Kiên Giang: Nuôi lươn không bùn hiệu quả bền vững

Adv thuysan247
Thời gian gần đây, mô hình nuôi lươn không bùn tại tỉnh Kiên Giang phát triển mạnh. Mô hình được đánh giá phù hợp với điều kiện tự nhiên, quy mô nông hộ, tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh.

Nuôi lươn không bùn bằng thức ăn công nghiệp giúp kiểm soát tốt môi trường, giảm thất thoát. Ảnh: Diễm Trang

Thời gian gần đây, mô hình nuôi lươn không bùn tại tỉnh Kiên Giang phát triển mạnh. Mô hình được đánh giá phù hợp với điều kiện tự nhiên, quy mô nông hộ, tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh.

thuysan247.com

Tiêu thụ khó khăn 

Theo Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 356 hộ nuôi lươn không bùn với hơn 1.500 bể nuôi; trong đó, nuôi nhiều ở các huyện: Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp, An Minh và U Minh Thượng; chủ yếu các hộ nuôi lươn theo hình thức tự phát. Huyện Giồng Riềng là một trong những địa phương có số lượng bể nuôi lươn không bùn lớn của tỉnh Kiên Giang, một số người gắn bó lâu năm với nghề nuôi tại đây cho biết, trước đây, khi mô hình chưa phát triển rộng rãi, giá lươn khá cao nên người nuôi lợi nhuận nhiều. Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây, giá lươn sụt giảm mạnh và duy trì ở mức thấp nên nông dân lãi ít. 

Theo người nuôi lươn ở huyện Giồng Riềng, từ năm 2021 đến nay, giá lươn chỉ dao động từ 105.000 – 120.000 đồng/kg, người nuôi có lãi rất ít. Một số hộ hiện tại lươn đã đến lứa thu hoạch, nhưng giá lươn cao nhất chỉ 105.000 đồng/kg nên chưa bán, chờ tăng giá. Để nuôi được 1 kg lươn thương phẩm, người nuôi phải đầu tư tiền con giống, thức ăn, điện, nước khoảng 85.000 đồng/kg. Như vậy, người nuôi phải mất 10 tháng mới nuôi được lứa lươn, nhưng xuất bán với giá như trên thì chỉ lãi khoảng 10.000 đồng/kg. Lươn nuôi đạt sản lượng, nhưng giá bấp bênh nên mấy năm gần đây, nhiều hộ đã giảm số lượng thả nuôi vì sợ thua lỗ. 

Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổ trưởng Tổ nuôi lươn ấp Võ Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng cho hay, gia đình ông nuôi lươn nhiều nhất huyện, gồm 30 bể lươn thương phẩm; trong đó lươn sinh sản, lươn giống bán khoảng 100.000 con/năm. Thị trường cung ứng lươn giống của ông Hải không chỉ cho nông dân Kiên Giang mà còn ở một số huyện ở tỉnh: Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. Liên tục 2 năm nay, số lượng lươn giống của ông Hải không đủ để bán cho người mua. 

Theo ông Hải, những năm trước, khi giá lươn khoảng 140.000 đồng/kg, 30 bể lươn thịt mang về lợi nhuận cho gia đình trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần đây, giá lươn chỉ còn 100.000 – 105.000 đồng/kg, nên trung bình một năm chỉ còn lời khoảng 300 triệu đồng. Mô hình nuôi này ít bị dịch bệnh và dễ nuôi, tuy nhiên, giá lươn không ổn định nên người nuôi luôn lo lắng. 

Giải pháp phát triển bền vững

Nhằm giúp cho mô hình nuôi lươn không bùn phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi; xây dựng mô hình mẫu để nông dân tham quan học hỏi, làm theo. 

Điển hình như mô hình nuôi lươn không bùn sử dụng thức ăn công nghiệp tại huyện Vĩnh Thuận với 3 điểm/3 hộ, tại xã Bình Minh (1điểm) và thị trấn Vĩnh Thuận (2 điểm), diện tích mỗi điểm 12 m2. Kết quả, tỷ lệ sống trung bình của 3 hộ nuôi đạt 87,5%, tất cả lươn của các hộ nuôi có tỷ lệ sống đều đạt và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 70%) do trong quá trình chăm sóc cán bộ kỹ thuật và hộ nuôi luôn theo dõi sát tình hình phát triển của lươn, kịp thời xử lý khi lươn có dấu hiệu bệnh nên tỷ lệ hao hụt thấp. Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) trung bình đạt 1,57 – thấp hơn kế hoạch của chương trình đề ra (kế hoạch FCR = 2) do trong quá trình nuôi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, cho ăn vừa đủ, không để thức ăn thừa. Sản lượng trung bình của 3 hộ đạt hơn 323 kg, vượt so với kế hoạch (kế hoạch 280 kg). 

Kích cỡ lươn thu hoạch trung bình 0,185 kg/con. Lợi nhuận trung bình gần 8 triệu đồng/hộ. Theo Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, thị trường tiêu thụ lươn thịt trước đây rất tốt, giá bán cũng cao nên người nuôi có lãi nhiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây nông dân trong vùng ĐBSCL nuôi nhiều, trong khi xuất khẩu gặp khó, chủ yếu tiêu thụ nội địa nên giá lươn sụt giảm nhiều so với trước đây. 

Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư thả nuôi lươn không bùn, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả để giúp các hộ có nhu cầu tham quan học hỏi; vận động thành lập tổ hợp tác nuôi lươn đạt tiêu chuẩn VietGAP; phối hợp với ngành, đơn vị tổ chức tập huấn kỹ thuật; tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hội viên nông dân. 

>> Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang phối hợp với các đơn vị triển khai các mô hình nuôi thủy đặc sản nước ngọt, thủy sản mặn lợ ven biển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong nuôi biển. Cụ thể như: Nuôi cá trê vàng luân canh, xen canh trồng lúa; nuôi lươn không bùn sử dụng thức ăn công nghiệp; nuôi lươn sinh sản tạo con giống; nuôi cá chốt thương phẩm trong ao đất; nuôi ốc bươu đen thương phẩm trong ao đất; nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp nhiều giai đoạn… Ngoài ra, còn có các mô hình nuôi thủy sản kết hợp như nuôi tôm sú 2 giai đoạn luân canh với trồng lúa quản lý cộng đồng, nuôi tôm càng xanh toàn đực luân canh với trồng lúa, nuôi tôm sú kết hợp cua luân canh với trồng lúa, và nuôi tôm sú kết hợp cá nâu. 

Bùi Định

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết