Tôm Việt: Vươn ra toàn cầu

Adv thuysan247
Con tôm đang trở thành một thực phẩm giàu dinh dưỡng với giá cả hợp lý và không thể thiếu của con người. Và ngành tôm Việt Nam vẫn đang tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu trong xuất khẩu và thương mại trên quy mô toàn cầu

Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam vượt mốc 4 tỷ USD trong năm 2022. Ảnh: VM

Con tôm đang trở thành một thực phẩm giàu dinh dưỡng với giá cả hợp lý và không thể thiếu của con người. Và ngành tôm Việt Nam vẫn đang tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu trong xuất khẩu và thương mại trên quy mô toàn cầu

thuysan247.com

Giá trị và cạnh tranh

Các mặt hàng thủy sản nói chung và tôm nói riêng đang ngày càng có đóng góp quan trọng trong đời sống của con người. Theo thống kê, tổng sản lượng thủy sản thế giới năm 2022 tăng khoảng 1,5% lên 184,6 triệu tấn. Tổng doanh thu xuất khẩu tăng 2,8% trong năm 2022, lên 178,1 tỷ USD. Dự báo sản lượng tôm thế giới sẽ tăng mạnh từ 5 triệu tấn trong năm 2022 lên 6 triệu tấn năm 2026 và đạt con số 7 triệu tấn năm 2030. Khắp các châu lục đều nuôi tôm. Nếu trước đây, tôm được biết tới là “đặc sản châu Á” với nguồn cung chiếm 82% thì nay sự cạnh tranh trở nên khốc liệt khi tôm của châu Mỹ đã chiếm 31% thị phần toàn cầu.

Ngoài sự cạnh tranh giữa các quốc gia ngành tôm thì dịch bệnh, công nghệ lạc hậu, nguồn vốn thiếu hụt cũng khiến nhiều đất nước lao đao. Xu thế phát triển của ngành tôm thế giới trong những năm gần đây là các tập đoàn đa quốc gia trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng con giống, thức ăn, quy trình nuôi, thậm chí xuất khẩu. Trong bối cảnh “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nhiều vùng nuôi, nhiều khu vực không được đầu tư tương xứng đã và đang bị “đuối sức” do lạm phát, chiến tranh, giá thức ăn tăng cao. Sản lượng tôm của Thái Lan năm 2022 chỉ đạt 270.000 tấn (trong khi năm 2021 đạt 600.000 tấn), buộc Thái Lan phải nhập khẩu tôm từ Ấn Độ và Ecuador để bù đắp nguyên liệu cho sản xuất.

Ngành tôm Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh lớn từ Ecuador và Ấn Độ do giá bán của tôm Việt thường cao hơn khoảng 1 USD/kg trên các thị trường.

Thích ứng và sáng tạo

Các lãnh đạo và chuyên gia của các tập đoàn lớn tại Việt Nam đều cho biết, ngành tôm đang “tái cơ cấu” để thích ứng với thị trường cạnh tranh cũng như đáp ứng những yêu cầu mới trong xuất khẩu.

Xu thế xây dựng thương hiệu, xuất khẩu sản phẩm chế biến đang nổi lên như hướng đi lạc quan. Rõ ràng thế mạnh về các nhà máy chế biến hiện đại, hệ thống đầu tư khoa học, bài bản, công nghệ tiên tiến giúp các sản phẩm Việt Nam có uy tín hơn các quốc gia “đi sau” trong lĩnh vực chế biến sâu.

Hơn 200 nhà máy chế biến tôm tại Việt Nam đã được Ủy ban châu Âu phê duyệt và kiểm tra định kỳ. Hầu hết các nhà máy xuất khẩu đều đảm bảo, thậm chí vượt các tiêu chí mà các quốc gia nhập khẩu yêu cầu. Tại nhiều nhà máy đều có các chuyên gia về kỹ thuật cũng như chuyên gia kiểm tra chất lượng đến từ nước ngoài “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất với ngành tôm Việt Nam. Nhờ đó các sản phẩm chế biến luôn đáp ứng được thị hiếu, giá cả, chất lượng của các thị trường khó tính nhất.

Theo số liệu Hải quan Việt Nam, trong tổng cơ cấu tôm xuất khẩu sang Australia 8 tháng đầu năm 2022 thì tỷ lệ xuất khẩu tôm chế biến sâu chiếm 40%, tôm nguyên liệu đông lạnh chiếm 60%. Giá trị xuất khẩu tôm chế biến đạt gần 70 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ, Nhật Bản, và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong năm 2022, chiếm khoảng 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Trong 10 tháng năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng 82,1%. Được biết, những năm gần đây, Trung Quốc nhập tôm Ấn Độ khá nhiều, song rõ ràng với uy tín thương hiệu của mình, tôm Việt Nam vẫn có chỗ đứng vững chắc tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Những kỷ lục tỷ đô

Kết thúc năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021 và đạt cột mốc kỷ lục lịch sử sau hơn 20 năm ngành thủy sản tham gia hội nhập sâu vào thị trường thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “Năm 2022, so với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thủy sản đóng góp gần 12% giá trị. Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy”.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản đã phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, ước tính năm 2022 sẽ cán mốc 11 tỷ USD, riêng xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4,3 tỷ USD.

Nhiều tỉnh, thành nuôi tôm cũng đã và đang phấn chấn với thành tựu năm 2022 cùng các con số hàng tỷ USD. Cà Mau có diện tích nuôi tôm chiếm gần 40% và sản lượng chiếm khoảng 22% so cả nước, tiếp tục khẳng định vị thế lần thứ 3 liên tiếp đạt kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trên 1 tỷ USD/năm. Xuất khẩu thủy sản của Sóc Trăng cũng thông báo năm thứ hai liên tiếp vượt mốc xuất khẩu 1 tỷ USD; trong đó, chủ yếu là tôm nước lợ đạt 1,05 tỷ USD, tăng 6,49% so với 2021.

Tiếp đà tăng trưởng thăng hoa

Năm 2023 được dự báo là năm khó khăn hơn đối với ngành thủy sản. Dấu hiệu của lạm phát, chiến tranh diễn biến phức tạp tại châu Âu… đã ảnh hưởng ngày càng rõ nét. Các đơn hàng cuối năm 2022 suy giảm đáng kể do các đối tác lo ngại về lạm phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam hiện thuộc top 4 thế giới về xuất khẩu tôm cùng với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia, nên tiềm lực, kinh nghiệm, uy tín và vị thế trên thị trường luôn đảm bảo cho việc xuất khẩu ổn định, bất chấp đại dịch COVID-19 hay xung đột tại châu Âu.

Ecuador, Ấn Độ và Indonesia đều đang ở giai đoạn chủ yếu xuất khẩu tôm nguyên liệu trong khi đó Việt Nam đã và đang trong giai đoạn xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu. Với năng lực công suất chế biến thực tế của các nhà máy đạt 3 triệu tấn/năm (so với mức xuất khẩu 2 triệu tấn hiện nay), Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu công nghệ chế biến tôm hiện đại và hiệu quả nhất thế giới.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP cho biết, sở dĩ năm 2022 là một năm có rất nhiều kỷ lục xuất khẩu đối với ngành thủy sản một phần là do nguồn nguyên liệu dồi dào, tồn kho trước đó, đồng thời các doanh nghiệp và ban ngành đã tận dụng được thời cơ xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do.

Các doanh nghiệp cho biết thành công của xuất khẩu trong năm tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tôm nguyên liệu trong nước. Việc hạn chế tối đa dịch bệnh là hết sức cần thiết. Báo cáo của Cục Thú y cho biết, năm 2022, thiệt hại trên tôm nước lợ tăng hơn 15,4% so với năm 2021. Để đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao, ngoài việc cải thiện chất lượng tôm giống, các địa phương và doanh nghiệp đang tích cực đổi mới quy trình nuôi, xây dựng nhiều vùng nuôi tập trung chất lượng cao.

Với thành tựu xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm 2022, ông Trương Đình Hòe cho rằng Việt Nam có thể mạnh dạn đưa ra mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt mốc 20 tỷ USD. Với những lợi thế về nuôi trồng chế biến, kinh nghiệm và vị thế trên thương trường thế giới, hy vọng ngành tôm Việt Nam trong năm 2023 sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng để cùng ngành thủy sản hướng tới những cột mốc lịch sử mới.

Năm 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với xuất khẩu thủy sản như hệ lụy của đại dịch COVID-19, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ… Nhưng trong bối cảnh đó, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng tốc và về đích với kết quả dự kiến là 11 tỷ USD; trong đó, kỷ lục của ngành tôm gần 4,3 tỷ USD, cá tra hơn 2,4 tỷ USD, cá ngừ 1 tỷ USD và các mặt hàng hải sản khác hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang sụt giảm, nhất là những nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… cùng với xu hướng lạm phát tăng cao, người tiêu dùng khắp nơi thắt chặt chi tiêu… thì bức tranh xuất, nhập khẩu thủy sản năm 2023 sẽ khó giữ được tăng trưởng như năm 2022 và thậm chí có thể giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm. Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản chắc chắn sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển của cả ngành thủy sản trước mắt cũng như lâu dài. Đặc biệt, với ngành tôm nước lợ Việt Nam, sẽ có nghiên cứu tính khả thi chương trình 10 năm với mục tiêu sản lượng gấp đôi so với hiện nay. Trong đó, tập trung mục tiêu sau 5 năm sẽ chủ động nguồn tôm bố mẹ của Việt Nam, sản xuất tôm theo hình thức trang trại lớn (có diện tích 10 ha trở lên), mục tiêu số trang trại này chiếm ít nhất 30% diện tích và 60% sản lượng của cả ngành…

Nguyễn Anh

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết