Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đạt 7,58 tỷ USD. Trong đó, tôm, cá tra, và cá ngừ chiếm 72,8% tổng kim ngạch xuất khẩu với trị giá 5,5 tỷ USD.
Theo VASEP, tháng 8/2022 Việt Nam xuất khẩu thủy sản đạt 917 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, so với tháng 7/2022 thì xuất khẩu trong tháng 8 lại giảm 3%. VASEP cho biết, mức tăng trưởng 54% không thể hiện xu hướng lạc quan vì tháng 8 năm ngoái là tháng đỉnh dịch Covid tại Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất thủy sản bị gián đoạn, xuất khẩu rơi xuống mức thấp nhất năm.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 7,58 tỷ USD thủy sản, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tôm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39%; tiếp theo là mặt hàng cá tra chiếm 23%; cá ngừ chiếm 9%…
Tại các thị trường, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 1,6 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Ngoài ra, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực khác cũng tăng trưởng lạc quan, cụ thể Trung Quốc tăng 60%; EU tăng 95%; Hàn Quốc tăng 79%…
Xuất khẩu 3 mặt hàng chính đều tăng trưởng tốt trong tháng 8
Đối với mặt hàng tôm, tháng 8/2022, xuất khẩu tôm đạt 356 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm chân trắng đạt 285 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021; tôm sú đạt 47 triệu USD, giảm gần 7%. Tôm hùm có mức tăng trưởng cao nhất với 163%. Dù tăng trưởng tốt nhưng đây lại là tháng có kim ngạch xuất khẩu tôm thấp thứ 2 trong năm 2022.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm đạt mốc 3 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 76% với 2,2 tỷ USD, tăng 20%; tôm sú đạt 411 triệu USD, tăng gần 10%. Riêng đối với mặt hàng tôm hùm tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
VASEP thông tin, sản xuất tôm nguyên liệu gặp khó khăn do các chi phí đầu vào cao và thời tiết bất lợi, trong khi nhu cầu của các thị trường chính chững lại khi lượng tồn kho tăng. Các yếu tố này cùng với tác động của lạm phát khiến cho xuất khẩu tôm sang hai thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc. Trong tháng 8, xuất khẩu sang Mỹ giảm 33%, Trung Quốc giảm 13%.
Đối với mặt hàng cá tra, xuất khẩu cá tra trong tháng 8 vẫn giữ mức tăng trưởng tốt, đạt hơn 187 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù giá xuất khẩu trung bình cá tra sang các thị trường đã giảm một chút so với những tháng trước cùng với bối cảnh lạm phát tăng kỷ lục tại nhiều quốc gia nhưng mặt hàng này vẫn được ưa chuộng tại các thị trường chính. Trong tháng 8, xuất khẩu cá tra sang tất cả các thị trường đều giữ được tăng trưởng 2 -3 con số.
Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cá tra sang các thị trường đều tăng trưởng tốt, ngoại trừ Nga (giảm 12%). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất, đạt gần 500 triệu USD, chiếm 29%. Đứng thứ hai là Mỹ với kim ngạch 428 triệu USD, chiếm 25%.
Đối với mặt hàng cá ngừ, sau khi đạt đỉnh vào tháng 3 và tháng 4 với kim ngạch hơn 100 triệu USD mỗi tháng, xuất khẩu cá ngừ giảm dần trong các tháng tiếp theo. Tới tháng 8, xuất khẩu cá ngừ đạt 85 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng doanh số chỉ tương đương tháng 7/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 724 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với các mặt hàng thủy sản khác, xuất khẩu mực, bạch tuộc trong tháng 8 tăng 60%, đạt 66 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm, mực bạch tuộc đạt 480 triệu USD. Trong số các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, nhuyễn thể có vỏ có mức tăng trưởng âm, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lê Hồng Nhung
Nguồn: Theo https://mekongasean.vn/ Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết