Ninh Bình: Nông dân Kim Sơn chuẩn bị cho vụ nuôi thủy sản mới

Adv thuysan247
Cải tạo ao đầm, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho vụ nuôi thả mới là khâu quan trọng được đặt lên hàng đầu để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi. Do đó, ngay từ cuối năm 2022, UBND huyện Kim Sơn đã ban hành kế hoạch 221/KH-UBND, ngày 22/11/2022 về việc sản xuất thuỷ sản năm 2023.

Cải tạo ao đầm, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho vụ nuôi thả mới là khâu quan trọng được đặt lên hàng đầu để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi. Do đó, ngay từ cuối năm 2022, UBND huyện Kim Sơn đã ban hành kế hoạch 221/KH-UBND, ngày 22/11/2022 về việc sản xuất thuỷ sản năm 2023.

thuysan247.com

Theo đó, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với các địa phương vùng nuôi trồng thủy sản thông báo rộng rãi đến các hộ nuôi thủy sản nắm rõ về kế hoạch sản xuất thủy sản. Trong đó, quan tâm chú trọng tuyên truyền nông dân thực hiện cải tạo, vệ sinh ao đầm, gia cố bờ, cống ao, rải vôi, xử lý và gây màu nước chuẩn bị cho việc thả giống thủy sản vụ 1, với đối tượng nuôi chính là tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Đến thời điểm này, các hộ nuôi thủy sản các xã ven biển đã cơ bản hoàn thành các khâu như: tu sửa, cải tạo ao đầm, lấy nước vào vùng nuôi xử lý nước trong ao ương, gây màu nước và kiểm tra, điều chỉnh chỉ số môi trường trong ao ương tôm giống.

Ảnh minh họa

Việc cải tạo ao đầm không chỉ những hộ nuôi tôm quảng canh hay bán thâm canh một năm nuôi 2 vụ quan tâm thực hiện mà các hộ nuôi tôm công nghiệp có nhà mái che giữ được nhiệt độ, có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo, kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh có thể nuôi thương phẩm quanh năm, vụ nọ nối vụ kia, nông dân còn phải chú trọng đến công tác cải tạo ao nuôi sau mỗi lứa thu hoạch để hướng tới vụ nuôi đạt hiệu quả cao; nước và chất thải từ các ao nuôi sẽ được đưa vào ao chứa chất thải để xử lý đảm bảo theo quy định trước khi xả thải ra ngoài môi trường.

Theo kế hoạch, năm 2023, diện tích nuôi thả thủy sản nước mặn, lợ vụ 1 của huyện là 2.146,4 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 1.511,4 ha; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh 300 ha; diện tích sản xuất giống ngao, hàu trên 335 ha.

Ngay từ tháng 1/2023, các hộ nuôi trồng thủy sản vùng ven biển của huyện tập trung thu hoạch toàn bộ thủy sản trong các ao, đầm đồng thời rút nước triệt toàn vùng nuôi, tiến hành tu sửa, cải tạo vệ sinh ao đầm, kênh mương, phơi đáy ao. Sang tháng 2, căn cứ vào chất lượng nước biển, các hộ nuôi trồng thủy sản lấy nước vào vùng nuôi. 

Đến tháng 3 này, các hộ nuôi thủy sản xử lý nước trong ao ương bằng Chlorine A hoặc chất diệt tạp saponin 10 ppm, chất sát khuẩn (BKC, IODIN,…); tiến hành gây màu nước và kiểm tra, điều chỉnh các chỉ số môi trường ao đầm, tiếp đó là ao nuôi thương phẩm. 

Hiện, các hộ nuôi thủy sản đang tiến hành xử lý và gây màu nước, kiểm tra, điều chỉnh chỉ số môi trường nước trong ao nuôi thương phẩm. Bắt đầu từ 15/3, các cơ sở nhập tôm giống đã qua kiểm dịch và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để ương dưỡng. Thời tiết thuận lợi, bà con nông dân bắt đầu thả giống tôm thương phẩm từ 1/4/2023.

Để đồng hành cùng các hộ nuôi thủy sản trong vụ sản xuất mới, các ngành chức năng đã và đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến lịch thời vụ, hướng dẫn kỹ thuật, cảnh báo môi trường; tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi tôm cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở ương dưỡng con giống, đại lý kinh doanh các loại vật tư phục vụ nuôi thủy sản, đảm bảo không để con giống kém chất lượng và thuốc, hóa chất giả lưu hành trên địa bàn gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, làm thiệt hại kinh tế cho người dân nuôi thủy sản.

An Nhiên

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết