Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thu về hơn 62 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024. Ảnh: TL
Hôm nay (16-12), tại Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản, tổ chức tại TPHCM, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 đã mang về hơn 62 tỉ đô la Mỹ.
Theo Phó Cục trưởng Lê Thanh Hòa, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp trong năm 2024 tăng 3,2% và kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 62 tỉ đô la Mỹ, tăng 18% so với năm trước, TTXVN đưa tin.
Trong đó, 11 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ đô la Mỹ, đặc biệt 7 mặt hàng đạt mức trên 3 tỉ đô la Mỹ, bao gồm gỗ (16,1 tỉ đô la Mỹ), rau quả (7,1 tỉ đô la Mỹ), gạo (5,8 tỉ đô la Mỹ), cà phê (5,4 tỉ đô la Mỹ), hạt điều (4,3 tỉ đô la Mỹ), tôm (3,8 tỉ đô la Mỹ) và cao su (3,2 tỉ đô la Mỹ).
Theo ông Lê Thanh Hòa, mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2024 được đặt ra là 55 tỉ đô la Mỹ nhưng kết quả thực tế đã vượt xa con số này, đạt hơn 62 tỉ đô la Mỹ, mang về thặng dư thương mại trên 6 tỉ đô la Mỹ.
Thành công trên nhờ vào những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, giúp nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái cây, tiếp cận được nhiều thị trường mới trên thế giới.
Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Nguyễn Anh Phong nhận định, xuất khẩu nông sản Việt Nam có triển vọng khả quan trong quí 1-2025, nhờ vào sự ổn định của sản xuất trong nước, nhu cầu nhập khẩu toàn cầu tăng cao do ảnh hưởng của xung đột và cạnh tranh thương mại, cùng với việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.
Theo ông, bên cạnh những cơ hội, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu, thiên tai, các quy định kỹ thuật ngày càng chặt chẽ và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế là những yếu tố mà ngành nông nghiệp cần phải đối mặt và vượt qua trong thời gian tới.
Để tăng cường sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, các cơ quan chức năng và nông dân cần tập trung vào nâng cao chất lượng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các thương hiệu nông sản mạnh.
Ông Phong cho rằng, để xuất khẩu nông sản hiệu quả và bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế chính sách, doanh nghiệp cần chủ động khai thác thị trường và nông dân cần nâng cao năng lực sản xuất.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, mở rộng thị phần tại những thị trường tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi và tích cực thực hiện các giải pháp đề nghị EU gỡ thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam.
Gia Nghi
Nguồn: Theo TẠP CHÍ KINH TẾ SÀI GÒN Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết