Chủ động để nắm bắt cơ hội

Adv thuysan247
Tình hình nuôi trồng, xuất khẩu tôm năm 2023 sẽ đối mặt khó khăn, thách thức lớn hơn rất nhiều so với năm trước. Do đó, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp, người nuôi phải chuẩn bị cho mình những đối sách phù hợp để chủ động nắm bắt khi thời cơ đến.

Năm 2023, ngành hàng tôm Việt Nam đề ra mục tiêu xuất khẩu đạt con số trên 4,3 tỷ USD. Ảnh: Phan Thanh

Tình hình nuôi trồng, xuất khẩu tôm năm 2023 sẽ đối mặt khó khăn, thách thức lớn hơn rất nhiều so với năm trước. Do đó, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp, người nuôi phải chuẩn bị cho mình những đối sách phù hợp để chủ động nắm bắt khi thời cơ đến.

thuysan247.com

Đối mặt nhiều thách thức

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, sức tiêu thụ của thị trường thủy sản thế giới đang rất yếu, giá tôm xuất khẩu giảm mạnh khiến các doanh nghiệp càng thêm khó. Hiện tồn kho thế giới vẫn lớn và khả năng sẽ còn kéo dài do giá bán ở mức cao trong khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu vì lạm phát. Với tồn kho lớn, nhập khẩu tôm của Mỹ chưa thể phục hồi trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu vẫn tập trung nhiều hơn vào tôm cỡ nhỏ, là lợi thế của Ecuador. Xuất khẩu tôm sang châu Âu lại có phần kém tích cực khi nền kinh tế khu vực này tiếp tục khó khăn trong năm 2023. Đó là chưa kể đến yếu tố xung đột Nga – Ukraine và lạm phát chưa có điểm dừng. Ông Hòe chia sẻ: “Nói thật là hiện cá nhân tôi vẫn còn hoang mang chưa thể có nhận định gì về thị trường tôm sắp tới, bởi trong khi giá tôm trong nước vẫn đang duy trì ở mức cao thì giá tôm xuất khẩu lại giảm mạnh và hiện rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng giao vào tháng 4/2023”.

Không chỉ gặp khó do sức tiêu thụ của thị trường yếu, theo ông Hòe, sự cạnh tranh giữa tôm Việt Nam với Ecuador và Ấn Độ năm nay cũng sẽ trở nên gay gắt hơn khi sản lượng tôm của Ecuador năm 2023 dự kiến sẽ tăng lên 1,5 triệu tấn, tức gấp đôi sản lượng TTCT của Việt Nam. Ông Hòe nhận định: “Giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới đã giảm dần từ cuối năm 2022 và dự báo sẽ tiếp tục giảm thêm khi nguồn cung toàn cầu năm 2023 dự kiến tăng 6 triệu tấn. Do đó, gần như chắc chắn là khó khăn đối với ngành tôm sẽ còn tiếp tục kéo dài và xu hướng giá tôm giảm mạnh gần như không thể tránh khỏi. Thị trường chỉ có thể hồi phục sớm nhất là từ nửa sau năm 2023”.

Cơ hội trong gian khó

Tuy khó khăn đang hiện hữu và được dự báo còn kéo dài thêm, nhưng theo ông Hòe, ngành tôm vẫn có cơ hội khi chúng ta có lợi thế về thuế suất nhờ các FTA; có nguồn tôm nguyên liệu lớn với đa dạng kích cỡ theo yêu cầu thị trường và điều quan trọng hơn là năng lực chế biến của các doanh nghiệp ngành tôm thuộc top đầu thế giới đủ sức cạnh tranh ở phân khúc sản phẩm tôm cao cấp. Một bất ngờ khá thú vị là trong bối cảnh xuất khẩu tôm gặp khó thì thị trường trong nước lại tăng khá mạnh kéo giá tôm tăng cao trong suốt 2 tháng qua. Ông Hòe chia sẻ: “Điều này có thể gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng là tín hiệu đáng được quan tâm và cần có cách tiếp cận phù hợp để khai thác tốt thị trường trong nước giúp giảm áp lực tiêu thụ tôm, giữ giá tốt cho người nuôi”. Thực tế cho thấy, đã có một số doanh nghiệp có vùng nuôi tôm riêng tận dụng khá tốt cơ hội này khi thu hoạch đã không đưa vào dự trữ chờ đơn hàng như trước mà bán ra thị trường nội địa do được giá cao hơn.

Để không lỡ “chuyến tàu” cạnh tranh trên cơ sở xác định lợi thế của mình và xu hướng tiêu dùng tại các thị trường chính, ông Hòe gợi ý một số giải pháp cho các doanh nghiệp, như: Tìm nguồn tôm nhập khẩu giá rẻ để gia công cho khách hàng, nhằm duy trì hoạt động và giữ chân lao động chờ thời cơ cuối năm. Thứ hai là đầu tư vùng nuôi riêng cho doanh nghiệp mình để chủ động được nguyên liệu giá thành hạ, tăng tính cạnh tranh. Thứ ba là chuyển hướng xuất khẩu các sản phẩm đặc thù, như: tôm – rừng, tôm – lúa… đặc biệt là sản phẩm tôm sú với lợi thế lớn từ thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường lớn có khả năng giúp doanh nghiệp có thể đạt tăng trưởng, nhưng trước hết, chúng ta cần phải có tôm nguyên liệu với giá thành hơp lý để dễ tiếp cận thị trường và tăng tính cạnh tranh. Thứ tư là cần điều phối sản xuất theo xu hướng thị trường, thay đổi cơ cấu sản phẩm để chủ động đáp ứng nhu cầu theo từng phân khúc thị trường… Tuy nhiên, theo ông Hòe, điều quan trọng là chúng ta cần phải có tôm nguyên liệu với giá thành hơp lý để dễ tiếp cận thị trường và tăng tính cạnh tranh.

Năm 2023, khó khăn, thách thức vẫn hiện hữu, nhưng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trên nền tảng thành công của năm 2022, chúng ta vẫn sẽ quyết tâm đạt mục tiêu sản lượng tôm trên 1,1 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD. Muốn vậy, ngay từ khâu nuôi trồng cho đến sơ chế, chế biến tôm đều phải gắn với nhu cầu của thị trường. Thứ trưởng chia sẻ: “Chúng ta đã biết, cơ cấu thị trường hiện có sự thay đổi khá mạnh. Trước đây, thị trường Mỹ chiếm 26,3% đến nay chỉ còn 19%, trong khi thị trường Trung Quốc từ 17% tăng lên trên 20% và sẽ còn tiếp tục tăng lên do Trung Quốc đã dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Đây là nơi để Việt Nam phát huy tất cả các lợi thế của mình nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng như kế hoạch đề ra. Còn về thị trường, theo quy luật hàng năm, ở giai đoạn đầu quý I bao giờ xuất khẩu cũng chậm, sau đó tăng dần trong quý II và tăng mạnh trong quý III. Đây cũng là cơ sở để chúng ta có thể kỳ vọng vào việc hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm 4,3 tỷ USD trong năm 2023”.

>> Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2023, các địa phương vùng ven biển có kế hoạch thả nuôi tôm với diện tích trên 750.000 ha, trong đó tôm sú 610.000 ha, TTCT 120.000 ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác; sản lượng thu hoạch ước 1.080.000 tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, TTCT 750.000 tấn; đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD và có khả năng lên 4,5 tỷ USD.

An Xuyên

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết