Âu thuyền Thọ Quang, TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Sản lượng các loại thủy sản khai thác và nuôi trồng tại Đà Nẵng đều tăng, nhưng tình trạng thiếu lao động đi biển vẫn đang là một bài toán khó.
Cục Thống kê TP Đà Nẵng vừa có báo cáo tình hình ngành thủy sản với những con số về sản lượng khai thác rất khả quan.
Theo Cục Thống kê TP Đà Nẵng, quý III và 9 tháng đầu năm 2023, công tác kiểm tra đăng ký, đăng kiểm tàu cá và các điều kiện đảm bảo an toàn phương tiện được TP chú trọng.
Các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ được cơ quan chuyên môn quan tâm và thực hiện tốt. Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra các hoạt động chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Cụ thể, quý III-2023, tổng sản lượng các loại thủy sản khai thác và nuôi trồng trên địa bàn Đà Nẵng ước đạt hơn 11.000 tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng tại Đà Nẵng ước đạt hơn 31.000 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Thống kê TP Đà Nẵng, lĩnh vực khai thác thủy sản từ lâu được coi là mũi nhọn của ngành thủy sản, đóng góp chính trong giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn TP.
Để phát triển kinh tế biển một cách toàn diện, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách góp phần chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng tập trung khai thác thủy sản xa bờ.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động đi biển, nhất là lao động khai thác xa bờ gây khó khăn đáng kể cho hoạt động khai thác thủy sản, nhất là khai thác ở vùng khơi.
Sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng tại Đà Nẵng đều tăng. Ảnh: TẤN VIỆT
Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tính đến ngày 15-9, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn Đà Nẵng khoảng hơn 222 ha.
Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đã hướng đến các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: Cá chình, cá leo, cá thát lát…, từng bước đẩy mạnh theo hướng thâm canh, an toàn dịch bệnh.
Chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, Cục Thống kê TP Đà Nẵng kiến nghị TP cần tăng cường triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, rủi ro do thiên tai gây ra, nhất là đối với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển.
Đồng thời cần tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn người dân bảo vệ ao nuôi thủy sản khi có mưa to, gió lớn, áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho thủy sản nuôi trồng khi thời tiết thay đổi.
Tấn Việt
Nguồn: Theo Báo điện tử Pháp Luật Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết