Hàng loạt kiến nghị được gửi tới Thủ tướng

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Trong khi chờ đợi thay đổi tích cực hơn về triển vọng thị trường, các doanh nghiệp tiếp tục cho rằng, những khó khăn từ bên trong, dù nhỏ, cũng sẽ cản trở rất lớn tới kế hoạch phục hồi.

Các doanh nghiệp rất lo lắng trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức và mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp gỡ kh

Trong khi chờ đợi thay đổi tích cực hơn về triển vọng thị trường, các doanh nghiệp tiếp tục cho rằng, những khó khăn từ bên trong, dù nhỏ, cũng sẽ cản trở rất lớn tới kế hoạch phục hồi.

thuysan247.com

Thủy sản lo chi phí vận tải biển tăng cao

Lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Chu kỳ giảm giá nhiều mặt hàng thủy sản có thể vẫn tiếp diễn ít nhất tới hết nửa đầu năm 2024.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi lo ngại này tới Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng 2 bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong tuần vừa rồi.

Không dừng lại ở những lo ngại từ vĩ mô, doanh nghiệp nuôi tôm và cá tra đang đối mặt với bài toán hàng ngày khi chi phí thức ăn cho tôm cao hơn các nước cạnh tranh, còn giá thức ăn cho cá tra có thể tăng trên 30%. Thậm chí, VASEP cho biết, tôm Việt Nam đang tiếp tục cạnh tranh với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024.

Trong khi đó, chi phí vận tải biển tăng cao đáng kể bắt đầu từ tháng 1/2024, đặc biệt là cước tàu đi EU, Mỹ và Canada khi xung đột Nga - Ukraine và gần đây là giao tranh ở Trung Đông nóng lên. Cước tàu tới bờ Tây nước Mỹ (cảng Los Angeles) tăng từ 800 USD đến 1.250 USD tùy theo hãng tàu, nghĩa là tăng thêm 50-60%. Tới bờ Đông nước Mỹ (cảng New York), giá cước tăng nhiều hơn, từ 2.600 USD trong tháng 12/2023, lên 4.100-4.500 USD vào tháng 1/2024.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

"Hy vọng thời hạn được thực hiện nghiêm túc."

-TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 với nhiều mục tiêu rất quan trọng và có phần tham vọng. Tôi hy vọng các bộ, ngành, địa phương sớm hướng dẫn để triển khai thực hiện nhất quán, thành công. Theo yêu cầu của Chính phủ, các kế hoạch hành động phải được ban hành trước ngày 20/1/2024.
Tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua các luật quan trọng. Việc hướng dẫn thực thi cũng phải được đảm bảo, để khi luật có hiệu lực thì cũng có các văn bản hướng dẫn chất lượng, khả thi.
Cùng với việc kéo dài các chính sách hỗ trợ, thì các giải pháp làm sao để chi phí kinh doanh của doanh nghiệp phải giảm, giảm chi phí không chính thức, giảm chi phí logistics, chính sách tiền tệ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, để doanh nghiệp và người dân an toàn hơn về mặt tài chính. Khi đó, động lực để đầu tư và phát triển sẽ trở lại.

"Mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp môi trường đầu tư an toàn, bền vững."

- Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Quyết tâm hành động của Chính phủ và Quốc hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thể hiện qua những điểm mới trong Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Chính phủ.
Các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đều nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, trong Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh rất nhiều đến Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, theo đó thúc đẩy động lực của cộng đồng doanh nghiệp - đối tượng thực thi các giải pháp. Nghị quyết cũng yêu cầu phải thực thi một cách đầy đủ, quyết liệt và nhanh chóng Nghị quyết 41 để mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp môi trường đầu tư an toàn, bền vững.

Riêng EU tăng rất nhiều so với tháng 12/2023, ví dụ cước đi Hamburg (Đức) giá 1.200-1.300 USD vào tháng 12/2023, lên 4.350-4.450 USD trong tháng 1/2024.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho biết thêm, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức, nếu không được tháo gỡ trong năm 2024, sẽ khiến xuất khẩu hải sản sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận hải sản khai thác còn bất cập, cả yếu tố nguồn lực, nhân lực và hạ tầng không đáp ứng.

“Các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm quá nghiêm ngặt và chậm trễ, kéo dài trong quá trình xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác đang khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng đơn hàng với rủi ro mất các khách hàng tiềm năng. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất”, ông Nam chia sẻ.

Ngành Xây dựng bi quan trong tiếp cận vốn

Có tới 60,8% doanh nghiệp ngành xây dựng đánh giá triển vọng tiếp cận vốn là tiêu cực và rất tiêu cực.

Bình luận về thông tin được Ban Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân (Ban IV) báo cáo Thủ tướng Chính phủ, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV bày tỏ sự lo lắng.

“Nguồn vốn là đầu vào quan trọng cho sản xuất, kinh doanh, nên khi cơ hội tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp chưa tích cực, thì khả năng phục hồi và phát triển của doanh nghiệp sẽ bị hạn chế”, bà Thủy nói về kết quả đợt khảo sát vừa thực hiện cuối tháng 12/2023, phục vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 1/2024.

Xét theo nhóm ngành, doanh nghiệp ngành xây dựng bi quan nhất về triển vọng tiếp cận thị trường vốn, khi chỉ có mức điểm trung bình 2,16 trên thang điểm 5, thấp hơn mức trung bình của các doanh nghiệp (2,73) và thấp nhất trong các ngành kinh tế. Thậm chí, doanh nghiệp xây dựng cũng đứng đầu danh sách về lo ngại phải giảm quy mô trong năm nay, với 80,3%. Ngành này cũng đứng đầu danh sách doanh nghiệp giảm lao động trên 5% (67,5% số doanh nghiệp), trong đó có đến 16,3% doanh nghiệp dự kiến giảm trên 50% lao động.

Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp và nông, lâm nghiệp, thủy sản đánh giá triển vọng tiếp cận vốn cao nhất, ở mức điểm 2,34, nhưng vẫn là mức tiêu cực.

Cũng phải nói thêm, đầu năm 2024, Chính phủ có nhiều chỉ đạo quyết liệt để giữ lãi suất cho vay ở mức thấp, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tạo điều kiện cho các ngân hàng chủ động trong kế hoạch kinh doanh khi giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, nhưng các doanh nghiệp cho rằng, để nền kinh tế và doanh nghiệp hấp thụ được hiệu quả các chính sách này, cần một khoảng thời gian nhất định.

Khảo sát của Ban IV cũng cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn này nhiều hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Các mức điểm trung bình lần lượt là 2,25; 2,44 và 2,51.

Nếu đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp đang đánh giá tích cực hơn về triển vọng thị trường, dù chưa rõ nét, thì những khó khăn trong tiếp cận vốn có thể sẽ cản trở rất lớn kế hoạch phục hồi của nhiều doanh nghiệp.

Chờ đợi thay đổi thủ tục

Trong các báo cáo tình hình doanh nghiệp gửi Thủ tướng từ các hiệp hội doanh nghiệp, điểm chung được nhìn thấy là nhận định những bất cập liên quan đến chi phí tuân thủ quy định và thủ tục hành chính tiếp tục là một trở ngại lớn.

Trong văn bản gửi Thủ tướng và một số Bộ trưởng, VASEP nhắc tới những nút thắt trong quá trình truy xuất nguồn gốc, kiểm soát IUU đáng ra có thể giải quyết ngay nếu Bộ NN&PTNT thay đổi quy định về cách tiếp cận trong việc cấp Giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) tại cảng cá, trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay.

“Chúng tôi đề nghị cấp S/C ngay cho chủ hàng khi họ đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng… tại cảng cá. Hiện nay, việc cấp S/C sau khi doanh nghiệp đưa nguyên liệu về nhà máy ở nhiều nơi kéo dài, thậm chí mất hàng tháng, nhiều lô đến 2-3 tháng”, ông Nguyễn Hoài Nam trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Đặc biệt, nguy cơ co hẹp và bị cạnh tranh thị phần tại châu Âu của ngành xuất khẩu cá ngừ 1 tỷ USD của Việt Nam cũng được gửi đến người đứng đầu Chính phủ, khi các doanh nghiệp cho biết, đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập khi thực hiện quy định liên quan đến yêu cầu cấp Chứng thư an toàn thực phẩm (H/C).

Nội dung bất cập này nằm trong “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU” ban hành tại Quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT ngày 21/12/2023 của Bộ NN&PTNT. Theo giải trình của VASEP, quy định trên yêu cầu H/C do cơ quan thẩm quyền các nước cấp kèm theo các lô nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm cả các lô cá tàu.

Nhưng cá được các tàu đánh bắt, chuyển sang các tàu cấp đông trên biển (freezer vessel), không chế biến, đóng gói hay bảo quản trên đất liền. Các tàu cấp đông này chở nguyên liệu từ biển vào Việt Nam giao cho các doanh nghiệp. Do đó, không thể có giấy H/C do cơ quan thẩm quyền nào cấp. Theo quy định của EU, nguyên liệu trên các tàu cấp đông như trên khi chuyển vào các nước thành viên EU thì cơ quan thẩm quyền EU cũng không yêu cầu giấy H/C do cơ quan thẩm quyền cấp, mà chỉ yêu cầu H/C do thuyền trưởng ký.

“Hiệp hội đã đề nghị Thủ tướng, Bộ NN&PTNT chỉ đạo xem xét, rà soát các quy định kiểm soát an toàn thực phẩm hiện hành của Việt Nam và châu Âu để điều chỉnh, sửa đổi phù hợp”, ông Nam nói.

Trong báo cáo của Ban IV, khó khăn trong thực thi, tuân thủ các thủ tục hành chính cũng được đề cập là có nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Thậm chí, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết, các doanh nghiệp vẫn lo ngại khi sự quyết liệt trong cải thiện thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp mới chỉ dừng ở cấp Trung ương. Tại cấp địa phương từ tỉnh xuống, các thủ tục hành chính chậm chạp, kém hiệu quả, khiến doanh nghiệp đánh mất nhiều cơ hội.

“Nhiều doanh nghiệp ngại mở rộng quy mô hoạt động theo hướng đầu tư hạ tầng bền vững vì sự phức tạp liên quan tới thủ tục với các cơ quan nhà nước, nhất là liên quan tới thuê đất”, bà Thủy cho hay.

Ban IV thậm chí đã đề xuất Chính phủ xem xét các tiêu chí để thay đổi người điều hành tại các tỉnh, thành phố nếu trong khoảng thời gian nhất định không hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đã được Chính phủ giao, ví dụ việc thu hút, đẩy mạnh đầu tư, giải quyết thủ tục đầu tư, gây hậu quả cho doanh nghiệp, trì trệ về hành chính… Trên cơ sở đó, tạo điều kiện cho các nhân sự có khả năng tạo đột phá, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Chúng ta nói đến cơ hội, nhưng nếu không hành động, thì sẽ không có cơ hội thực sự nào cả”, bà Thủy thẳng thắn.

Khánh An

Nguồn: Theo BÁO ĐẦU TƯ
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết