Doanh nghiệp 'kiệt sức' vì 'đói' vốn

Adv thuysan247
Gần nửa tháng từ khi gửi kiến nghị về việc không thể tiếp cận khoản vay mới tới Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp thủy sản vẫn chưa nhận được động thái mới nào từ ngân hàng thương mại.

Gần nửa tháng từ khi gửi kiến nghị về việc không thể tiếp cận khoản vay mới tới Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp thủy sản vẫn chưa nhận được động thái mới nào từ ngân hàng thương mại.

thuysan247.com

Có nghĩa, tình trạng thiếu tiền - như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP báo cáo Thủ tướng Chính phủ - để thu mua tôm, cá của nông dân khi mùa thu hoạch đã đến, không chỉ là lo ngại.

VASEP có hơn 270 hội viên, đang chiếm khoảng 80-83% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Trong 2 năm qua, dù gặp khó khăn do Covid-19 gây ra, nhưng nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành thủy sản Việt Nam đã không những duy trì được năng lực cạnh tranh, mà còn nằm trong top 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản (chỉ sau Trung Quốc và Na Uy).

 

Doanh nghiệp kiệt sức vì đói vốn

Doanh nghiệp khối ngành Thủy sản cũng đang 'kiệt sức' vì 'đói' vốn. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Nhưng hiện tại, thị trường thế giới gặp khó do lạm phát tăng cao, nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi… nên nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, tỷ lệ tồn kho tăng, không có tiền để thanh toán nợ cũ - điều kiện để vay các khoản tín dụng mới.

Đáng nói là, khó khăn này, nếu kéo dài thì sẽ lan sang các hộ nuôi trồng thủy sản và cả doanh nghiệp cung cấp thức ăn, nguyên, vật liệu ngành nuôi trồng thủy sản.

Tình trạng trên không chỉ xuất hiện trong doanh nghiệp ngành thủy sản. Thông tin thiếu đơn hàng mới của ngành dệt may, da giày, đồ gỗ… cũng đã được các hiệp hội ngành hàng cập nhật, với nhiều lo ngại.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp quy mô lớn khó một thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ khó mười, thậm chí khó trăm khi các điều kiện tiếp cận vốn, nhất là các nguồn vốn ưu đãi càng trở nên xa hơn.

Có thể thấy rõ hiện trạng này trong kết quả triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, sau 3 tháng triển khai, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng. So với quy mô gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng thực hiện trong 2 năm (2022-2023), tỷ lệ giải ngân đang ở mức thấp.

Hiện các ngân hàng đang tiếp tục rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất và đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất.

Song cũng khó trách ngân hàng không chung tay cùng doanh nghiệp.

Trong nhiều cuộc làm việc giữa ngân hàng và doanh nghiệp, phía ngân hàng luôn cam kết không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đảm bảo cho những đơn vị có đủ điều kiện vay vốn thì phải được vay.

Thậm chí, với nhiều doanh nghiệp khó khăn về tài sản thế chấp, nhiều ngân hàng cho phép doanh nghiệp thế chấp bằng dòng tiền. Nhưng nếu doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện vay vốn, thì các ngân hàng không thể cho vay vì rủi ro nợ xấu, an toàn hệ thống.

Đây là lúc cần bàn tay Nhà nước một cách mạnh mẽ, quyết liệt.

Vì tình trạng doanh nghiệp than phiền các điều kiện để vay vốn chưa phù hợp với họ, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chưa linh hoạt với tình hình thực tế liên quan đến đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực không phải mới xuất hiện.

Những lo ngại từ phía các ngân hàng thương mại về việc khó xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất khiến lo ngại hỗ trợ không đúng đối tượng cũng không mới. Chưa kể những khó khăn khi room tín dụng của các ngân hàng đang bị giới hạn.

Phải nhắc lại, trong số các nhóm giải pháp cần thực hiện ngay, càng sớm, càng tốt để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước được đặc biệt lưu tâm ở cả góc độ cơ quan hoạch định chính sách lẫn cơ quan thực thi.

Nhưng để gỡ được những khó khăn này, thì điều rất quan trọng là phải nhìn thẳng vào thực tế là doanh nghiệp đang cần vốn, từ đó linh hoạt giải quyết bài toán đặt ra từ thực tiễn, theo đúng tinh thần của các chính sách hỗ trợ.

Lúc này, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ, cần đặt mục tiêu trên hết là thúc đẩy sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp, chứ không thể để các công chức thực thi lấn cấn mãi với từng câu chữ trong chính sách với tâm lý sợ sai, mà không dám làm hoặc không muốn làm.

Đây cũng là đòi hỏi của doanh nghiệp trong việc thực thi các chính sách hỗ trợ khác, như hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hỗ trợ đào tạo nghề…

Mỹ Hạnh (Theo Báo Quốc tế)

Nguồn: Theo baoquocte.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết