Vệ sinh bạt sạch sẽ trước mỗi vụ nuôi.
Việc cải tạo ao nuôi trong mùa lũ là rất quan trọng. Điều này giúp duy trì môi trường sống lý tưởng cho các loài thủy sản, từ đó giảm rủi ro và nâng cao năng suất.
Tu sửa
Đối với ao bị bồi lấp, cần múc hết bùn đất ra ngoài ao. Đắp lại bờ đê và bờ ao thật chắc chắn để tránh sạt lở.
Với những ao nuôi có lót bạt, cần sửa chữa những nơi bạt bị rách, bị cuốn bay. Gia cố thêm kè bờ và đường đi để ngăn sạt lở tái diễn. Đồng thời, tu sửa và xây lại các cống cấp, cống thoát nước bị hư. Kiểm tra và sửa chữa các đoạn ống nước bị vỡ. Các thiết bị như máy quạt nước, máy thổi khí cũng cần lau chùi, bảo dưỡng. Đặc biệt, kiểm tra hệ thống dây điện và gia cố cột điện. Điều này đảm bảo an toàn lao động. Sau khi hoàn thành công tác tu sửa, tiến hành các bước tiếp theo.
Cải tạo
Tháo cạn nước ao nuôi và ao lắng. Loại bỏ các dịch hại có trong ao từ vụ nuôi trước (tôm, cua, ốc, côn trùng, cá tạp). Rào lưới quanh ao để tránh các loài ký chủ trung gian gây bệnh từ bên ngoài như: cua, còng, rắn.
Tiến hành rải vôi bột (CaO) liều lượng 20 – 30 kg/1.000 m2 (hoặc 30 – 40 kg/1.000 m2 đối với đất phèn) đều đáy ao.
Bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy để diệt hết tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp còn sót lại, diệt khuẩn trong bùn, giải độc (kim loại nặng, H2S) và trung hòa pH.
Phơi đáy ao khoảng 7 – 10 ngày, phơi đáy ao những ngày có nắng là tốt nhất.
Đối với những ao không phơi được thì tiến hành bơm cạn nước, dùng máy cào chất thải về cuối góc ao, bơm chất thải vào ao chứa thải, sau đó tiến hành bón vôi với liều lượng 20 – 30 kg/1.000 m2 (hoặc 30 – 40 kg/1.000 m2 đối với đất phèn) đều đáy ao.
Xử lý nước
Khi cấp nước vào ao, cần chọn nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm từ các chất thải sinh hoạt, nông nghiệp hoặc công nghiệp. Nước phải được lọc qua lưới hoặc hệ thống lọc để loại bỏ cặn bã và các sinh vật có hại như cá tạp, tảo có hại, và vi khuẩn.
Dùng túi lọc 2 lớp, dài khoảng 8 – 10 m, gắn với bơm nước để lọc nước trước khi vào ao. Túi lọc sẽ ngăn các vật chủ trung gian và trứng, ấu trùng của cá, cua, các loại tôm khác.
Nếu nước được lấy từ ao ngoài vào cần xử lý như sau: Chạy quạt nước liên tục 3 ngày để trứng cá và giáp xác nở hết rồi tiến hành diệt tạp bằng bột bã trà (saponin), hoặc các loại hóa chất chuyên dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thời điểm saponin cho hiệu quả cao nhất là từ 4 – 6 giờ sáng. Nên tăng liều sử dụng khi độ mặn của nước ao thấp hơn 10‰. Để xử lý ốc đinh hoặc rong đáy có thể dùng sunphat đồng (CuSO4) với nồng độ xử lý là 2 – 3 ppm (2 – 3 kg/1.000 m³)
Lưu ý: Không lấy nước vào ao khi nước ngoài kênh/mương có nhiều váng bọt, màng nhầy, nhiều phù sa, nguồn nước nằm trong vùng có dịch bệnh, nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm.
Hai ngày sau khi diệt tạp, tiến hành diệt khuẩn để loại trừ mầm bệnh có trong nước ao bằng Chlorine, TCCA, BKC, Formol, Iodine hay PVP-Idodine. Chlorine được dùng phổ biến nhất với liều xử lý là 25 – 30 ppm (25 – 30 kg/1.000 m³). Độ pH càng cao, hàm lượng chất hữu cơ càng nhiều thì cần phải tăng liều xử lý của Chlorine.
Cho chạy quạt và sục khí liên tục trong vòng 3 – 5 ngày để phân hủy dư lượng hóa chất diệt khuẩn trong ao. Sau đó tiến hành kiểm tra dư lượng hóa chất bằng thuốc thử.
Gây màu nước
Có thể thực hiện theo 1 trong 3 cách sau:
Cách 1: Gây màu nước bằng cám gạo, bột cá, bột đậu nành. Người nuôi cần ủ hỗn hợp trên theo tỷ lệ 2:1:2. Gồm 2 kg cám gạo hoặc cám ngô + 1 kg bột cá + 2 kg bột đậu nành và trộn đều hỗn hợp trên sau đó nấu chín, ủ kín từ 2 – 3 ngày là dùng được. Liều lượng 3 – 4 kg/1.000 m3 nước, bón liên tục trong 3 ngày, cho đến khi ao lên màu đẹp, đạt độ trong 30 – 40 cm thì tiến hành thả giống.
Cách 2: Gây màu bằng mật rỉ đường, cám gạo, đậu nành. Người nuôi cần ủ hỗn hợp trên theo tỷ lệ 3:1:3. Gồm 3 kg mật rỉ đường + 1 kg cám gạo hoặc cám ngô + 3 kg bột đậu nành và trộn đều hỗn hợp sau đó ủ kín trong 12 giờ là dùng được. Liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m3, bón liên tục trong 3 ngày, cho đến khi ao lên màu đẹp, đạt độ trong 30 – 40 cm thì tiến hành thả giống.
Cách 3: Gây màu nước bằng vi sinh với công thức 1 lít EM gốc + 1 lít mật rỉ đường + 2 kg cám gạo + 10 g muối + 46 lít nước sạch (ủ kín 5 – 7 ngày) cho ra 50 lít EM thứ cấp. 10 lít EM thứ cấp sử dụng cho 1.000 m³, cứ 2 ngày bổ sung 1 lần, đồng thời, chạy quạt liên tục đến khi màu nước ao lên xanh nõn chuối hoặc bã trà, đạt độ trong 30 – 40 cm thì tiến hành thả giống.
Duy An
Nguồn: Theo Tạp Chí Thủy Sản Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết