Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng xuất khẩu cà phê sang thị trường ASEAN.
Trong khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn khởi sắc rõ nét, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc và khu vực ASEAN.
Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế trong khu vực ASEAN dần phục hồi mạnh mẽ từ năm 2022, dự báo đạt 4,7% trong năm 2023, do hầu hết các nước mở cửa trở lại nền kinh tế. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường ASEAN.
Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, dư địa xuất khẩu gạo sang các nước trong khu vực ASEAN vẫn còn nhiều. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nhiều nước theo hướng giảm mạnh nông nghiệp, thu hẹp diện tích trồng cây lương thực, như các nước Indonesia, Philippines, Malaysia…
Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản sang thị trường ASEAN cũng đang có tín hiệu phục hồi. Tại thị trường Thái Lan, du lịch đang tăng mạnh, dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu thủy sản vào thị trường này, trong đó có Việt Nam.
Đối với mặt hàng cà phê, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung hạn chế của các quốc gia sản xuất cà phê lớn trong khu vực, trong khi nhu cầu sản phẩm, nhu cầu cà phê robusta vẫn giữ ở mức cao.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê của Indonesia trong niên vụ 2023-2024 chỉ ở mức 9,7 triệu bao, giảm 18% so với niên vụ trước do lượng mưa quá lớn làm giảm năng suất ở các khu vực sản xuất cà phê robusta lớn. Do đó, nếu bảo đảm nguồn cung, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng xuất khẩu cà phê sang thị trường ASEAN.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường ASEAN trong 8 tháng năm 2023 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Indonesia tăng tới 300%.
Tại thị trường Trung Quốc, trong 8 tháng qua, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022, những mặt hàng tăng mạnh là rau quả, gạo, hạt điều, chè.
Xuất khẩu rau quả có sự bùng nổ, 8 tháng năm 2023 đạt 3,45 tỉ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều dự báo cho thấy kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả có thể đạt 5 tỉ USD trong năm 2023, lập kỷ lục mới. Sự tăng trưởng này được kỳ vọng bởi sầu riêng tại Tây Nguyên bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Đây là thời điểm dường như chỉ có Việt Nam có vụ sầu riêng, có lợi thế về xuất khẩu.
Dây chuyền chế biến ngô ngọt xuất khẩu, công suất 4.000 tấn/năm.
Theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, không chỉ sầu riêng, nếu cứ giữ đúng chất lượng rau quả, khai thác tốt các thị trường, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh. Hơn nữa, nhiều ngành hàng như cà phê, hồ tiêu, gạo… ngày càng có sự quản lý chặt chẽ trong sản xuất, có nhiều sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm đặc sản, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiến sâu hơn vào thị trường thế giới. Chẳng hạn, ngành hàng cà phê Việt Nam đang nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, chế biến, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Riêng tỉnh Gia Lai hiện có hơn 36.600 ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance và hơn 12.086 ha cà phê ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Trước xu hướng ngày càng nhiều thị trường đưa ra yêu cầu khắt khe về kiểm dịch, an toàn thực phẩm đòi hỏi sản xuất nông sản trong nước phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Với sự đồng hành hỗ trợ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, hợp tác xã, đến nay, cả nước đã có 2.510 chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản an toàn được thiết lập và duy trì. Cùng với đó, đã có 151.776 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP…
Mùa thu hoạch lúa.
Ông Ngô Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) - cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT sẽ duy trì việc kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và kiểm tra chứng nhận nông sản xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu; chủ động tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất; xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ theo dõi sát, kịp thời xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm; hướng dẫn các biện khắc phục đối với các lô hàng xuất khẩu vi phạm an toàn thực phẩm.
Theo các chuyên gia, mỗi thị trường nhập khẩu đều có những quy định riêng về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cần thực hiện đúng các quy định về quản lý vùng trồng, vệ sinh vùng trồng; thường xuyên cập nhật và thực hiện đúng các quy định về danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, bảo đảm đúng quy định về cách ly thuốc trước khi thu hoạch.
Cơ quan chức năng cần thường xuyên thông tin, cập nhật các quy định mới về an toàn thực phẩm và kiểm dịch của nước nhập khẩu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Với các trường hợp gian lận khi làm thủ tục kiểm dịch xuất khẩu phải bị xử lý nghiêm. Việc tăng cường kiểm dịch, kiểm tra chặt chẽ các lô hàng xuất khẩu nhằm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, góp phần giữ vững thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Theo đại diện Bộ NN&PTNT, việc các sản phẩm có các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu phải bảo đảm chất lượng và đáp ứng được các yêu cầu của đối tác là điều rất quan trọng. Thời gian qua, việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu. Nếu doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm sẽ không cho phép xuất khẩu, đồng thời ngay lập tức sẽ có thông báo để các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân hàng hóa xuất phát từ địa phương không bảo đảm yêu cầu.
Bộ NN&PTNT đang kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng thêm 2 nghị định. Đó là nghị định về hướng dẫn cấp mã số, vùng trồng và cơ sở đóng gói; nghị định về các chế tài xử phạt trong lĩnh vực này. Đây là sẽ căn cứ pháp lý rất quan trọng để phục vụ cho việc quản lý sản xuất hàng hóa nông sản xuất khẩu một cách chặt chẽ hơn, có các chế tài rõ ràng hơn.
Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 36.600 ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance và hơn 12.086 ha cà phê ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Nguyễn Anh
Nguồn: Theo TẠP CHÍ PETROTIMES Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết