Hiệu quả mô hình tôm - lúa được nhiều địa phương nhân rộng
Trong 2 ngày 30 - 31/10, tại Bạc Liêu đã diễn ra Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: Giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm càng xanh - lúa do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Bạc Liêu tổ chức.
Theo Tổng cục Thủy sản, hình thức nuôi tôm - lúa phát triển nhanh ở ĐBSCL, tính đến năm 2018, diện tích này đã đạt 185.000 ha (năm 2000 là 71.000 ha). Năng suất bình quân 300 - 500 kg/ha tôm và 4 - 7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30 - 35 triệu đồng/ha, lãi suất ước 35 - 50 triệu đồng/ha/năm (tính cả tôm và lúa).
Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng canh tác tôm - lúa tại ĐBSCL là mô hình hở, hầu hết điều kiện phụ thuộc vào thời tiết khí hậu. Đa phần mô hình tôm - lúa phát triển ở nội đồng, vào mùa nắng thiếu nước, nhưng mùa mưa thì ứ đọng nước. Các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc phát triển mô hình tôm - lúa như: nâng cao năng lực sản xuất và quản lý chất lượng giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh. Chọn tạo các giống lúa có khả năng chịu mặn ở môi trường cao hơn 5‰, có thời gian sinh trưởng ngắn; đào tạo, tập huấn, cung cấp tài liệu kỹ thuật, xây dựng mô hình ương nuôi tôm giống cho người dân để phát huy hiệu quả; tăng cường đầu tư hạ tầng cấp - thoát nước, hệ thống quan trắc môi trường đảm bảo quản lý chất lượng nước phù hợp với nuôi tôm - trồng lúa…
Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng, để nâng cao hiệu quả mô hình, nông dân cần quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị ruộng, mương, hình thức nuôi thật kỹ, đặc biệt là nuôi tôm 2 giai đoạn.
Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết