Phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản

Adv thuysan247
Thời gian gần đây, diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước,... gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân. Do đó, việc phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản đang được ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đặc biệt quan tâm.

Người nuôi thủy sản cần chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh

Thời gian gần đây, diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước,... gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân. Do đó, việc phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản đang được ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đặc biệt quan tâm.

thuysan247.com

Theo kế hoạch, năm 2023, tỉnh nuôi trồng khoảng 9.580ha thủy sản. Đến nay, diện tích thả nuôi ước đạt gần 50% kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi tôm gần 3.360ha, diện tích nuôi cá và các loại thủy sản khác trên 1.000ha. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 60,64ha tôm nuôi bị thiệt hại, nguyên nhân chủ yếu do môi trường, thời tiết, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng,…

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, trong năm 2023, Chi cục tiến hành quan trắc chất lượng môi trường nước nuôi tôm tại vùng hạ 9 lần và kiểm tra chất lượng nước nuôi thủy sản tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh 1 lần. Qua kết quả quan trắc, đa số chỉ tiêu môi trường nước đều phù hợp đối với sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn cho biết: “Để công tác phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch bệnh; lấy mẫu chẩn đoán tác nhân gây bệnh và phối hợp xử lý kịp thời không để dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng, đặc biệt là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp trên tôm. Song song đó, ngành tăng cường phối hợp các cơ quan chuyên môn để nắm tình hình thiệt hại, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh trên thủy sản.

Về phía người nuôi, cần cải tạo ao nuôi đúng quy trình, thả tôm với mật độ phù hợp; thường xuyên theo dõi môi trường trong ao nuôi để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời; đồng thời, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất diệt khuẩn nhằm ổn định môi trường ao nuôi. Ngoài ra, người nuôi nên cho tôm ăn đúng khẩu phần, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, vi lượng để tăng cường sức đề kháng cho tôm”.

Thời gian tới, tình hình thời tiết và dịch bệnh trên thủy sản, nhất là tôm được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, ngành Nông nghiệp các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nhằm nâng cao ý thức cho các hộ nuôi tôm về công tác phòng, chống dịch bệnh. Người nuôi cần thường xuyên kiểm tra ao nuôi và báo ngay với Trạm Chăn nuôi và Thú y địa phương khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường để có biện pháp xử lý kịp thời./.

Minh Tuệ

Nguồn: Theo baolongan.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết