Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ialy, huyện Sa Thầy. Ảnh: L.K
Thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) đã tận dụng diện tích mặt nước tại khu vực hồ chứa các công trình thủy lợi trên địa bàn để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hồ thủy lợi Đăk Na nằm trên địa bàn thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô có diện tích mặt nước trên 11,5 ha. Nguồn nước trong hồ thủy lợi này ít bị tác động bởi ô nhiễm chất thải trong đời sống, sinh hoạt của con người, nên rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản.
Tháng 10/2021, người dân thôn Kon Tu Dốp 2 thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lồng bè xã Pô Kô với 6 thành viên (tất cả đều là người dân tộc Ba Na) để nuôi cá, tăng thêm nguồn thu nhập cho hộ gia đình. Trên cơ sở góp vốn, các thành viên tổ hợp tác đầu tư 12 lồng nuôi cá trên hồ thủy lợi Đăk Na, nuôi cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng và cá trắm đen. Sau hơn 18 tháng triển khai, đến nay, tổ hợp tác đã xuất bán được 2 tấn cá thương phẩm, thu lợi trên 50 triệu đồng.
Theo người nuôi cá lồng bè, nuôi cá lồng bè trên hồ thủy lợi có ưu điểm là dễ chăm sóc, tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, góp phần giảm chi phí nuôi. Nuôi cá lồng bè giúp các thành viên có thêm việc làm, tăng thu nhập, từng bước vươn lên để phát triển kinh tế gia đình. Nuôi cá trong lồng bè khá đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao.
Theo phòng NN&PTNT huyện Đăk Tô, huyện Đăk Tô đang triển khai nuôi trồng thủy sản tại các lòng hồ thủy lợi với diện tích trên 13 ha; tập trung chủ yếu tại xã Pô Kô, Diên Bình, Tân Cảnh, Đăk Trăm. Để phát huy hơn nữa nguồn lợi tại các lòng hồ thủy lợi, các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Đăk Tô rất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn để mở rộng diện tích nuôi trồng.
Thái Dương
Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết