Phú Yên: Nâng thương hiệu cá chình bông

Adv thuysan247
Với nhiều điều kiện thuận lợi, Phú Yên là tỉnh dẫn đầu cả nước về nguồn giống cá chình bông, chiếm 80 – 90% lượng cung toàn quốc. Hiện, địa phương đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông Phú Yên, nhằm góp phần nâng cao vị thế sản phẩm trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho người nuôi.

Người nuôi cá chình xuất bán cá chình thương phẩm. Ảnh: Lệ Văn

Với nhiều điều kiện thuận lợi, Phú Yên là tỉnh dẫn đầu cả nước về nguồn giống cá chình bông, chiếm 80 – 90% lượng cung toàn quốc. Hiện, địa phương đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông Phú Yên, nhằm góp phần nâng cao vị thế sản phẩm trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho người nuôi.

thuysan247.com

Nhiều tiềm năng

Cá chình bông (Anguilla marmorata) được xem là một thực phẩm bổ dưỡng, chứa nhiều chất béo. Trong 100 g thịt cá chình (nấu chín bằng nhiệt khô) có chứa: chất đạm 23,65 g; chất béo 14,95 g; kẽm 2,08 mg… Theo dược học cổ truyền Trung Hoa và Việt Nam, thịt và một số bộ phận của cá chình bông được dùng để làm thuốc. Cá chình còn có tên gọi khác là mạn lệ ngư, cá lạc. Thịt cá chình (hay mạn lệ ngư nhục), được xem là có vị ngọt, tính bình với các tác dụng bổ hư luy, khử phong thấp, sát trùng. Thịt cá chình được dùng trị hư lao nóng trong xương, phong thấp, tê đau, cước khí, phong ngứa; trị trẻ em bị cam tích, phụ nữ bị băng lậu, trị trĩ và ngứa lở ngoài da. Như vậy, đây là loại thực phẩm và dược phẩm vô cùng quý giá đối với ngành nông nghiệp và y học Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung.

Nghề nuôi cá chình ở Việt Nam bắt đầu từ khoảng những năm 2000 tại tỉnh Phú Yên, sau đó lan rộng ra các tỉnh phía Nam và hiện nay đã phát triển ra nhiều tỉnh, thành trong nước. Loài nuôi chủ yếu là cá chình bông (Anguilla marmorata) và cá chình mun (Anguilla bicolor pacifica), trong đó cá chình bông chiếm 90 – 95%. Hình thức nuôi chủ yếu là trong lồng, ao với thức ăn chính là giun ít tơ (Oligochaeta), động vật đáy và các sinh vật thủy sinh, ốc, hến, cá tạp, tép, nhuyễn thể, thịt ốc, cá biển… Ngoài ra, hiện nay một số vùng nuôi đã sử dụng thức ăn công nghiệp cho cá chình bông có hàm lượng đạm từ 45 – 50%, giúp cá có tốc độ tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, giá thành lại cao, dễ bị trộn lẫn chất tăng trọng, chất cấm, chưa chắc đã đảm bảo an toàn, sạch bệnh cho đàn cá. Do đó, thức ăn công nghiệp hiện nay ở Phú Yên vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trong quá trình nuôi cá chình bông. Những năm đầu tiên khi mới bắt đầu làm nghề nuôi cá chình bông, cá chình con không được quan tâm nhân tạo giống mà người dân chủ đánh bắt cá chình bông giống ở tự nhiên.

Tỉnh Phú Yên có nhiều vùng bãi triều nước lợ, cửa sông đã tạo ra các dòng hải lưu giàu dinh dưỡng, hình thành nên vùng nước lợ ven biển khoảng 21.000 ha là các bãi đẻ và sinh trưởng của các loài thủy sản. Chất lượng, nhiệt độ nước ít bị thay đổi và có hệ sinh thái san hô tốt, dẫn đến các loại động vật đáy, thực vật phù du, số lượng tảo và vi tảo tập trung nhiều hơn ở các vùng khác, qua đó tạo môi trường sinh sống thuận lợi cho các loài thủy sản. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi như vậy, Phú Yên là tỉnh dẫn đầu cả nước về nguồn giống cá chình bông, chiếm 80 – 90% lượng cung toàn quốc. Nguồn cá chình giống chủ yếu thu vớt từ tự nhiên, với ngư cụ khai thác là lưới mành kết hợp với ánh sáng.

Mô hình nuôi cá chình bông đang tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân Phú Yên và là một trong những hướng đi giúp người dân làm giàu bền vững. Hiện nay, người dân nuôi cá chình bông theo ba mô hình: Nuôi trong ao, nuôi dưới bùn và nuôi lồng bè. Tại các huyện Tuy An, Tây Hòa, Đông Hòa… việc nuôi cá chình bông thương phẩm bước đầu cho thấy hiệu quả khả quan, cá phát triển tốt, ít dịch bệnh, giá cả ổn định, đầu ra rộng mở. Điều này hứa hẹn sẽ là vật nuôi mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần ổn định đời sống của người dân.

Được biết, từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã triển khai được 5 mô hình nuôi cá chình thương phẩm với nhiều hình thức nuôi và đã được các hộ nông dân tích cực hưởng ứng. Như: ở xã Hòa Xuân Tây (hồ Đồng Khôn), thị xã Đông Hòa và xã An Phú (hồ Lỗ Ân), TP Tuy Hòa thì nuôi trong lồng bè; các mô hình ở xã An Mỹ, huyện Tuy An, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa và phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa thì nuôi bể xi măng; hộ ông Trần Văn Thảo ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa thì nuôi trong ao đất.

Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm 

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên và Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ NN&PTNT) đang phối hợp một số cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông của tỉnh Phú Yên”; thời gian thực hiện 30 tháng (từ tháng 12/2021 – 5/2024).

Mục tiêu chung là xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông tỉnh Phú Yên, nhằm bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng và sản xuất; phát huy giá trị, danh tiếng của sản phẩm trên thị trường; nâng cao giá trị, phát huy danh tiếng của sản phẩm cá chình bông tỉnh Phú Yên và góp phần vào phát triển du lịch gắn sản phẩm với vùng địa danh.

Mục tiêu cụ thể: Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông giống tự nhiên và cá chình bông thương phẩm tươi sống của tỉnh Phú Yên được bảo hộ; xây dựng hệ thống văn bản quản lý và các công cụ phục vụ công tác quản lý, khai thác và quảng bá sản phẩm cá chình bông Phú Yên được bảo hộ; xây dựng hệ thống nhận diện và các công cụ quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm cá chình bông Phú Yên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ thử nghiệm mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông Phú Yên gắn với liên kết chuỗi giá trị.

Việc xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông Phú Yên sẽ góp phần nâng cao vị thế sản phẩm trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho các hộ nuôi cá chình bông và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói riêng và các cơ sở kinh doanh cá chình bông Phú Yên ở các địa phương khác nói chung. Các sản phẩm cá chình bông Phú Yên sau khi được bảo hộ, người tiêu dùng sẽ dễ nhận biết và lựa chọn sản phẩm. Sản phẩm sẽ góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ trong tương lai, có sức cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, củng cố lòng tin của người tiêu dùng, từ đó gia tăng giá trị, thúc đẩy sản phẩm tham gia tốt hơn vào thị trường.

Cùng với đó, kết quả của nhiệm vụ sẽ góp phần gìn giữ và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, bảo vệ uy tín và danh tiếng sản phẩm các làng nghề nuôi cá chình bông Phú Yên; tạo thêm và giải quyết việc làm tại chỗ; nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thương hiệu, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiệm vụ thành công sẽ góp phần tuyên truyền về sở hữu trí tuệ tới người dân tại các vùng nuôi cá chình bông.

Hải Lý

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết