùng trung du. Làng thường ở ven suối hoặc trên những sườn đồi, nhưng thường gần nước, có khu đất cao, khô ráo để ở và đất tốt để canh tác nên tên làng của người S’tiêng Bu Lơ thường gắn liền với các địa danh đất (Bu) và địa danh nước (Dak). Về nhà ở, họ thường ở nhà trệt nền đất hoặc nhà sàn. Một số nơi (gần rừng già), để đối phó với thú dữ, người S’tiêng Bu Lơ thường dùng nguyên cây lồ ô để làm vách một cách kiên cố. Trong khi đó, nhóm người S’tiêng Bu Lơ ở xa rừng già và người S’tiêng Bu Dêh thường chẻ lồ ô ra, đan để làm vách nhà. Người S’tiêng Bu Lơ thường làm chuồng trâu cách xa nhà, không nhốt heo dưới gầm nhà.

Đối với người S’tiêng Bu Dêh (vùng dưới), không gian cư trú thường ở những vùng đồi thấp, ven các thung lũng nhỏ hẹp, những cánh rừng thứ sinh, những cánh rừng chồi, trảng tranh, khu vực cư trú ở các nguồn suối. Mùa mưa ẩm ướt nên họ thường ở nhà sàn. Họ tận dụng không gian dưới gầm nhà sàn để buộc trâu, bò, thả heo. Ngày nay phong tục này đã thay đổi.

Tác động đến văn hóa mưu sinh

Trong quá khứ, cũng như nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, sản xuất nông nghiệp trồng lúa (ruộng cạn hay ruộng khô/lúa rẫy - bơ mir) là hoạt động kinh tế chủ yếu của người S’tiêng theo phương thức chặt, đốt, chọc lỗ, gieo hạt và thu hoạch. Trong xã hội truyền thống, người S’tiêng phân chia thời gian trong năm tương ứng với các sự kiện mùa vụ nông nghiệp từ tháng 12 Dương lịch của năm trước đến tháng 11 Dương lịch của năm sau. Họ bắt đầu tìm rừng, chọn đất để làm rẫy khoảng từ tháng 11 đến tháng 12 Dương lịch sau khi thu hoạch lúa rẫy. Tuy nhiên, cũng có những người đi tìm rừng sớm hơn để khoanh lại, làm dấu (l’oong), xác định phạm vi, chủ quyền. Công việc phát rẫy phải được kết thúc trong tháng Giêng, muộn nhất là tháng 2 Dương lịch để đến giữa tháng 3, khi cây đã khô thì đốt (rừng có nhiều cây thì phát rẫy sớm hơn). Nếu phát muộn, mùa mưa đến (tháng 4) thì khi đốt, rẫy sẽ khó cháy, vừa tốn công dọn vừa ảnh hưởng đến chất màu mỡ của rẫy. 

Sau khi phát rẫy xong, tháng 3 là thời gian nông nhàn, thời tiết nóng khô, nước sông, suối, bưng, bàu khô cạn nên rất thuận lợi cho việc đánh bắt thủy sản với nhiều phương thức đa dạng như: xúc cá, tát nước, dùng rễ cây, vỏ cây để thuốc cá hoặc một số nơi tổ chức phá bàu để bắt cá. Vì sang tháng 4 Dương lịch, mưa sẽ đến, nước ở các con sông, suối bắt đầu dâng lên, việc bắt thủy sản sẽ không còn hiệu quả. Vì vậy, sang tháng 4, người S’tiêng ít khi đi đánh bắt thủy sản, họ dọn rẫy (rẫy mới) để tỉa bắp, tỉa lúa ngắn ngày (giống lúa 3 tháng: ba wet, ba klor), trồng cà, bầu, bí, mướp… để sớm có rau ăn, lấy ngắn nuôi dài. Do đó, trong tháng 3, người S’tiêng rất thích đến các sông, suối, bưng, bàu để tìm rau rừng, cá suối, thưởng thức các thực phẩm từ tự nhiên và tắm mát trên các dòng sông, suối hay tổ chức bắt thủy sản ở các bàu (phá bàu).

Do địa vực cư trú của người S’tiêng có hệ động - thực vật phát triển khá phong phú, đa dạng, trên rừng nhiều chim muông, thú rừng và dưới nước có nhiều thủy sản nên tri thức, kỹ năng săn bắt, đánh bắt thủy sản của người S’tiêng phát triển tương đối cao. Năm 1900, quan sát sinh hoạt văn hóa của người S’tiêng núi Bà Rá (Bnâm Brăh) nhà thám hiểm người Pháp Barthélémy đã miêu tả: “Người Stiêng ở Bà Rá vào năm 1900 cư trú dọc Sông Bé. Săn bắn và bắt cá là hai nguồn sống quan trọng đối với họ. Trong những rừng già ở vùng này, bò rừng, trâu rừng, hươu nai rất nhiều. Đó là những con mồi mà người Stiêng rất thích săn bắn và có thể cung cấp thực phẩm hằng ngày đối với họ. Khi mùa mưa đến, những vùng đất trũng biến thành ao hồ và ở đó cá trở nên dày đặc. Cá cũng trở nên thực phẩm phong phú đối với người Stiêng” (Mạc Đường, Vấn đề dân tộc ở Sông Bé, 1985, tr.17-18). 

Như vậy, có thể thấy rằng, ngoài hoạt động kinh tế nương rẫy, các nghề thủ công truyền thống, nghề đánh bắt cá là văn hóa mưu sinh quan trọng đối với người S’tiêng. Nghiên cứu “Vấn đề dân tộc ở Sông Bé” (1985), Mạc Đường nhận xét: “Sống trong những vùng rừng già nhiệt đới có nhiều thú dữ, người Stiêng rất thành thạo nghề săn bắt và làm rẫy trên những vùng đất đỏ. Song mặt khác, bắt cá và thu hái rau lâm sản trên rừng vẫn là một nguồn thực phẩm hằng ngày không thể thiếu được trong đời sống của người Stiêng” (Vấn đề dân tộc ở Sông Bé, tr.24).

Nguồn: Theo Báo Bình Phước
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết