Trong tháng 5, lượng nhập khẩu tôm của Mỹ giảm 6%. Giới chuyên gia cho rằng việc nhập khẩu tôm giảm là dấu hiệu của tình trạng dư cung và chuẩn bị bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Theo Undercurrent News, số liệu nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 5 cho thấy dấu thị trường này bắt đầu dư cung. Theo dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), trong tháng 5, nước này nhập khẩu gần 75.484 tấn tôm, trị giá gần 719 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này thấp hơn 6% về lượng nhưng lại tăng 5% về kim ngạch.
Đặc biệt, giá tôm nhập khẩu bình quân trong tháng 5 tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới chuyên gia cho rằng thị trường đang có dấu hiệu dư cung và xu hướng giảm nhập khẩu sẽ tiếp tục trong những tháng tới. Đồng thời, họ cũng cho rằng giá tôm hiện đang ở mức quá cao.
Tháng 5 cũng đánh dấu là tháng đầu tiên trong vòng 38 tháng trở lại đây ghi nhận lượng nhập khẩu tôm giảm so với kỳ năm trước đó. Nguyên nhân là bởi nền của tháng 5/2021 đã quá cao và tăng trưởng mạnh.
Trước đó, hồi tháng 5/2021, Mỹ nhập khẩu 80.601 tấn tôm, trị giá gần 682 triệu USD. Con số này cao hơn 112% về lượng và cao hơn 114% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Chuyên gia phân tích cao cấp Angel Rubio đánh giá đây là giai đoạn tăng trưởng “điên cuồng” đối với nhập khẩu tôm của Mỹ.
Ông Kevin Tang, Giám đốc điều hành của Công ty Thuỷ sản Sunnyvale có trụ sở tại Union City, California cho biết việc nhập khẩu tôm giảm là dấu hiệu của tình trạng dư cung và chuẩn bị bước vào giai đoạn điều chỉnh.
“Trong giai đoạn tháng 6,7, nguồn cung rất dồi dào và phải đến tháng 9, nhu cầu nhập khẩu mới tăng trở lại nhằm phục vụ cho các kỳ nghỉ lễ”, ông Tang nói.
Những biến động thị trường phần nào thay đổi cơ cấu nguồn tôm cho Mỹ. Trong top 10 quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất sang Mỹ, có 3 quốc gia ghi nhận sụt giảm về giá trị và 4 quốc gia giảm về lượng.
Top 20 quốc gia xuất khẩu tôm sang Mỹ. (Nguồn: NOAA)
Ấn Độ vẫn duy trì vị trí số 1 với lượng xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 24.786 tấn, trị giá 232,2 triệu USD, giảm mạnh 23% về lượng và giảm 13% về giá trị. Mặc dù vậy, giá tôm của nước này tăng 12% lên 8,36 USD/kg.
Trong khi đó, Ecuador “vượt mặt” Indonesia trở thành nhà cung cấp tôm lớn thứ hai cho Mỹ với lượng tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 16.873 tấn, kim ngạch tăng 18% lên 137 triệu USD. Giá tôm xuất khẩu của nước này cũng tăng 10% so với tháng 5/2021 lên 6,9 USD/kg.
Ecuador vẫn đang nỗ lực đa dạng thị trường xuất khẩu. Ông Jose Antonio Camposano, người đứng đầu cơ quan nuôi trồng thuỷ sản quốc gia (CNA) cho biết các nhà xuất khẩu tôm đang cố gắng nối lại thị trường Thái Lan sau sự cố hồi tháng 3/2021. Thời điểm đó, Thái Lan ngừng nhập khẩu tôm Ecuador vì lo ngại rủi ro lây nhiễm hội chứng đốm trắng, hoại tử trên tôm.
Trong tháng 5, tổng lượng tôm xuất khẩu của Ecuador đạt kỷ lục 95.000, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng trưởng bán hàng tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ và EU.
Còn với Việt Nam, lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh 17% lên 6.315 tấn với kim ngạch đạt gần 65 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 5, Việt Nam là quốc gia cung cấp tôm lớn thứ 4 cho Mỹ, chủ yếu là các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên, chi phí bán hàng sang thị trường này quá cao, điển hình như cước vận chuyển, kho bãi nên khiến nhiều doanh nghiệp có ý định chuyển dần tỷ trọng tại Mỹ.
Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc CTCP Thuỷ sản Minh Phú, “Thuế giảm có mấy phần trăm nhưng chi phí xuất khẩu sang Mỹ tăng tới nhiều lần. Khi kinh doanh, chúng ta cần làm vì lợi nhuận; do đó việc bán hàng sang Mỹ lợi nhuận không cao, pháp lý phức tạp thì có nên bán hàng vào đó hay không? Tôi cứ hỏi hoài tại sao Ấn Độ và Ecuador bán tôm rất rẻ, bán lỗ thế mà vẫn đâm đầu vào Mỹ”.
Hiện Minh Phú là công ty xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam. Trong nhiều năm, Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Minh Phú. Trong năm 2021, Mỹ chiếm tới 34% tỷ trọng các thị trường xuất khẩu của Minh Phú, tăng 8,6 điểm phần trăm so với năm 2020.
“Thị trường Mỹ năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn nên Minh Phú chỉ có thể đạt hoặc mấp mé đạt mục tiêu về sản lượng. Tuy nhiên, tôi tự tin năm 2022 sẽ đặt được mục tiêu về lợi nhuận”, ông Quang nói.
Trong buổi họp ĐHĐCĐ 2022 diễn ra hồi giữa tháng 4, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta từng tiết lộ: “Tiến trình để đưa ra khỏi danh sách xem xét chống bán phá giá vào Mỹ mất rất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp và đòi hỏi phải có tiềm lực kinh tế. Minh Phú xem Mỹ là thị trường trọng điểm nên chấp nhận theo đuổi tiến trình đạt kết quả”.
Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Sao Ta và công ty lựa chọn tập trung nguồn lực cho 2 thị trường lớn nhất thay vì theo đuổi tiến trình đưa tên ra khỏi danh sách xem xét thuế chống bán phá giá vào Mỹ.
Mỹ Hạnh (Theo Vietnambiz)
Nguồn: Theo Vietnambiz Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết