Phát triển nuôi biển: Hướng đi chiến lược của nghề cá

Adv thuysan247
Mục tiêu của “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt ra đến năm 2030, chúng ta có 300.000 ha diện tích nuôi biển, với sản lượng 1,5 triệu tấn. Nhằm đạt được chỉ tiêu đó, cần thêm rất nhiều giải pháp mang tính căn cơ, để lĩnh vực này thực sự là hướng đi chiến lược trong phát triển nghề cá hiện đại.

Phát triển kinh tế biển xanh đang là xu hướng được chú trọng trên toàn cầu, để góp phần hồi sinh biển và đại dương. Ảnh: Erofish

Mục tiêu của “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt ra đến năm 2030, chúng ta có 300.000 ha diện tích nuôi biển, với sản lượng 1,5 triệu tấn. Nhằm đạt được chỉ tiêu đó, cần thêm rất nhiều giải pháp mang tính căn cơ, để lĩnh vực này thực sự là hướng đi chiến lược trong phát triển nghề cá hiện đại.

thuysan247.com

Nhiều cơ hội đột phá

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, cơ cấu kinh tế thủy sản trên thế giới đang dần chuyển dịch từ khai thác thủy sản sang NTTS (nhất là NTTS trên biển). Tổng sản lượng khai thác và NTTS thế giới năm 2020 đạt 183 triệu tấn; trong đó, sản lượng nuôi biển đạt 53,4 triệu tấn, giá trị đạt 76,1 tỷ USD. Hiện NTTS trên biển Việt Nam đang có sự chuyển biến tích cực, ngoài các đối tượng nhuyễn thể, giáp xác đã nuôi nhiều năm, thì cá biển, rong, tảo biển cũng phát triển khá mạnh, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển nuôi biển, đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Tổng sản lượng NTTS trên biển năm 2022 của Việt Nam đạt 670.000 tấn, tăng 3,5% so năm 2021, trong đó: cá biển 40.000 tấn, tôm hùm 2.200 tấn, nhuyễn thể 395.000 tấn, đối tượng khác 233.000 tấn. Trong xu hướng nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, cần thiết phải đẩy mạnh NTTS để bù đắp sản lượng thủy sản khai thác; phát triển NTTS song song với bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Đặc biệt, nuôi biển đang ngày càng giữ vai trò quan trọng trong phát triển NTTS nói chung.

Phát triển kinh tế biển xanh đang là xu hướng được chú trọng trên toàn cầu, để góp phần hồi sinh biển và đại dương. Ảnh: Erofish

Như ở các tỉnh khu vực Nam Trung bộ, trong thời gian qua, với sự phát triển mạnh NTTS bằng lồng bè, đã giúp người dân trong khu vực phát triển kinh tế. Khánh Hòa là tỉnh phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản bằng lồng bè trong khu vực Nam Trung bộ, nhờ có lợi thế 385 km chiều dài bờ biển và hơn 200 đảo lớn nhỏ, 3 vịnh, 2 đầm phá tương đối kín gió, rất thuận lợi cho phát triển nuôi tôm hùm. Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, nghề NTTS bằng lồng bè trên địa bàn hình thành từ năm 1990. Ban đầu số lượng lồng bè trên địa bàn rất ít, tuy nhiên về sau do việc thả nuôi tôm hùm trong lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế nên người nuôi ồ ạt thả giống. Cũng từ đó số lượng lồng bè ngày càng tăng lên và đến nay toàn tỉnh đã phát triển lên đến hơn 75.000 ô lồng; trong đó, có khoảng 64.500 ô lồng nuôi tôm hùm và 9.740 lồng nuôi cá biển. Vùng nuôi lồng bè tập trung chủ yếu tại 4 địa phương: Vạn Ninh, Cam Ranh, Ninh Hòa và TP Nha Trang.

Tỉnh Phú Yên cũng không kém cạnh, nghề nuôi thủy sản bằng lồng bè cũng đã hình thành trên 30 năm. Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, đến nay, tỉnh  đã phát triển khoảng hơn 1.600 ha mặt nước nuôi, các đối tượng chính gồm tôm hùm, cá biển…Vùng nuôi tôm hùm tập trung chủ yếu ở các đầm, vịnh kín sóng gió như Xuân Đài, Cù Mông (thị xã Sông Cầu), các vùng biển hở ven bờ tại các xã An Ninh Đông, An Hòa, An Hải và An Chấn (huyện Tuy An) và vịnh Vũng Rô (thị xã Đông Hòa)… Số lượng lồng bè NTTS trên địa bàn hiện lên đến khoảng 100.000 ô lồng.

Nhận diện thách thức phát triển

Tuy khai thác đóng góp rất lớn cho ngành thủy sản, chiếm gần 43% trong tổng sản lượng thủy sản và chiếm hơn 40% về kim ngạch xuất khẩu thủy sản, thế nhưng lĩnh vực NTTS trong đó có nuôi biển đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, rủi ro, thách thức.

Những năm đầu, nghề nuôi thủy sản bằng lồng bè đã giúp người dân khu vực Nam Trung bộ phát triển kinh tế, vì “nuôi đâu thắng đó” do môi trường nước ổn định. Tuy nhiên, thời gian gần đây môi trường nước quan trắc thường xuyên không ổn định, một số chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng cho phép, không phù hợp cho NTTS. Kết quả thống kê qua nhiều năm cho thấy, diễn biến môi trường trong nguồn nước NTTS ngày càng xấu đi, nhất là chỉ tiêu ôxy hòa tan, NH3, PO4 (chỉ số môi trường ảnh hưởng sức khỏe vật nuôi).

Theo anh Nguyễn Văn Vững, người đang nuôi 20 lồng tôm hùm xanh ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), trước đây, khi nguồn nước nuôi trên vịnh Xuân Đài chưa bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, tôm hùm bông chỉ nuôi 10 tháng là có thể xuất bán, còn tôm hùm xanh chỉ nuôi 7 tháng. Bây giờ, do sống trong nguồn nước ô nhiễm, tôm hùm sinh trưởng, phát triển chậm, nên tôm hùm bông phải nuôi từ hơn 1 năm trở lên mới có thể xuất bán, lúc ấy tôm mới đạt được 6 – 7 g/con; còn tôm hùm xanh phải nuôi 8 tháng mới đạt được 2 g/con.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần phải xác định việc tuân thủ pháp luật trong nuôi biển là mấu chốt, để nghề nuôi biển đi theo hướng bền vững. Do đó, phải tuyên truyền để người dân hiểu được vì sao mặt nước nuôi biển phải được giao hẳn hoi, tại sao phải đăng ký nuôi lồng bè, tại sao phải tuân thủ quy trình kỹ thuật. Phải tuân thủ nghiêm túc các quy định, thì nguời nuôi mới tránh được những rủi ro về môi trường, về thị trường, đặc biệt là tránh xảy ra tranh chấp những vùng nuôi biển dẫn tới những xung đột đáng tiếc. Có như vậy, các địa phương mới vừa khai thác hết tiềm năng nuôi biển vừa bảo vệ được đa dạng sinh học, giúp cho hệ sinh thái vùng biển phát triển ổn định. Đó cũng là cách để nghề nuôi biển đi theo hướng bền vững, sự phát triển của hệ sinh thái biển sẽ cho người dân những vụ nuôi thành công.

Vũ Đình Thung

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết