Trong Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh việc “nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ sản xuất giống một số đối tượng nuôi còn đang phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên, trong đó có tôm hùm”. Thế nhưng đã qua hai năm sau khi chiến lược này được phê duyệt, chương trình, đề án cho nội dung này vẫn chưa như kỳ vọng.
Thực trạng rất lo ngại
Theo số liệu của Cục Thủy sản, trong giai đoạn 2010 – 2019, số lượng lồng nuôi tôm hùm tăng bình quân là 18,2%/năm, thể tích lồng nuôi tăng bình quân 16,2%, sản lượng tăng bình quân là 6,2%/năm. Ở nước ta, nghề nuôi tôm hùm tập trung nhiều nhất tại 2 tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa, chiếm trên 95% tổng số lượng lồng nuôi và sản lượng nuôi trên cả nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu tôm hùm giống mỗi năm của cả nước từ 3 – 10 triệu con, tuy nhiên 90% trong số đó là nhập khẩu, còn lại là khai thác tự nhiên. Bởi theo Cục Thủy sản, cả nước hiện có 1.122 cơ sở sản xuất giống nuôi biển với công suất thiết kế trên 373 tỷ con/năm; 776 cơ sở ương dưỡng giống cung cấp 538 triệu con giống. Tuy nhiên, không có cơ sở nào sản xuất thành công tôm hùm giống.
Đại diện Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, nguồn cung tôm giống hiện nay phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài về và khai thác ở các tỉnh lân cận. Năm 2018, số lượng tôm hùm giống nhập về Khánh Hòa nhiều hơn so với các năm trước, với hơn 31,4 triệu con, chủ yếu là tôm hùm xanh, tôm hùm bông. Các năm sau, nhu cầu nhập khẩu tôm hùm giống của tỉnh vẫn tăng khá cao để đáp ứng nhu cầu thả nuôi quanh năm của bà con.
Trả lời phỏng vấn báo chí, một người nuôi tôm hùm tại Phú Yên cho biết, tôm giống tại chỗ cạn kiệt, trong khi nhu cầu thả tôm mỗi năm một tăng, người nuôi phải tìm đến nguồn tôm ngoại nhập. Tôm giống từ Philippines, Indonesia hay ở bất cứ đâu, hễ người dân có nhu cầu, chỉ cần một cú điện thoại là thương lái chuyên cung cấp tôm giống ngay lập tức đáp ứng, không kể số lượng.
Chủ trương đã có nhưng khó triển khai
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho biết, trong nuôi biển, giống và thức ăn chiếm hơn 80% giá thành nuôi thương phẩm. Đây là 2 yếu tố quan trọng để phát triển nuôi biển.
Tuy nhiên, việc kiểm soát giống thủy sản nhập khẩu vẫn rất gian nan, đặc biệt là với tôm hùm. Nhiều chuyên gia cho rằng, để đầu ra con giống chất lượng, việc quản lý, chọn giống bố mẹ phải đặt lên hàng đầu. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường giám sát chặt chẽ đàn giống bố mẹ; phải có quy định cụ thể và quản lý chặt về điều kiện cơ sở sản xuất giống. Ngoài ra, tỉnh cần tập trung chọn con giống chủ lực để sản xuất bài bản, đồng thời tổ chức thực hiện theo chuỗi để nâng giá trị ngành hàng và phát triển nuôi biển bền vững.
Trong Đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025 được Bộ NN&PTNT phê duyệt năm 2020 đã nêu rõ, đối với lĩnh vực sản xuất giống: Quản lý khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn tôm hùm giống tự nhiên và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn giống tôm hùm nhập khẩu. Từng bước chủ động nguồn tôm hùm giống thông qua: nâng cao hiệu quả ương nuôi tôm giống, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng sản xuất nhân tạo giống tôm hùm và phát triển các vùng sản xuất giống tập trung. Cùng đó, hợp tác với các quốc gia như Úc, New Zealand, Nhật Bản nghiên cứu để chủ động sản xuất giống nhân tạo tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Tuy nhiên đến nay đã 3 năm triển khai, việc sản xuất giống tôm hùm trong nước vẫn chưa có khởi sắc, nguồn giống phụ thuộc tự nhiên và từ nhập ngoại.
Tăng cường kiểm soát
Theo Bộ NN&PTNT, song song với quản lý quy hoạch, kiểm soát môi trường, thì kiểm soát tôm hùm giống đưa xuống vùng nuôi đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thế nhưng hiện nay nguồn tôm giống đưa về lại khá dễ dàng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Để ngăn chặn tình trạng tôm hùm giống nhập lậu đang diễn ra rất nhiều, có nguy cơ lớn về dịch bệnh với nghề nuôi tôm hùm trong nước, mới đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp của địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và khẩn trương tổ chức các biện pháp cụ thể; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tại các cảng hàng không, cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, đường sông, đường biên… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống trái phép vào Việt Nam. Trường hợp bắt được các lô hàng tôm hùm giống vận chuyển bất hợp pháp thì phải xử lý ngay theo quy định hiện hành.
Chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm giống vào Việt Nam; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép tôm hùm giống. Cùng đó, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán tôm hùm giống trái phép vào Việt Nam, tôm hùm giống không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Đồng thời, cần tăng cường công tác truyền thông nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép.
>> Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản chia sẻ: Nhu cầu về con giống và thức ăn phục vụ nuôi biển rất lớn, do đó cần có sự liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp cung ứng. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng bán phá giá và duy trì ổn định thị trường.
Phan Thảo
Nguồn: Theo Tap Chí Thủy Sản Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết