Nuôi tôm nở rộ ở Mỹ

Adv thuysan247
Sau một thời gian dài bị bỏ quên, nuôi tôm quy mô thương mại dường như đang “nở rộ” trở lại ở nước Mỹ.

Sau một thời gian dài bị bỏ quên, nuôi tôm quy mô thương mại dường như đang “nở rộ” trở lại ở nước Mỹ.

thuysan247.com

Trong nhiều năm, ngành nuôi tôm nước Mỹ đã phải vật lộn để cạnh tranh với tôm giá rẻ nhập khẩu từ các quốc gia sản xuất lớn như Ấn Độ, Indonesia và Ecuador… Tuy nhiên, với các các số liệu tiêu thụ gần đây cho thấy tôm đang trở thành loại hải sản yêu thích của Mỹ khi Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho biết trung bình mỗi người Mỹ tiêu thụ hơn 5 pound tôm mỗi năm vào năm 2020, các dự án nuôi tôm mới đủ mọi hình thức và quy mô đang tăng lên trên khắp đất nước, từ các hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn nhỏ và lớn (RAS) ở California và Florida đến nuôi trong ao truyền thống ở Texas.

Mô hình sáng tạo

Có lẽ tạo nên làn sóng lớn nhất trong ngành nuôi tôm trong năm 2022 là Atarraya, một công ty công nghệ mới thành lập có trụ sở tại Mexico, được biết đến với việc phát triển mô hình Shrimpbox. Về cơ bản, Shrimpbox là một container vận chuyển được chuyển đổi thành một trang trại nuôi tôm thương mại cỡ nhỏ. Mô hình này yêu cầu thay nước tối thiểu, có hệ thống cho ăn tự động và hệ thống loại bỏ chất thải biofloc, giảm thiểu công việc liên quan đến nuôi tôm trong thiết bị trong khi loại bỏ nhu cầu sử dụng kháng sinh và hóa chất. Shrimpbox cũng dựa vào trí tuệ nhân tạo để có thể giám sát chất lượng nước, điều chỉnh nhiệt độ nước cũng như lượng ôxy từ xa.

Ông Daniel Russek, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Atarraya, cho biết: “Shrimpbox không chỉ là một thùng chứa hàng hóa. Đây là một hệ thống công nghệ được thiết kế để tạo ra sự sống. Với các hệ thống và phần mềm tự động có khả năng học hỏi và đưa ra quyết định, phần kỹ thuật này có tiềm năng giúp nuôi trồng thủy sản đạt được bước tiến lớn nhất trong nhiều thập kỷ”.

Mặc dù chỉ có hai mô hình mẫu được chế tạo cho đến nay, tuy nhiên Atarraya đã huy động được hơn 10 triệu USD kể từ khi thành lập. Trang trại đầu tiên của công ty tại Indianapolis, Indiana, Mỹ gần đây đã mở cửa để đào tạo và trình diễn. Atarraya cũng đang chuẩn bị khởi động một chương trình “lan tỏa” tới cả các công ty trong các thị trường ngách nhằm tối đa hóa lợi nhuận sớm, đồng thời chứng minh rằng trên thực tế, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nông dân nuôi tôm.

Mô hình đổi mới

Homegrown Shrimp, một trang trại nuôi tôm RAS, được phát triển bởi Tập đoàn khổng lồ Charoen Pokphand Foods (CP Foods) chi nhánh Indiantown, Florida, Mỹ với một cách tiếp cận hoàn toàn khác so với Atarraya. Tại mô hình thí điểm hiện nay, CP Foods đang sở hữu một trại sản xuất giống và trang trại thương phẩm có khả năng sản xuất tới 720 tấn tôm hàng năm.

Phó chủ tịch điều hành CP Food Robins McIntosh cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 đã gây ra “sự gián đoạn chưa từng có trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu”, khiến thương mại tôm quốc tế giảm và buộc các nước phải dựa vào sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu. Ông tin rằng sự thay đổi này đã dẫn đến việc các nước gia tăng các rào cản thương mại để bảo vệ thị trường nội địa, mở ra cơ hội cung cấp thức ăn cho người Mỹ bằng tôm “cây nhà lá vườn”.

Ông McIntosh cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho thị trường địa phương tôm tươi chất lượng cao nhất quanh năm bằng cách sử dụng hệ thống thay nước gần như bằng không. Ngoài tôm tiêu dùng, chúng tôi sẽ vận hành một trại sản xuất giống nhỏ để cung cấp tôm giống cho thị trường Mỹ và châu Âu”.

Mô hình truyền thống

Tại trung tâm nuôi tôm Texas của Mỹ, Trans American Aquaculture đang tìm cách khôi phục và khởi động lại một trang trại nuôi tôm rộng 1.880 mẫu Anh (1 mẫu Anh khoảng 0,4 ha) đã bị đóng cửa hơn một thập kỷ, tọa lạc tại Rio Hondo, Texas, Mỹ trong Thung lũng Rio Grande. Công ty này hiện đang tìm kiếm nguồn vốn để chuyển đổi việc mua lại cơ sở nghiên cứu di truyền tôm hiện tại thành một trang trại sản xuất thương mại.

“Trang trại ở phía Nam Texas, chúng tôi có thể sản xuất hai vụ tôm đầy đủ mỗi năm. Hiện tại chúng tôi đang ở thế hệ thứ năm và thứ sáu của dòng gen. Đây thực sự là thời điểm tốt để chúng tôi bắt đầu tham gia vào thị trường và đưa trang trại vào sản xuất hết công suất trong vài năm tới”, ông Adam Thomas, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Trans American Aquaculture, cho biết.

Ông Thomas cũng cho biết công ty đang tìm kiếm khoản đầu tư ban đầu trị giá 2 triệu USD để giúp công ty thu hoạch vụ đầu tiên trên một nửa diện tích của trang trại. Tiếp đó, công ty sẽ cần thêm khoản trợ lực 5 triệu USD để mở rộng sang 650 mẫu Anh phía Nam của trang trại và hoàn thiện việc tăng cường cũng như nâng cấp thiết bị. Điều đó sẽ giúp trang trại đạt sản lượng từ 11 – 12 triệu pound hàng năm.

Nhiều tín hiệu lạc quan

Ông Jim Wyban, một nhà nghiên cứu tôm và chủ sở hữu của công ty tư vấn Marine Genetics LLC có trụ sở tại Kurtistown, Hawaii, đang rất lạc quan về tương lai của ngành tôm nước Mỹ.

“Điều khiến tôi thấy thú vị là sự gia tăng mô hình trong nhà được kiểm soát, nuôi tôm mật độ cao. Mọi người nuôi ở đủ mọi nơi như Illinois, Iowa hay Minnesota. Tuy chưa có danh sách chính thức nhưng có khoảng 50 dự án nuôi tôm ở Mỹ đang hoạt động ở nhiều cấp độ khác nhau”, ông nói.

Ông cũng cho biết có một nền tảng kinh tế vững chắc khiến ý tưởng nuôi tôm có thể thành công ở Mỹ. “Thị trường tôm của Mỹ gần như vô cùng. Nếu chăn nuôi động vật trong trang trại gần các thị trường lớn, chúng ta sẽ loại bỏ lượng khí thải carbon từ vận chuyển toàn cầu và có thể cung cấp sản phẩm tươi cho các thị trường này”, ông chia sẻ.

Các công ty khởi nghiệp nuôi tôm đa ​​dạng mọc lên khắp đất nước là bằng chứng cho thấy rằng công nghệ hiện đại đã làm cho ngành công nghiệp nuôi tôm nước Mỹ trở nên khả thi.

Tuệ Nhi

Nguồn: Theo Theo Seafoodsource
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết