Thủy sản cần động lực tăng trưởng mới

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Lấy ví dụ về ngành rau quả gần đây tăng trưởng vượt bậc nhờ mặt hàng sầu riêng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho rằng, ngành thủy sản cũng cần có động lực tăng trưởng mới để hướng tới mục tiêu xuất khẩu 16 tỷ USD vào năm 2030.

Ngành thủy sản cần có những động lực tăng trưởng mới để hướng tới những mục tiêu cao hơn. Nguồn: ITN

Lấy ví dụ về ngành rau quả gần đây tăng trưởng vượt bậc nhờ mặt hàng sầu riêng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho rằng, ngành thủy sản cũng cần có động lực tăng trưởng mới để hướng tới mục tiêu xuất khẩu 16 tỷ USD vào năm 2030.

thuysan247.com

Xuất khẩu năm nay có thể trở lại mốc 11 tỷ USD năm 2022

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt mốc 10 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD, cá tra 2 tỷ USD, các mặt hàng khai thác biển như cá ngừ, mực, bạch tuộc… khoảng 4 tỷ USD. Thủy sản nước ta hiện đã có mặt trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bước sang năm 2025, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng tốt hơn và có thể trở lại mốc 11 tỷ USD của năm 2022. Giám đốc truyền thông của VASEP Lê Hằng phân tích, về cơ hội, nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã ghi nhận sự phục hồi trong năm 2024 dù mức độ tăng trưởng có sự phân hóa rõ rệt giữa các quốc gia. Thị trường thủy sản toàn cầu sẽ tiếp tục duy trì nhu cầu cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 hiệp định. Những hiệp định thế hệ mới sẽ giúp giảm thuế xuất khẩu, tăng khả năng tiếp cận thị trường và nâng cao sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam. Xu hướng chuyển dịch sang xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng, phát triển các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cũng là chiến lược quan trọng để mở rộng và giữ vững vị thế trên các thị trường.

Ngoài ra, nếu Mỹ áp dụng chính sách thuế mới theo hướng tăng thuế với các sản phẩm thủy sản từ các quốc gia đối thủ như Trung Quốc thì điều này có thể tạo cơ hội cho thủy sản Việt Nam, nhất là khi chất lượng thủy sản Việt Nam được đánh giá cao và giá cả cạnh tranh hơn.

Đi cùng với thuận lợi là thách thức. Bà Lê Hằng cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nguồn lợi thủy sản, nhất là thủy sản nuôi trồng. Cùng với đó là cạnh tranh gia tăng từ các quốc gia sản xuất thủy sản lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Ecuador, các nước này đang nỗ lực gia tăng sản lượng và chất lượng thủy sản xuất khẩu. Các yếu tố như giá thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu, và chi phí vận chuyển tăng cao cũng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thủy sản. Thẻ vàng IUU, các biện pháp bảo vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc các quy định khắt khe về chất lượng và môi trường có thể làm tăng chi phí, giảm nguồn cung, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nước ta.

Từ bên ngoài, chiến tranh thương mại và các rào cản thị trường, chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể gây ra những xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng đáng kể đến thương mại thủy sản của nước ta.

Tạo động lực cho nôngngư dân

Dù tiếp tục phục hồi tích cực sau Covid-19, song để đạt được kim ngạch 14 - 16 tỷ USD vào năm 2030, mục tiêu trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thì xuất khẩu thủy sản phải giữ được nhịp độ tăng trưởng 10% - 15%/năm từ nay đến năm 2030.

Tuy vậy, Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cho biết, trong 5 - 6 năm qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ “loanh quanh 8 - 10 tỷ USD”, tăng trưởng lúc 2%, lúc 6%, riêng năm 2022 tăng 23% và mang về 11 tỷ USD. Nhìn sang ngành rau quả những năm gần đây có sầu riêng giúp sức nên đã tăng trưởng vượt bậc, ông Nam cho rằng, ngành thủy sản cũng cần có động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều bất ổn và sự thay đổi nhanh trong kỷ nguyên số.

Để đạt kim ngạch 14 - 16 tỷ USD vào năm 2030, hướng tới phát triển bền vững, VASEP cho rằng cần có các hoạt động tạo động lực cho nông, ngư dân nuôi trồng và khai thác. Đây là vấn đề cốt lõi quan trọng, bởi nông, ngư dân là lực lượng cơ bản tham gia sản xuất, tạo ra tài sản, của cải của ngành hàng thủy sản. Theo đó, VASEP đề xuất lập chợ đấu giá để ngư dân bán được hàng với giá tốt nhất vào thời điểm đó, còn Nhà nước có thể truy xuất được dữ liệu. Tiếp đến là rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến vùng khai thác (bờ, lộng, khơi), đến kích thước khai thác tối thiểu của một số loài - đặc biệt là cá ngừ vằn, ngừ vây vàng và các loài di cư, cho phù hợp.

VASEP cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chiến lược xây dựng mô hình các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về khai thác biển để hợp tác khai thác với các quốc gia có biển; không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động mà còn tạo động lực mới cho ngư dân khai thác biển, cho nguồn nguyên liệu dồi dào bền vững hơn.

Cùng với đó, rà soát các quy định để người dân nuôi trồng thủy sản có thể thế chấp, vay vốn ngân hàng một cách bình thường; xem xét cấp giấy phép mặt nước cho người dân như dạng “sổ đỏ” để thế chấp vay vốn. Tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng, số lượng con giống. Các tỉnh cần ưu tiên sử dụng các quỹ đất, mặt nước cho nuôi trồng thủy sản, bao gồm cả diện tích mới và diện tích hết hạn thuê, thay vì chỉ tập trung cho du lịch, phát triển đô thị.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tín dụng xuất khẩu và triển khai gói tín dụng dành cho lâm, thủy sản như đã làm, đẩy mạnh bảo hiểm nông nghiệp… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số và có quy chế ràng buộc các chủ thể tham gia ngành thủy sản phải quan tâm và có giải pháp kiểm soát, hạn chế và trung hòa phát thải để ngành phát triển ổn định, bền vững.

Hạnh Nhung

Nguồn: Theo ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết