Cá hồng Mỹ là đối tượng thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.
Chuẩn bị ao
Diện tích ao 2.000 – 5.000 m2. Bờ ao chắc chắn, không bị rò rỉ, giữ được mức nước trong ao ổn định. Bờ phải cao hơn mực nước cao nhất trong ao tối thiểu 30 cm. Có cống cấp và cống thoát riêng biệt. Nguồn nước cấp vào phải chủ động, không bị ô nhiễm. Độ sâu của ao 1,5 – 1,8 m (mực nước 1,2 – 1,5 m), pH đáy ao > 5,5, pH nước 7,5 – 8,5. Chất đất có thể nuôi được ở mọi nền đáy tuy nhiên nếu chất đáy là cát, bùn pha cát hoặc đáy cứng, cát sỏi thì tốt hơn. Nền đáy không bị rò rỉ, thẩm lậu. Giao thông thuận tiện, có nguồn điện phục vụ cho sản xuất.
Cải tạo ao: Tháo cạn nước, nạo vét lớp cát đen ở đáy, cày bừa cho tơi cát và tạo nền đáy bằng phẳng. Bón vôi CaCO3 với lượng 80 – 120 kg/1.000 m2. Phơi nắng 5 – 7 ngày. Lấy nước ngâm khoảng 24 – 48 giờ, sau đó tháo cạn và thau rửa 2 – 3 lần. Cấp nước vào ao qua lưới lọc, sau đó tiến hành diệt khuẩn, gây màu nước.
Đến khi nước có màu xanh, độ trong 30 – 40 cm, tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường đảm bảo trước khi thả giống: pH: 7,5 – 8,5; độ mặn: 5 – 25‰; NH3 < 0,1 mg/l; H2S < 0,03 mg/l; độ kiềm 80 – 150 mg/l; ôxy hòa tan > 4 mg/l. Lắp đặt hệ thống thiết bị gồm hệ thống quạt, máy bơm nước.
Con giống
Cá giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, cùng cỡ, không bị xây xát, bị dị hình và không có triệu chứng bệnh. Tốt nhất là con giống đã qua kiểm dịch. Giống cá nên được mua ở những cơ sở sản xuất có uy tín, chất lượng. Cỡ giống khoảng 50 – 100 g. Nếu không có giống cỡ lớn thì nên ương trong ao ương, đến cỡ tiêu chuẩn mới chuyển ao nuôi thương phẩm. Mật độ thả giống 1,5 con/m2.
Giống vận chuyển được thuần hóa bằng cách cho nước từ ao vào dụng cụ vận chuyển, trong thời gian 5 – 10 phút cho cá quen dần với môi trường ao nuôi, hạn chế gây sốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tỷ lệ sống sau này.
Giống nên thả vào chiều tối hoặc sáng sớm, khi mát trời.
Thức ăn
Thức ăn cho cá hồng Mỹ là thức ăn công nghiệp với hàm lượng độ đạm trên 40%. Do cá hồng Mỹ là loài cá dữ nên cần phải cung cấp đầy đủ thức ăn cho cá, tránh hiện tượng ăn lẫn nhau. Lượng cho ăn trong 2 tháng đầu từ 5 – 7% trọng lượng thân, từ tháng thứ 3 trở đi cho ăn từ 2 – 3% trọng lượng thân.
Việc cho ăn đáp ứng 4 yêu cầu: đủ lượng, đúng giờ, đúng địa điểm và đảm bảo chất lượng.
Kiểm tra bằng cách theo dõi tình trạng cá ăn. Khi cho thức ăn thiếu, cá tranh giành thức ăn mạnh, người nuôi có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khi lượng thức ăn đủ, mức độ tranh giành thức ăn giảm lại. Nếu phát hiện cá ăn không bình thường, hoặc khi thời tiết có biến động, sau khi cho ăn 15 – 30 phút, lặn xuống ao để kiểm tra xem có thức ăn thừa không để có biện pháp tăng giảm trong các ngày kế tiếp.
Định kỳ bổ sung Vitamin C và vitamin tổng hợp với lượng 0,2 – 0,5 g/kg thức ăn, nhằm đảm bảo dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho cá. Thuốc được hòa tan vào nước rồi trộn vào cá khô, phơi vào nơi râm mát, tránh ánh nắng mặt trời, khoảng 10 – 15 phút, khi thấm khô mới đem cho cá ăn.
Quản lý
Do cá hồng Mỹ cần nhiều ôxy nên trong ao phải lắp đặt sẵn máy quạt nước, những ngày thời tiết thay đổi, có thể bật quạt từ lúc 1 giờ đến 8 giờ sáng. Đây là thời điểm lượng ôxy thấp, cần bổ sung hàm lượng ôxy để đàn cá sinh trưởng phát triển tốt hay khi thấy cá có hiện tượng nổi đầu cần phải cho máy chạy ngay để tránh thiệt hại.
Trong quá trình nuôi, định kỳ 1 lần/tháng cần sử dụng Zeolite để xử lý mùn bã hữu cơ cũng như thức ăn dư thừa lắng xuống đáy ao.
Định kỳ hàng tháng kiểm tra trọng lượng cá và điều chỉnh lượng thức ăn cho các lần kế tiếp.
Các chỉ tiêu nhiệt độ, pH, độ mặn, ôxy hoà tan, NH3, NO2 kiểm tra theo định kỳ để có thể đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời khi có sự biến động bất thường.
Để ổn định và duy trì màu nước, tạo hệ đệm cho sinh vật phù du phát triển, sử dụng định kỳ vôi Dolomite 2 tuần/lần, với lượng 80 – 100 kg/ha/lần.
Duy trì mực nước ao nuôi ổn định với độ sâu 1,2 – 1,5 m.
Tháng đầu thay nước một lần với 1/3 lượng nước trong ao, sau đó bình quân 10 – 20 ngày thay nước và cấp bù một lần với khoảng 50% lượng nước trong ao.
Tình trạng sức khỏe cá được theo dõi hàng ngày, qua khả năng bắt mồi, khả năng cạnh tranh thức ăn và sức ăn của đàn cá. Theo dõi tình trạng hoạt động của cá qua tình trạng bơi, khả năng phản xạ…
Ao hồ được kiểm tra hàng ngày, tình trạng đê, cống… để có biện pháp khắc phục kịp thời khi hư hại.
Thu hoạch
Khi cá đạt cỡ thương phẩm 0,8 – 1,5 kg/con. Nên thu hoạch khi cá đạt cỡ thương phẩm và thời điểm giá cao (khi biển động hay vào các dịp lễ, tết…). Việc thu mua cá đã được một số doanh nghiệp ký kết từ trước, nên người nuôi có thể yên tâm đầu tư sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nguyễn An
Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết