Kiểm tra sự thành thục của cá tra. Ảnh: Dự án PANGAGEN
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đứng trước nỗi lo xâm nhập mặn. Trước thực tế đó, nhiều mô hình sản xuất, dự án nghiên cứu trong thủy sản nhằm giúp người dân thích ứng với điều kiện hạn mặn đã được hình thành, trong đó, cá tra là một trong những đối tượng được ưu tiên hàng đầu.
Tính tất yếu
Để đa dạng hóa các loài nuôi nước mặn lợ, thay thế các đối tượng nuôi truyền thống, tạo thêm nhiều lựa chọn cho người nuôi thì việc thực hiện các nghiên cứu thuần hóa và thử nghiệm khả năng chịu mặn của các loài cá nước ngọt tiềm năng là rất cần thiết. Trên thế giới, cá chép đã được nuôi thành công và sinh trưởng tốt ở độ mặn 7,5‰ (Garg, 1996). Nhiều loài cá khác cùng trong họ cá chép cũng đã được thử nghiệm khả năng chịu mặn như cá trắm cỏ, cá mè, cá trôi, cá diếc (Kilambi and Zdinak 1980; Garcia et al., 1999; Von Gertzen, 1985; Luz et al., 2008). Ở Việt Nam, đã có một số loài cá nước ngọt được thuần hóa và nuôi trong môi trường nước mặn lợ; cá rô phi có thể nuôi trong môi trường độ mặn 30‰ (Lê Minh Toán và cs., 2012; Phạm Anh Vũ và Nguyễn Minh Thành, 2014). Cá rô phi khi được nuôi trong nước mặn đã thể hiện nhiều đặc tính tốt như ít bệnh, chất lượng thịt thơm ngon, vị đậm đà, màu sắc cá thương phẩm đẹp mắt và đã trở thành đối tượng nuôi ghép quan trọng trong các vùng nuôi ven biển.
Hệ thống bể tuần hoàn thuần hóa cá tra nước mặn
Cá tra là cá da trơn tương đối dễ nuôi, sống chủ yếu ở nước ngọt. Đây là loài cá đại diện cho họ cá tra và được nuôi nhiều ở Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Những năm gần đây, cá tra là loài cá nước ngọt được nuôi và xuất khẩu nhiều nhất so với các đối tượng thủy sản nước ngọt khác. Trong một số nghiên cứu tại Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ và từ thực tế các hộ nuôi cá tra đã cho thấy, loài cá này cũng có khả năng chịu được nước lợ. Do đó, năm 2017, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ hợp tác với Trường Đại học Liège và Trường Đại học Namur (Bỉ) xây dựng dự án “Hướng đến sự bền vững trong sản xuất giống cá tra: tiếp cận theo phương pháp chọn lọc” (gọi tắt là Dự án PANGAGEN). Một trong những mục tiêu của Dự án PANGAGEN là phát triển dòng cá tra chịu mặn, hướng đến phát triển sản xuất giống cá tra và cung cấp con giống chịu mặn tốt, chất lượng cao cho nghề nuôi cá tra, đặc biệt là vùng bị xâm nhập mặn vùng ĐBSCL. Thời gian triển khai dự án từ năm 2017 – 2022.
Quy trình
Cá tra giống được thu thập từ 3 trang trại ở các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và TP Cần Thơ, mỗi trại gồm 10 con cá cái và 10 con cá đực, cho sinh sản chéo và tạo ra được khoảng 900 gia đình cá tra (gọi là thế hệ G1). Thế hệ G1 được ương trong ao nước ngọt, khi cá đạt khối lượng 4 – 5 g, nhóm nghiên cứu tiến hành thuần hóa cá tra trong môi trường nước có độ mặn 10‰ trong hệ thống bể tuần hoàn nước. Sau một năm, cá tra thế hệ G1 tiếp tục được nuôi dưỡng ở nguồn nước có độ mặn 5‰ đến khi thành cá bố mẹ. Trong hệ thống bể tuần hoàn nước, độ mặn được kiểm soát ở mức 10‰ và được duy trì ổn định, cách làm này sẽ tập cho cá tra quen với môi trường nước mặn. Tạo thuận lợi cho nhóm nghiên cứu trong quá trình đánh giá khả năng thích ứng của cá tra trong điều kiện nước mặn. Quá trình nuôi trong một năm, cá tra trải qua 3 lần chọn lọc, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn ra 50% những con cá lớn nhất trong đàn để giữ lại và lấy một nhóm ngẫu nhiên để làm đối chứng với đàn cá chọn lọc.
Kiểm tra sự thành thục của cá tra. Ảnh: Dự án PANGAGEN
Kết quả
PGS.TS Dương Thúy Yên, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ cho biết: “Khi cá tra một được năm tuổi, kích thước cá đạt khoảng 1,4 kg, cá ngẫu nhiên không chọn lọc chỉ đạt khoảng 780 g, nhỏ hơn nhiều so với cá chọn lọc”. Để đánh giá khả năng thích nghi độ mặn của dòng cá tra chọn lọc, đàn con của đàn cá thế hệ G1 được so sánh với cá tra nước ngọt khi cùng ương, nuôi ở các độ mặn khác nhau, như 5‰, 10‰, 15‰ và 20‰. Theo đó, PGS.TS Dương Thúy Yên nhận định, khi nuôi từ cá giống đến giai đoạn thương phẩm, ở mức độ mặn 5‰ và 10‰ cá tra chọn lọc phát triển tốt hơn cá tra nước ngọt, 15‰ cá vẫn chịu được tuy nhiên sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và đặc biệt độ mặn 20‰ sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Với cá bột đến 21 ngày, cá giảm tăng trưởng và tỷ lệ sống ở 10‰. “Như vậy, với môi trường độ mặn ở mức 5‰ và 10‰, cá tra chịu mặn tăng trưởng tốt. Nếu nuôi trong nước ngọt, tỷ lệ sống và tăng trưởng con cá tra chịu mặn bằng hoặc tốt hơn những con cá nuôi trong nước ngọt”, đây là kết quả được nhóm nghiên cứu đưa ra.
Trong năm 2022 này, nhóm nghiên cứu lên kế hoạch đưa cá tra vào nuôi thực tế tại các hộ dân để sản xuất và đánh giá hiệu quả thích ứng nước mặn của cá tra. Đồng thời, Dự án PANGAGEN sẽ tiếp tục chọn lọc các thế hệ cá tiếp theo, với hy vọng khả năng đời sau cá tra có thể phát triển ở độ mặn cao hơn, nhằm cung cấp các giải pháp bền vững và toàn diện cho nghề nuôi cá tra.
Nguyễn An
Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết