Thái Bình: Tôm đổ bệnh, người nuôi trắng tay

Adv thuysan247
Thời tiết nắng mưa thất thường, cộng với điều kiện nuôi trồng không đảm bảo, hàng chục ha tôm ở huyện Tiền Hải mắc bệnh đốm trắng và chết. Nhiều hộ bán chạy tôm cũng không đủ trả tiền giống, thức ăn...

Nhiều hộ dân ở huyện Tiền Hải trắng tay.

Thời tiết nắng mưa thất thường, cộng với điều kiện nuôi trồng không đảm bảo, hàng chục ha tôm ở huyện Tiền Hải mắc bệnh đốm trắng và chết. Nhiều hộ bán chạy tôm cũng không đủ trả tiền giống, thức ăn...

thuysan247.com

Đánh bạc với trời

Từ năm 2001, một loạt các xã ven biển của huyện Tiền Hải, rộ lên phong trào chuyển đổi từ trồng lúa, làm muối sang nuôi trồng thủy sản. Nếu như diện tích nuôi ngoài đê rộng lớn, hiện đại bao nhiêu thì diện tích nuôi trong đê lại manh mún, thô sơ bấy nhiêu. Người dân đa phần nuôi tôm, cá bằng kinh nghiệm, phụ thuộc thời tiết, không khác gì đánh bạc với trời.

Giữa cánh đồng lộng gió mặn mòi vị biển, ông Trương Văn Đức, thôn Đức Cường, xã Nam Cường bảo, giá được mùa, trúng vụ tôm lại được nhà báo phỏng vấn thì vui biết mấy. 3 năm liền, vụ nào tôm cũng đổ bệnh, chẳng mong “được” lên báo. Cuối tháng 2 rồi, ông Đức xuống 15 vạn tôm giống thẻ chân trắng vào 3 đầm. Mỗi kg tôm giống 1 triệu 50 nghìn đồng, ông Đức mua của một đại lý trong vùng.

Tới đầu tháng 4, đầm tôm chết rải rác. Huyện cử cán bộ về lấy mẫu bệnh phẩm xác định, tôm chết do mắc bệnh đốm trắng. Trời mưa, nắng đan xen, nóng, lạnh thất thường…, đầm tôm chết ngày một nhiều. Ông vội gọi thương lái đến bán chạy, vớt vát vừa đủ trả tiền điện chạy máy bơm và thắp sáng. “Lúc tôm bị bệnh cũng nuôi được 45 ngày rồi, khoảng 250 con/kg. Gia đình tôi bán chạy nhưng không đủ tiền giống”, ông Đức buồn rầu.

Sau khi bán vét, ông Đức tháo nước, dùng hóa chất được cấp để khử trùng toàn bộ ao đầm. Ngày 3/6 vừa qua, ông Đức cắn răng mua thêm 10 vạn con giống tôm thẻ chân trắng tiếp tục “đánh bạc” với trời. Nói về nguyên nhân, ông Đức ngần ngừ bảo, cũng không rõ nguyên nhân từ đâu, cũng có thể do thời tiết, hay là nhiễm bệnh ngay từ con giống cũng nên.

Ông Đức chỉ tay về phía những đầm tôm xung quanh bảo, ở đây vụ tôm này chắc mất trắng phải 99%. Duy có một nhà giữ lại được phần nhỏ tôm, trọng lượng ước đạt 70 con/kg. “Giờ này nhà nào cũng rầu rĩ lắm, không ai muốn gặp người lạ. Nghề nuôi tôm cũng kiêng khem, các anh chẳng gặp thêm được nhà nào để nói chuyện đâu”, ông Đức dặn dò.

Bà Trần Thị Kinh, Giám đốc HTX DVNN Nam Cường cho biết, tôm chết đầu vụ đã trở thành một nỗi ám ảnh kinh niên của người dân. Khi bị bệnh, không thể cứu chữa mà chỉ có thể bán chạy hoặc tiêu hủy (tôm nhỏ). Điều đặc biệt, bệnh lan rất nhanh, khống chế khó khăn. Vùng nuôi tôm hiện tại vốn là đất trồng lúa, người dân tự đào ao, nuôi trồng thủy sản kiểu mạnh ai nấy làm, theo kinh nghiệm.

“Chúng tôi cũng đau đầu việc người dân nuôi trồng nhỏ lẻ, manh mún. Rất nhiều năm chúng tôi vận động bà con góp đất để SX hiện đại, hiệu quả hơn nhưng bất thành. Họ không bán vì sợ mất đất, không cho thuê vì giá rẻ, không hợp tác vì sợ nọ sợ kia”, bà Kinh chia sẻ.

Bà con thiết kế hai hệ thống kênh lấy nước vào đầm và thải riêng biệt. Tuy nhiên, hai hệ thống này đều chảy và gặp nhau tại một cống nước sát cửa biển. Khi tôm nhiễm bệnh, những gia đình nào lấy nước mới vào vô hình chung chuốc họa vào thân. Bà Kinh cho biết, tới nay toàn xã có 46 hộ với khoảng 116 ao, hơn 15 ha có tôm bị chết. Số tôm chết 3,5 triệu con, thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Người dân đã phải dùng gần 4 tấn hóa chất để vệ sinh ao đầm.  

Dịch bệnh thường xuyên

Không phải năm nay, mà dường như dịch bệnh trên tôm khá thường xuyên ở huyện Tiền Hải. Năm 2018, hơn 20 ha tôm cũng bị chết bởi bệnh đốm trắng. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thái Bình cho biết, hiện toàn tỉnh tôm bị bệnh và chết khoảng 60 ha, chủ yếu tập trung tại Tiền Hải.

Theo bà Nguyệt, miền Bắc đã và đang trải qua giai đoạn thời tiết cực đoan. Nắng mưa thất thường, thậm chí hôm trước nắng chang chang, hôm sau chuyển rét khiến tôm bị sốc môi trường và chết. Tuy nhiên, sâu xa là do điều kiện hạ tầng nuôi trồng không đảm bảo. Riêng vùng trong đê, do chuyển đổi từ đất lúa, làm muối nên diện tích nhỏ lẻ, như ô bàn cờ.

nuôi tôm, nuôi tôm Thái Bình, mô hình nuôi tôm, bệnh tôm, diện tích nuôi tôm

Người dân vẫn nuôi trồng nhỏ lẻ, manh mún bất chấp nguy cơ thiệt hại.

“Theo tiêu chuẩn, ao nuôi tôm phải đạt độ sâu tối thiểu 1,2 mét. Nhưng trên thực tế, nhiều nơi người dân chỉ đào chừng 0,8 mét. Hệ thống thủy lợi tiêu thoát dùng riêng biệt nhưng vẫn chung cống ra vào nên rất khó kiểm soát được dịch bệnh”, theo bà Nguyệt.

Ngành thủy sản Thái Bình đã dành không ít thời gian để tuyên truyền người dân dồn ao đầm thành vùng nuôi trồng lớn hoặc liên kết với các DN có vốn, kỹ thuật để SX hiện đại nhưng tới nay bất thành. Trước mắt, tỉnh cấp phát cho các hộ dân hơn 16 tấn hóa chất để xử lý môi trường ao đầm. Đồng thời, giao ngành TN- MT thường xuyên tiến hành quan trắc chất lượng nước để sớm phát hiện ô nhiễm, tránh thiệt hại cho người dân.

Được biết, ngoài con chủ lực là tôm, tháng 3 vừa qua, nhiều ha ngao nuôi tại vùng ven biển Thái Bình cũng bị chết do ảnh hưởng của thời tiết. Thời gian tới, nếu nắng nóng thất thường tiếp diễn, người nuôi ngao cũng phải tính tới phương án xấu nhất.

Một cán bộ Phòng NN-PTNT Tiền Hải chia sẻ, do người dân tự do mua con giống từ nhiều nơi nên việc kiểm soát khó khăn. Có thể, khi tôm xuống giống đã nhiễm bệnh, sau khoảng vài tuần nuôi thì phát bệnh và chết. Không riêng xã Nam Cường, một loạt các xã Đông Minh, Nam Thắng, Đông Hải… tôm cũng chết bất thường.

Nguồn: Theo nongnghiep.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết