Ảnh: Gettyimages
Bước sang 6 tháng cuối năm 2022, đặc biệt là quý IV, xuất khẩu tôm đã bắt đầu chững lại. Năm 2023, mặc dù vẫn được dự đoán cơ hội còn nhiều, thế nhưng những thách thức cũng không ít hơn. Nhận định sớm tình hình sẽ giúp toàn ngành có được đối sách thích hợp nhằm tìm đà thắng lợi cho con tôm – mũi nhọn của thủy sản Việt Nam.
Lạm phát và vốn vay
Năm 2022, mặc dù xuất khẩu tôm liên tiếp tăng, thế nhưng, tình hình sản xuất trong nước lại không hoàn toàn khả quan. Trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề thiếu lao động và tôm nguyên liệu. Nhưng “đau đầu” hơn cả là tình trạng lạm phát trên thế giới; giá trị hàng loạt đồng tiền ở các thị trường quan trọng bao gồm EUR, USD, JPY lao dốc, cùng đó là chi phí vận chuyển vẫn neo ở mức cao.
Ngày 13/7, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 6/2022 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/1981. Còn tại châu Âu, theo cơ quan thống kê Eurostat, lạm phát ở khu vực đồng EUR trong tháng 5/2022 ước đạt 8,1% tính theo năm và đây là mức cao tuyệt đối, kể từ khi ra đời đồng tiền chung châu Âu.
Lạm phát cao trong khi đồng tiền mất giá khiến người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu. Tình trạng này cũng tác động rất lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi giá trị các đồng tiền lớn giảm đã ăn mòn doanh thu của họ khi quy đổi sang tiền Việt Nam.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết nửa cuối năm 2022 là khoảng thời gian khó khăn với ngành tôm, không chỉ diễn biến bệnh trên tôm phức tạp mà tình hình lạm phát ở các nước cao, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ.
Một chuyên gia phân tích nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu năm qua tăng mạnh so với mức tăng nguyên liệu. Trong đó, một phần là bởi chi phí cước tàu tăng đã góp phần tăng “ảo” thêm khoảng 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Và trong mức tăng này còn một phần từ lạm phát.
Còn đại diện Công ty CP Thủy sản Minh Phú, Hậu Giang chia sẻ lãi suất năm 2022 cũng tăng nhiều so với năm 2021. Nếu như tháng 10/2021, lãi suất tiền vay đồng USD ở mức 1,6%/năm thì năm nay đã lên tới 4%/năm. Điều này khiến chi phí tài chính tăng cao hơn so với năm trước.
Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn
Hàng năm, sản lượng tôm của Việt Nam vẫn tăng đều đặn, thế nhưng không thể so sánh được với các cường quốc nuôi tôm khác như Ecuador hay Ấn Độ. Chưa kể, do phụ thuộc quá lớn về đầu vào trong nhập khẩu nên tôm Việt Nam ít nhiều yếu thế hơn trong cạnh tranh với tôm các nước khi so sánh về giá. Nguyên nhân chính vẫn là chưa thể tự chủ được nguồn tôm bố mẹ.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho biết hàng năm lượng tôm bố mẹ nhập khẩu duy trì khoảng 200.000 con, trong đó, nhập từ Mỹ chiếm 53,5%; từ Thái Lan là hơn 20%, còn lại là các nguồn cung cấp khác. Việc nhập khẩu con giống làm giá thành xuất khẩu của Việt Nam cao hơn Ecuador và Ấn Độ khoảng 1 USD cho mỗi loại cùng kích cỡ.
Bên cạnh đó, năm 2022 được coi một năm giá “bùng nổ”, thế nhưng không phải giá bán tôm nguyên liệu hay xuất khẩu, mà là chi phí đầu vào. Trước tiên là giá xăng, dầu liên tục tăng, thức ăn cho tôm cũng tăng 3.000 – 4.000 đồng/kg, thuốc trị bệnh của tôm tăng 12 – 15% so với trước… Chính vì thế, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam cũng đội lên và vì thế mà giá bán tôm của nước ta ra thị trường thế giới khả năng lại “đắt” hơn. Một bài toán khó buộc doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam phải hóa giải nếu muốn giữ và tăng thị phần trên thế giới.
Nguy cơ hơn nữa là chi phí vận chuyển luôn neo ở mức cao. Theo ông Lê Văn Quang, chi phí cước tàu sang Mỹ hiện vẫn neo ở mức khoảng 20.000 USD/container, cao gấp gần 6 lần so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.
Trong khi đó, Ecuador có vị trí gần Mỹ hơn Việt Nam nên chi phí vận chuyển rẻ hơn và thời gian giao hàng cũng ngắn hơn. Chưa tính đến chuyện sản lượng tôm của nước này rất lớn, chính thức vượt 1 triệu tấn vào năm 2021, cao nhất thế giới và được dự báo sẽ đạt sản lượng khoảng 2,5 triệu tấn vào năm 2025 nhờ phương pháp nuôi thâm canh. Đây là một ưu thế rất khó để tôm Việt Nam san bằng.
Đơn hàng giảm, tồn kho tăng
Theo VASEP, ngành thủy sản năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn, do phụ thuộc vào tình hình thế giới, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp bị hoãn đến cuối quý I năm sau.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết: “Ngành tôm năm sau sẽ khó khăn hơn ngành cá tra rất nhiều. Cá tra giá rẻ hơn, phù hợp với người tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Còn tôm giá lại đắt hơn. Bây giờ người dân Mỹ không ăn ở nhà hàng nữa, thắt chặt chi tiêu thì khó mà bán được”.
Lạm phát nhiều nước ở mức cao trong khi chênh lệch tỷ giá khiến giá tôm Việt Nam càng đắt đỏ hơn. Chính vì thế, lượng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ nhiều hơn. Điều này đã và tiếp tục dẫn đến tình trạng giảm sút đơn hàng.
9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng 23%, đạt gần 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm thực sự chỉ tăng đột phá vào nửa đầu năm nhờ giá xuất khẩu cao và nhu cầu của thị trường tăng mạnh. Từ quý III/2022, xuất khẩu tôm chững lại, giảm dần tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và giảm so với những tháng liền kề trước đó. Ngay trong tháng 10, xuất khẩu tôm đã có mức giảm sâu 26% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 313 triệu USD. Đây cũng là tháng thứ ba kể từ đầu năm nay, xuất khẩu tôm ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định xu hướng xuất khẩu thủy sản tới Mỹ và EU chậm lại duy trì trong các tháng cuối năm 2022. Đơn hàng xuất khẩu thủy sản mới có xu hướng thấp hơn mọi năm, nhiều đơn hàng bị đề nghị hoãn giao hàng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Hồ Quốc Lực cũng cho biết, 2 tháng cuối năm là giai đoạn giảm mạnh doanh số xuất khẩu. Nguyên nhân do các kho hàng bên mua cơ bản đầy. Chuyện giao hàng gối đầu tiêu thụ năm 2023, phía khách hàng có e dè, chờ đợi kết quả tiêu thụ đợt Giáng sinh, năm mới tới. Tuy các đơn hàng gối đầu theo thông lệ vẫn diễn ra, tuy nhiên sản lượng không tăng trưởng như hàng năm.
Không chỉ kho hàng của nhà nhập khẩu đầy, mà việc xuất khẩu chậm và chững lại cũng khiến kho của các doanh nghiệp xuất khẩu cao thêm. Theo ông Lực, với doanh nghiệp hiện nay, việc cần làm là cân đối nguồn tài chính và hàng tồn kho. Bởi “tồn kho 1 tấn cá tra chỉ 3.000 USD nhưng tồn kho 1 tấn tôm đã lên tới 10.000 USD. Hy vọng các doanh nghiệp nhận ra điều này mà không đua theo câu chuyện gì cả, tập trung quản trị tốt hàng tồn kho của mình…
Đây là những khó khăn và thách thức mà ngành tôm sẽ phải đương đầu trong thời gian tới. Và đây cũng mới chỉ là những vấn đề tồn tại của năm 2022 “đưa qua”, những chuyện của năm mới vẫn chưa xuất hiện.
Phan Thảo
Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết